Báo cáo kiểm toán vừa chỉ ra Công ty cổ phần Hùng Vương có nhiều lỗi trọng yếu từ báo cáo tài chính mà công ty lập trước đó. Theo đó, báo cáo kiểm toán hợp nhất của Hùng Vương cho nửa niên độ tài chính năm 2019 đã ghi nhận doanh thu giảm một nửa, từ 5.043 tỷ đồng về 2.885 tỷ đồng, đồng thời báo lỗ gần 112 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo tự lập ghi nhận lãi gần 25 tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý là kiểm toán có nhấn mạnh đến khả năng hoạt động liên tục của Hùng Vương vì có khoản vay quá hạn thanh toán tại các ngân hàng thương mại. Khả năng hoạt động của công ty giờ đây lại phụ thuộc vào khả năng sắp xếp dòng tiền kinh doanh và được tái cơ cấu các khoản vay từ ngân hàng.
Hùng Vương vẫn lao đao vì áp lực trả nợ vay. |
Chẳng hạn, vào ngày 31/3, Hùng Vương chưa thanh toán các khoản vay đến hạn phải trả tại Vietcombank với số tiền gần 602 tỷ đồng. Hiện Hùng Vương vẫn đang trong quá trình xin sự phê duyệt của ngân hàng Vietcombank chấp thuận cho việc giãn thời gian thanh toán khoản nợ gốc và lãi vay trong vòng tám năm tiếp theo.
Áp lực trả nợ vay của Hùng Vương sắp tới cũng rất lớn bởi trong các tháng 6, 7 và tháng 9 tới công ty có gần 380 tỷ đồng nợ vay đến hạn phải trả. Như vậy, tính cả hơn 600 tỷ đồng vay nợ quá hạn từ Vietcombank thì Hùng Vương cần hơn 1.000 tỷ đồng để trả nợ trong năm nay.
Hôm 11/6, Hùng Vương đã báo cáo lên Ủy ban chứng khoán nhà nước về việc thoái vốn hai công ty con là Công ty TNHH Chế biến thủy sản Hùng Vương Bến Tre (tỷ lệ sở hữu 90% với giá trị sổ sách là 180 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (tỷ lệ sở hữu 79,58%). Tỷ lệ sở hữu sau thoái vốn dự kiến dưới 50%.