Nền kinh tế ban đêm, bao gồm các hoạt động kinh tế diễn ra từ 18h đến 6h sáng, là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh du lịch của Thái Lan - nơi đón 40 triệu du khách và tạo ra doanh thu khoảng 2.000 tỷ baht/năm trước đại dịch, theo Bangkok Post.
Nó được phân loại thành 5 danh mục phụ: dịch vụ ăn uống; quán bar; nghệ thuật; điểm tụ họp; thể thao và giải trí.
Trong đó, các quán bar và hộp đêm đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động ban đêm. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ riêng lĩnh vực này ở Thái Lan đã đóng góp khoảng 5,5 tỷ USD cho nền kinh tế, tức hơn 1% GDP.
Tuy nhiên, các tụ điểm giải trí về đêm có liên quan đến sự lây lan dịch Covid-19. Hàng loạt ổ dịch bùng phát từ hộp đêm ở Bangkok giữa tháng 3 khiến chính quyền trung ương và thủ đô phải kiểm soát chặt chẽ hơn.
Bầu không khí yên ắng ở quận Silom - nơi từng là trung tâm của cuộc sống về đêm ở Bangkok. Ảnh: Wichan Charoenkiatpakul. |
Trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế bị tàn phá vì dịch, hôm 21/10, chính phủ Thái Lan tuyên bố miễn cách ly đối với du khách được tiêm phòng đầy đủ đến từ 46 quốc gia có nguy cơ thấp từ ngày 1/11.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh về đêm vẫn đóng cửa, các quán bar im lặng trong bối cảnh lệnh cấm bán đồ uống có cồn nhằm hạn chế sự lây lan của nCoV.
Do đó, những người trong ngành đặt câu hỏi về tính hiệu quả của kế hoạch mở cửa trở lại.
Nên dỡ bỏ lệnh cấm
Ông Thanakorn Kuptajit, thư ký điều hành của Hiệp hội kinh doanh đồ uống có cồn Thái Lan, nhận định với việc khách du lịch quốc tế có sức chi tiêu cao và sở thích tiêu tiền ăn uống cả ngày lẫn đêm, Thái Lan sẽ vụt mất cơ hội vào tay một số quốc gia láng giềng nếu đất nước mở cửa trở lại nhưng vẫn áp dụng lệnh cấm bán rượu, bia tại nhà hàng.
“Tất cả doanh nghiệp nên có cơ hội bình đẳng khi đất nước mở cửa trở lại”, ông nói.
Theo ông Thanakorn, Hiệp hội tự tin rằng nền kinh tế Thái Lan sẽ hồi sinh nếu lệnh cấm được nới lỏng cùng với chỉ thị rõ ràng, biện pháp phòng, chống dịch thích hợp.
“Chúng tôi muốn thấy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa chính phủ và đại diện từ lĩnh vực đồ uống có cồn. Đó có thể là những cuộc thảo luận trực tiếp để lắng nghe mối quan tâm và ý tưởng về việc quản lý rủi ro của các nhà hàng bán rượu, bia nhằm giúp nền kinh tế phát triển”, ông đề xuất.
Một địa điểm giải trí ở khu phố Thong Lor-Ekamai của Bangkok bị đóng cửa trong dịch. Ảnh: Pornprom Satrabhaya. |
Trong khi đó, ông Sanga Ruangwatanakul, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khao San, cho biết chính phủ cần làm rõ các biện pháp giới nghiêm bởi chúng đóng vai trò quan trọng trong quyết định của du khách quốc tế đến thăm Thái Lan nếu họ phải đi chuyến bay đêm.
Ngoài ra, ông đồng quan điểm rằng chính phủ nên cho phép bán đồ uống có cồn tại các khách sạn và nhà hàng. Giá bảo hiểm du lịch cho khách du lịch nước ngoài cũng nên ngang bằng với các quốc gia trong khu vực.
Ông Sanga đề xuất loại bỏ kế hoạch “hộp cát” cho Bangkok vì rất khó kiểm soát.
“Chính phủ nên sẵn sàng mở cửa lại đất nước, cung cấp thông tin rõ ràng về quy định đối với khách du lịch quốc tế thông qua Tổng cục Du lịch Thái Lan và Bộ Ngoại giao”, ông nói.
Với 80% thu nhập của người dân khu vực Khao San đến từ khách du lịch, ông Sanga tin rằng nếu không được phép bán đồ uống có cồn sau khi đất nước mở cửa trở lại, các nhà hàng sẽ không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh.
“Khi đó, Khao San sẽ không khác gì nghĩa trang”, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khao San nói.
