Người dân Kathmandu bất kể già trẻ lớn bé tập trung ở những khu vực đổ nát để dọn dẹp cùng quân đội, cảnh sát và những đội cứu hộ. Ảnh: Tuổi Trẻ/Việt Phương |
Kathmandu ngày 29/4 có vẻ đã lấy lại chút sinh lực sau những ngày khủng hoảng. Người ta bắt đầu đổ ra đường nhiều hơn. Một số hàng quán mở cửa trở lại nhưng không nhiều.
Doanh nhân tên Sagar Gurung chia sẻ có thể người dân cảm thấy an tâm hơn khi ngày trước đó chỉ có một dư chấn nhẹ. Ban đêm, người dân bắt đầu vào nhà ngủ để tránh những cơn mưa bất chợt lúc giao mùa và cũng để phòng ngừa trộm cắp.
Trên đường phố ban đêm, xe cảnh sát đi lòng vòng tuần tra để đảm bảo an ninh. So với đêm trước đó, mọi thứ đều trống trải và vắng lặng, Kathmandu hôm nay có vẻ bình thường hơn. Trên bầu trời Kathmandu, tiếng máy bay trực thăng và các phi cơ khác lên xuống sân bay liên tục.
Lo sợ thiếu nước, thực phẩm
Thành phố Kathmandu không bị phá hủy trên diện rộng. Nhiều ngôi nhà vẫn vững chãi. Doanh nhân Sagar cho biết khu vực bị sập nặng nhất là nơi có những ngôi nhà xây gạch đắp bùn đất và những nhà không có bêtông cốt thép bên trong.
Những nhà xây mới sau này khá nguyên vẹn mặc dù có nhiều vết nứt. Ở những khu phố lớn, các nhà xây sát nhau nên không bị đổ do động đất.
Trong thành phố, lán trại dựng lên khắp nơi, bất cứ nơi nào có chỗ trống, từ vỉa hè, công viên cho đến sân vận động. Đây chỉ là các lán trại dựng tạm và hoàn toàn không phải là những túp lều tiêu chuẩn. Sinh hoạt của người dân trong lều rất nhếch nhác, nhất là khi những cơn mưa đổ xuống.
Gần một khu tập trung ngoài trời, người ta la hét, xô đẩy để leo lên một xe buýt của quân đội. Cảnh sát đã phải xuất hiện để vãn hồi trật tự. Chiếc xe chật ních những người nhanh chân chen được lên trước đó, nhưng những người khác vẫn cố trèo bằng được vào xe để tìm cơ hội về quê, rời khỏi Kathmandu trong tình hình tồi tệ này.
Kathmandu vẫn chưa có điện trở lại sau động đất. Nhiều nơi phải dùng máy phát điện. Truyền thông Nepal cũng đưa tin về cuộc di tản bất đắc dĩ. Nhiều người lo ngại trong những ngày tới, với tình hình này, nước và cả thực phẩm sẽ thiếu thốn.
Nhiều người dân dắt xe máy xếp hàng dài qua các con phố để đợi vào trạm xăng. Họ sợ thiếu nhiên liệu trong những ngày tới.
Doanh nhân Sagar cho biết, lều trại là quan trọng nhất cho người dân lúc này bởi đó là thứ mà những nạn nhân đang cần để có chỗ trú ngụ an toàn và đảm bảo sức khỏe. Lều trại đang rất thiếu ở Nepal.
Cùng quan điểm, cô Angeli Mendoza, nhân viên Chương trình lương thực thế giới thuộc Liên Hp Quốc, nói rằng lều trại và chỗ ở cho các nạn nhân quan trọng chỉ sau công tác cứu hộ. Thực phẩm chỉ được tính đến sau khi có lều trại.
“Khi có chỗ ở tử tế rồi, khi đó người ta mới nghĩ đến đồ ăn và nước uống”, Angeli nói.
Trong khi đó, những người trụ lại Kathmandu tìm cách cứu lấy thành phố. Tại quảng trường Durbar, nơi có nhiều tòa tháp cổ và nhà cửa bị sập, người dân đang chung tay cùng quân đội, cảnh sát và các đội cứu hộ trong nước, nước ngoài dọn dẹp đống đổ nát.
Người dân bất kể là ai, già trẻ, lớn bé, đàn ông khỏe mạnh hay phụ nữ chân yếu tay mềm đều bắt tay vào việc dọn dẹp.
Quảng trường Durbar có thể sẽ không trở lại được dáng vẻ như xưa, nhưng tinh thần đoàn kết của người dân Nepal trong lúc này vô cùng vững chãi. Đến Kathmandu mới thấy nơi này đang trong tình trạng khủng hoảng, nhưng không quá lộn xộn mặc dù cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn.
Mái nhà Việt Nam
Trong những ngày qua, nhà hàng Việt Nam Phở 99 ở Kathmandu là nơi tập trung, lưu trú hay đơn giản là ghé qua của người Việt Nam. Nhà hàng đã mở cửa đón tiếp người Việt lỡ bước sau thảm họa đến nghỉ ngơi.
Chị Võ Thị Kim Cương, chủ nhà hàng, đã về Việt Nam lo chuyện gia đình, nhưng chồng và chị gái của chị là Võ Thị Kim Ánh ở lại trông nom cơ ngơi và chăm lo cho người Việt. Mọi thứ ở Phở 99 đang diễn ra rất bình thường và người Việt đến đây cảm thấy yên tâm vì không thiếu thốn thực phẩm hay nước uống trong tình hình lúc này.
