Tối 5/5, mạng xã hội xuất hiện clip hơn 2 phút ghi lại cuộc cãi vã "chợ búa" của một học viên với cô giáo trong lớp tiếng Anh dành cho người đi làm. Ngay sau đó, cộng đồng mạng rốt ráo truy tìm trang Facebook cá nhân của cô giáo này.
Sau khi clip được đăng tải, cộng đồng mạng bày tỏ sự bất bình với phát ngôn và cách ứng xử của nữ giáo viên và cả học viên. Nhiều người buông lời lăng mạ trên trang Facebook cá nhân của cô Tuyến khiến cô này phải khóa Facebook ngay sau đó.
Hàng trăm tài khoản mạo danh cô giáo được lập ra chỉ sau một đêm với mục đích câu like. |
Nhiều người đã ngay lập tức tạo các tài khoản, trang giả mạo để tăng tương tác bằng việc đáp ứng nhu cầu chửi rủa, lăng mạ của cộng đồng mạng.
Chỉ cần nhập từ khóa "Nguyễn Kim Tuyến", tên của cô giáo chửi học sinh "óc lợn", Facebook sẽ cho ra hàng trăm tài khoản giả mạo với ảnh đại diện, nơi làm việc như thật. Tuy nhiên, đa phần dòng thời gian những tài khoản này chỉ mới cập nhật thông tin vài ngày trở lại đây.
Thậm chí, bài viết xin lỗi cũng được một fanpage chi tiền chạy quảng cáo. |
Một số "cao thủ" còn sử dụng những tài khoản cũ sau đó thay toàn bộ hình ảnh, chỉnh sửa trạng thái với nội dung khiêu khích nhằm khơi gợi sự tức tối của cộng đồng mạng. Thậm chí một fanpage còn chạy quảng cáo lời xin lỗi, chỉ trong một ngày, trang này đã có hơn 5.000 lượt thích.
Bên cạnh trò tạo trang giả mạo nhằm thỏa mãn "thú vui chửi rủa" của cộng đồng mạng, nhiều Facebooker còn sử dụng hình ảnh cá nhân của nhân vật cho mục đích tăng sự chú ý cho bài viết bán hàng.
Một số nội dung bán hàng cũng nhanh chóng ăn theo sự bức xúc của cộng đồng mạng |
"Đây không phải lần đầu tiên người dùng Facebook bị những fanpage như vậy "dắt mũi". Trước đây hình ảnh của Hoa hậu H'hen Niê, các cầu thủ U23 Việt Nam, các vị trọng tài cũng bị sử dụng cho các chiêu trò bắt trend (xu hướng) câu like như vậy. Cao thủ không bằng tranh thủ", Trọng Nhân, chuyên gia Digital Marketing chia sẻ về chiêu trò đã quá cũ nhưng vẫn hữu dụng này.