Ảnh hưởng nghiêm trọng
Bà Marisa Sukosol Nunbhakdi, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan, cho biết lệnh hạn chế rượu, bia và đóng cửa sớm các nhà hàng vào ban đêm trong vài tháng qua đã ảnh hưởng đến nhu cầu ghé thăm xứ chùa Vàng của du khách quốc tế.
Bà cho biết doanh số bán đồ uống có cồn thường đóng góp một phần doanh thu lớn cho các khách sạn, quán rượu và nhà hàng nổi tiếng. Nếu các doanh nghiệp giải trí về đêm có thể khởi động lại vào tháng 12 như kế hoạch, điều đó cũng sẽ thúc đẩy tâm lý chung cho ngành kinh doanh du lịch.
“Không chỉ nhà hàng, các địa điểm vui chơi giải trí và nghề liên quan như nhạc sĩ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh cấm”, bà Marisa nói.
Phố đi bộ ở Pattaya - nơi hoạt động kinh doanh tạm dừng kể từ khi vắng bóng khách du lịch quốc tế vì Covid-19. Nhiều cửa hàng đóng cửa vĩnh viễn, trong khi một số khác cho thuê mặt bằng để duy trì hoạt động. Ảnh: Nutthawat Wicheanbut. |
Theo khảo sát của Hội đồng Du lịch Thái Lan trong quý 3, trong số 8 hạng mục thuộc chuỗi cung ứng du lịch, duy nhất các địa điểm vui chơi giải trí có doanh thu giảm 100% so với thời kỳ trước Covid-19.
Nhân viên trong các doanh nghiệp giải trí về đêm phải đối mặt với tình huống nguy cấp khi hoàn toàn thất nghiệp trong 4 tháng qua.
Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan cho biết xứ chùa Vàng nổi tiếng toàn cầu về cuộc sống về đêm, tự hào có nhiều quán bar và nhà hàng được biết đến. Việc chấm dứt lệnh cấm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn sẽ là lựa chọn phù hợp hơn cho những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực du lịch.
“Việc giới hạn số lượng khách và yêu cầu họ xuất trình giấy chứng nhận tiêm vacxin sẽ giúp tầm soát cơ bản, đồng thời cân bằng các biện pháp chăm sóc sức khỏe với nền kinh tế”, bà nói.
Ông Tanit Choomsang, chủ tịch Hiệp hội nhà hàng và quán ăn nhỏ Chiang Mai, nói Hiệp hội đang yêu cầu chính quyền tỉnh cho phép các nhà hàng, ngoại trừ quán rượu và bar, bán đồ uống có cồn từ 19h đến 21h; các khách sạn có chứng nhận từ Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe (SHA Plus) được bán rượu, bia tại nhà hàng của họ sau ngày 1/11.
Theo ông, cho đến nay, có khoảng 100 doanh nghiệp nhận được chứng nhận SHA Plus.
Hiện tại, 50% nhà hàng ở Chiang Mai đã mở cửa trở lại. Số còn lại vẫn chưa đưa ra quyết định vì không biết doanh thu có ổn không khi không được bán đồ uống có cồn.
Pattaya vắng vẻ về đêm trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Chaiyot Pupattanapong. |
Alisa Phanthusak, giám đốc của tập đoàn PTS Holdings, người điều hành Tiffany’s show Pattaya (chương trình biểu diễn nổi tiếng có tuổi đời 46 năm), cho biết mặc dù đất nước dự kiến mở cửa trở lại vào đầu tháng tới, công ty của bà vẫn thận trọng về việc đầu tư vào chương trình và kinh doanh khách sạn.
Bà Alisa cho biết hoạt động kinh doanh du lịch dự kiến tiếp tục khó khăn trong vòng 3-4 năm tới.
Tập đoàn PTS Holdings mở cửa khu nghỉ dưỡng với công suất 20/150 phòng sau khi chính phủ nới lỏng lệnh cấm vào tháng 10.
Bà Alisa cho biết hầu hết người dân Thái Lan vẫn lo lắng về việc rời khỏi nhà. Bởi vậy, Tiffany’s show Pattaya không thể trở lại trong năm nay.
“Chừng nào chính phủ không có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, càng có ít cơ hội để Tiffany’s mở lại. Pattaya là thành phố của cuộc sống về đêm, nếu đồ uống có cồn bị cấm thì phố đi bộ cũng chết”, bà nói.
Bà nói: “Chừng nào chính phủ không có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, thì càng có ít cơ hội để Tiffany's mở lại dịch vụ của mình. Pattaya là thành phố của những cuộc vui chơi giải trí về đêm, nếu đồ uống có cồn bị cấm thì phố đi bộ đã chết”.