Chị Kim Ánh (thứ ba từ phải qua) và nhóm bạn của Cẩm Tú (bìa phải) về đến nhà hàng Phở 99. Ảnh: Tuổi Trẻ/Việt Phương |
“Ở ngoài kia người ta rất thiếu thốn nước, thức ăn nhưng ở đây mình không thiếu. Mình có thực phẩm trữ sẵn. Nhà hàng mà. Mền, chăn nệm mình có đủ hết. Ở ngoài mọi người rất khổ, còn gặp mưa nữa. Đến được nhà hàng mình là yên tâm rồi”, chị Ánh nói.
Ngoài thực phẩm trữ sẵn, chị Ánh cho biết nhà hàng có mối quen cung cấp rau củ quả nên vẫn đủ cho mọi người dùng.
Một người Việt giấu tên đang lưu lại nơi này đã nói đùa Phở 99 cứ như cơ quan đại diện của Việt Nam ở Nepal. Chị Kim Ánh đã ghi chép lại đầy đủ danh sách người Việt liên hệ để dễ dàng liên lạc với các nhóm.
Đến sáng 29/4, như chị Kim Ánh cho biết, 11 bạn trẻ Việt Nam trú tại nhà hàng trong những ngày qua đã ra sân bay lên đường về nước, rời khỏi vùng thảm họa.
Đến tối 29/4, thêm một nhóm bốn bạn trẻ Việt Nam đã về Kathmandu và tìm đến nhà hàng Phở 99. Bốn bạn gồm Nguyễn Hà Cẩm Tú (phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM), Cao Thị Hồng Nhung, Đoàn Ngọc Tiến và Huỳnh Quốc Huy.
Các bạn cho biết từ Annapurna Circuit về Muktanath và sau hai ngày đi xe buýt qua bốn chặng đã về được Kathmandu. Các bạn đang tìm cách đổi vé máy bay để về Việt Nam sớm (trừ Cẩm Tú). Sức khỏe cả bốn bạn đều ổn.
Đoàn ngoại giao Việt Nam đã có mặt ở Nepal
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, tính đến ngày 29/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ vẫn chưa liên lạc được với sáu người Việt Nam đang ở Nepal sau trận động đất ngày 25/4. Nhóm sáu người này đi từ TP.HCM sang Nepal ngày 20/4 và trong đoàn có một cô tên Phan Vũ Quỳnh Nga.
Đoàn công tác đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ do công sứ Trần Quang Tuyến làm trưởng đoàn đã rời New Dehli và đến Nepal trong chiều 29/4 để trực tiếp tiến hành các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ công dân Việt Nam đang ở Nepal ngay khi sân bay Kathmandu mở cửa.
Ông Tuyến cho biết muốn tập hợp thông tin và lắng nghe nguyện vọng của người Việt ở Nepal. Điều quan trọng là nắm tổng số người Việt ở Nepal.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng cho biết đang liên lạc chặt chẽ với các đầu mối thông tin hướng dẫn những biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn cho các công dân Việt Nam.
Quỳnh Trung
Một chút thôi, cho Nepal ấm lòng
Đó là lời chia sẻ thật thà của một ông bảo vệ già với mong muốn gửi số tiền 500.000 đồng của vợ chồng ông đến cho người dân Nepal vừa trải qua động đất. Số tiền ấy ông đựng trong bao thư màu vàng, có ghi dòng chữ: Nhờ báo Tuổi Trẻ chuyển giùm.
Ông làm bảo vệ cho một cửa hàng nội thất, vợ là thợ may, cuộc sống cũng không dư dả. Ông bà chỉ có một người con trai và mới có một cháu nội. Ngoài giờ làm, ông cháu quấn quýt không rời.
"Cháu mình nhỏ nhắn dễ thương vậy, mình thương nó không để đâu cho hết. Khi xem hình ảnh những người dân Nepal bị đất đá chôn vùi, tôi nghĩ chẳng biết trong đống đổ nát đó có những đứa trẻ hay không? Đau xót lắm. Tôi nghĩ dù ở đâu thì cũng là con người, đâu phải cứ là người Việt Nam thì mình mới giúp", ông bảo vậy.
Một cụ già khác, “để dành tiền rồi cứ chờ hoài xem có ai kêu gọi đóng góp gì cho người Nepal không mà chưa thấy”, sáng nay đọc được mẩu tin trên báo Tuổi Trẻ thấy có người ủng hộ, ông vội nói với con trai và con dâu: "Ba đi đóng tiền giúp người dân bên nước Nepal bị động đất, tụi con cũng nên ủng hộ đi, người ta tội nghiệp lắm".
Rồi ông gọi điện cho mấy người bạn hay đi chùa chung, gọi cho bạn tập dưỡng sinh... Vậy là mỗi người góp một chút, cộng với tiền của ông được 1,8 triệu đồng. Ông dắt xe, đạp một mạch đến báo Tuổi Trẻ, lúc đó mới 9h sáng. Ông tên là Xuân Hai, năm nay 76 tuổi, nhà ở đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM).
Buổi sáng 29/4, có gần 10 bạn đọc đã đến với chung niềm khắc khoải, mong được giúp đỡ nạn nhân động đất, dù biết có thể số tiền của mình so với những thiệt hại của họ là nhỏ bé lắm. “Nhưng chắc cũng đủ để mua được cho họ ổ bánh mì, chai nước hay bông băng cầm máu vết thương”, một bà giáo già tâm sự...
Trong ba ngày qua, báo Tuổi Trẻ đã nhận được 17,3 triệu đồng của bạn đọc nhờ gửi cho nạn nhân động đất ở Nepal.
Mai Hoa