Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rằng do các phương án Chính phủ đưa ra chưa đảm bảo chắc chắn nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa gật được . |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi cho các bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bùi Quang Vinh “có kiếm được tiền để phân bổ không?”, khi lần đầu tiên kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công trung hạn năm năm 2016-2020 được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 7/3.
Riêng giải pháp tăng thuế lên để thu nữa là tôi không đồng ý đâu, lúc này không tăng thuế được |
Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN SINH HÙNG |
Theo báo cáo, tính đến cuối năm 2015 nợ chính phủ đã vượt trần cho phép 0,3% (tức đã bằng 50,3% GDP). Chính phủ đề nghị đến năm 2020 tỉ lệ nợ chính phủ không quá 55%, nợ công không quá 65% GDP. “Ai cho phép nâng tỉ lệ nợ chính phủ lên 55%?” - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu giải thích.
“Nợ công cứ tăng như vừa rồi là chết”
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển giải thích: sắp tới để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia thì Chính phủ phải bảo lãnh vay là rất lớn, ví dụ như điện hạt nhân Ninh Thuận, sân bay Long Thành...
Nghe đến đây, ông Hùng bình luận: “Chiến lược nói là đến năm 2030 nợ công giảm xuống 60% có làm được không? Bây giờ nợ chính phủ đang 50% đề nghị đưa lên 55% thì sau đó lấy gì mà giảm? Nếu nợ công mà cứ tăng như những năm vừa rồi là chết đấy.
Còn cái khoản trái phiếu chính phủ nữa. Bài toán tài chính năm năm tới các anh tính đã chắc chưa? Nếu chưa chắc thì làm sao mà phân bổ được đầu tư công. Phân bổ cũng khó, cũng căng thẳng nhưng vẫn dễ hơn kiếm tiền, bởi có kiếm được tiền để phân bổ không?”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày: báo cáo này là “báo cáo định hướng”, nhất là trong tình hình đầy biến động hiện nay. “Hiện nay nhiều dự báo cho rằng giá dầu trung bình năm năm tới chỉ 40 USD/thùng, nhưng chúng tôi đưa ra cả phương án 45 USD, đó là chưa kể nếu giá dầu giảm nữa thì phải giảm sản lượng, phải đóng một số mỏ vì khai thác không hiệu quả” - ông nói.
Khi ông Phùng Quốc Hiển đòi hỏi Chính phủ phải có trách nhiệm báo cáo kỹ về kế hoạch tài chính năm năm chứ không chỉ dừng ở định hướng, ông Đinh Tiến Dũng hỏi lại: “Anh Hiển có dám đảm bảo giá dầu trong năm năm tới là 45 USD không? Mấy năm nay chúng ta điều hành ngân sách theo kiểu đi trên dây, năm 2016 vẫn tiếp tục đi trên dây, đến năm 2017 mà đứt dây thì chúng ta chết”.
Chủ tịch Quốc hội lên tiếng: “Mấy năm nay giá dầu cứ lên xuống có ai chết đâu mà anh lo. Kế hoạch cũng là định hướng, dựa vào đó để điều hành, nhưng thông số anh đưa ra phải chính xác để đại biểu Quốc hội có cơ sở yên tâm mà bấm nút”.
Khả năng cân đối eo hẹp
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay: tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước do các bộ ngành và địa phương đề xuất khoảng 4 triệu tỷ đồng, gấp 20,5 lần kế hoạch năm 2015 và gấp khoảng 2,1 lần khả năng cân đối vốn năm năm 2016-2020 (hơn 1,8 triệu tỷ đồng).
Vì khả năng cân đối quá eo hẹp, Chính phủ đề nghị “trước hết, các cấp, các ngành phải bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản ứng trước; phần còn lại bố trí đủ vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và bố trí vốn cho các dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp. Số còn lại (nếu có) mới cho phép bố trí khởi công các dự án mới”.
Do phương án tài chính vẫn chưa đảm bảo chắc chắn cũng như kế hoạch đầu tư công chưa kèm theo danh mục dự án cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục chuẩn bị, tạm gác lại đến cuối năm 2016 Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, quyết định.
“Tôi đề nghị làm kỹ, đến kỳ họp sau Quốc hội thông qua, chứ chưa chắc chắn như vậy thì thường vụ làm sao gật được. Riêng giải pháp tăng thuế lên để thu nữa là tôi không đồng ý đâu, lúc này không tăng thuế được” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ.
Chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội khóa XIII cuối cùng
Thủ tướng vừa phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị một số báo cáo, dự án luật sẽ được trình bày tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, dự kiến khai mạc ngày 21/3, bế mạc ngày 14/4.
Theo sự phân công của Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư chuẩn bị các báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, tờ trình của Chính phủ về kế hoạch tài chính năm năm 2016-2020 (bao gồm: mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn năm năm 2016-2020).
Thủ tướng Chính phủ giao nhiều bộ ngành chuẩn bị một số nội dung khác. Trong đó, giao Bộ Thông tin - truyền thông chuẩn bị báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật báo chí (sửa đổi).
V.V.THÀNH