Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nợ công Mỹ sắp vượt quy mô nền kinh tế

Nợ liên bang đã hơn 98% GDP trong năm tài khóa 2020. Điều này có nghĩa nợ công Mỹ sắp vượt GDP dự kiến trong năm tài khóa 2020-2021, mức thâm hụt sâu nhất kể từ Thế chiến II.

Theo New York Times, nợ công Mỹ tăng vọt trong bối cảnh suy thoái đã đặt nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tình thế ngặt nghèo nhất kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới lần II. Với mức nợ liên bang đã vượt 98% GDP, Mỹ sẽ cần một khoản chi lớn bằng toàn bộ nền kinh tế hàng năm để trả hết nợ quốc gia trong năm nay.

Nợ xấu phình to

Trong báo cáo công bố ngày 2/9, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự đoán đến hết năm tài khóa 2020, tổng số nợ chính phủ mà công chúng nắm giữ sẽ đạt 20.300 tỷ USD, tức 98% tổng sản phẩm quốc nội dự kiến 20.600 tỷ USD trong cùng năm.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho biết sự bùng phát của virus corona chủng mới đánh sập nền kinh tế, làm giảm nguồn thu thuế và thúc đẩy chi tiêu chính phủ với lượng nợ công cao kỷ lục.

Báo cáo từ CBO cho thấy nợ công Mỹ sẽ vượt (100%) GDP Mỹ trong năm tới. Đồng thời, nó có thể lên tới 107% GDP trong năm tài khóa 2023.

No cong My sap vuot quy mo nen kinh te anh 1

Nợ chính phủ Mỹ trong năm tài khóa 2020 đã vượt 20.300 tỷ USD. Ảnh: NYT.

Theo báo cáo từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội, nợ chính phủ Mỹ hiện trên đà phá vỡ kỷ lục bong bóng nợ công Mỹ thời Thế chiến II. Trước đó, giới phân tích dự đoán Mỹ sẽ đạt tới mức nợ công đó vào cuối thập kỷ này.

Tuy nhiên, Covid-19 bất ngờ ập tới đã đảo ngược hoàn toàn những dự đoán trước đó. Nền kinh tế Mỹ thâm hụt nặng nề, tỷ lệ thất nghiệp tăng phi mã khiến chính phủ phải tiếp tục nâng mức nợ công nhằm hỗ trợ cho người dân thất nghiệp và doanh nghiệp vượt qua nỗi đau kéo dài của cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Thâm hụt ngân sách nặng nề

Lo ngại thâm hụt bao trùm khi chính quyền Washington chi tiêu nhiều hơn mức nhận về. Năm 2019, thâm hụt ngân sách Mỹ đã vượt 1.000 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2018, ngay trước cả khi Covid-19 bùng phát.

Đại dịch đã đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tình trạng suy giảm tăng trưởng hàng quý nặng nề nhất trong gần 75 năm qua. Hàng triệu người dân mất việc làm và các doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, nguồn thu từ thuế giảm mạnh, thâm hụt khoản thu đáng kể cho chính phủ liên bang. Tính đến nay, Quốc hội và tổng thống Donald Trump đã thông qua hơn 3.000 tỷ USD chi tiêu liên bang để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khi các hoạt động kinh tế đình trệ đột ngột.

Thiếu hụt nguồn thu và tăng chi mạnh khiến chính phủ Mỹ phải vay nhiều hơn, đẩy thâm hụt ngân sách tăng vọt. Văn phòng Ngân sách ngày 2/9 cho biết thâm hụt ngân sách liên bang trong năm tài chính 2020 dự kiến sẽ đạt 3.300 tỷ USD, tức tăng gấp ba lần thâm hụt trong năm tài chính 2019. Mức thâm hụt này bằng 16% GDP Mỹ, mức cao nhất kể từ năm 1945 khi Mỹ gánh chịu chi phí chiến tranh từ Thế chiến II.

No cong My sap vuot quy mo nen kinh te anh 2

Mỹ thâm hụt ngân sách 3.300 tỷ USD trong năm tài khóa 2020, gấp 3 lần so với một năm trước đó. Ảnh: Reuters.

Với khoản nợ phình to, chính phủ sẽ phải vay thêm với lãi suất cao hơn để trả nợ. Các nhà kinh tế dự đoán điều này có thể dẫn đến xoáy nợ xuất hiện. Tình trạng xoáy nợ ở nền kinh tế này không xảy ra trong nhiều thập kỷ qua khi nợ tăng nhưng lãi suất vẫn giữ ở mức thấp.

Trước đó, báo cáo của công ty BofA Global Research cho thấy tổng nợ của các công ty và doanh nghiệp Mỹ dưới hình thức trái phiếu hoặc khoản vay đã đạt mức cao kỷ lục 10.500 tỷ USD, tức tăng hơn 30 lần so với cách đây nửa thế kỷ. Trong đó, các công ty có xếp hạng tín dụng cao từ AAA đến BBB nợ tổng cộng xấp xỉ 7.200 tỷ USD.

Khủng hoảng không chỉ gói gọn trong nợ công chính phủ Mỹ. Báo cáo gần đây của CBO cho biết khả năng thanh toán của Quỹ Ủy thác An sinh Xã hội có thể hết tiền nhanh hơn dự đoán. Ước tính mới cho thấy quỹ sẽ cạn tiền vào năm 2031, sớm hơn một năm so với dự kiến. Quỹ tín thác bảo hiểm bệnh viện của Medicare cũng trên đà cạn kiệt tiền vào năm 2024, thay vì năm 2026.

Bùi Ngọc

Bạn có thể quan tâm