Bộ Tài chính mới đây đã ban hành Quyết định 1914 trong đó hướng dẫn sử dụng các phương án để xử lý nợ đọng thuế.
Theo đó, Tổng cục Thuế đã đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện các biện pháp xử lý nợ đọng thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Một trong những biện pháp đầu tiên được đưa ra áp dụng với người nợ thuế dưới 30 ngày là việc cơ quan thuế sẽ gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử cho chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện theo pháp luật để yêu cầu nộp tiền thuế nợ.
Trong trường hợp nợ thuế từ 31 ngày trở lên, cơ quan thuế sẽ ban hành 100% thông báo tiền nợ thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp theo quy định. Thông báo này sẽ được gửi trực tiếp đến địa chỉ người nợ tiền thuế.
Tổng cục Thuế cũng cho biết đối với các trường hợp đã hết hạn không tính tiền chậm nộp, thời gian gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền thuế nợ theo quy định Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế sẽ ban hành thông báo ngay trong tháng kế tiếp. Trường hợp này, cơ quan quản lý cũng sẽ tổ chức áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đúng thời hạn quy định.
Tổng cục Thuế đang đẩy mạnh công tác thu hồi, xử lý nợ đọng thuế. |
Nếu thông báo nợ thuế không đúng với sổ sách kế toán của người nộp thì chậm nhất sau 3 ngày làm việc kể từ khi người nộp phản ánh, lãnh đạo cơ quan thuế phải chỉ đạo thực hiện đối chiếu và xác định chính xác số tiền nợ thuế, cập nhật đầy đủ kết quả nợ thuế.
Đối với các khoản nợ trên 60 ngày, cơ quan thuế sẽ ban hành văn bản đôn đốc trong đó nêu cụ thể các biện pháp cưỡng chế sẽ áp dụng nếu người nộp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Đặc biệt, trong số các biện pháp được Tổng cục Thuế đưa ra có biện pháp cưỡng chế đối với các doanh nghiệp nợ thuế từ 91 ngày trở lên.
Cơ quan thuế sẽ cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với toàn bộ doanh nghiệp có tiền nợ thuộc diện này.
Đối với doanh nghiệp nợ thuế quá 121 ngày, cơ quan thuế cũng sẽ ban hành quyết định cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Sau khi hết thời hạn của quyết định cưỡng chế hóa đơn (1 năm), nếu doanh nghiệp chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ, cơ quan thuế sẽ tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế.
Bên cạnh đó, biện pháp “bêu tên”, công khai thông tin người nợ thuế sẽ tiếp tục được áp dụng với các trường hợp đã thực hiện cưỡng chế định kỳ hàng tháng.
Mới đây, Cục Thuế thành phố Hà Nội cũng đã công khai danh sách 112 đơn vị nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất tính đến tháng 12 với số dư nợ hơn 138 tỷ đồng.
Trong đó, có 2 doanh nghiệp nợ hơn 4,3 tỷ tiền sử dụng đất và 110 doanh nghiệp nợ thuế, phí với số tiền gần 134 tỷ đồng tính đến cuối tháng 10.
Trước đó, nhiều Cục thuế các tỉnh, thành phố như TP.HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng… cũng thường xuyên “bêu tên” các doanh nghiệp chây ì nợ thuế.