Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ninh Bình dừng hoạt động mỏ đá đe dọa di tích chùa Hàn Sơn

UBND tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản chỉ đạo tiếp tục dừng hoạt động mỏ đá đe dọa di tích văn hóa chùa Hàn Sơn. Mỏ đá này sẽ bị thu hồi giấy phép nếu không khắc phục được sai phạm.

Khai thác đá xâm hại di tích chùa Hàn Sơn Chùa Hàn Sơn (Thanh Hóa) - di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh bị rung lắc, hư hại do việc nổ mìn khai thác đá.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Ngọc Thạch vừa ký văn bản chỉ đạo về việc quản lý hoạt động khai thác đá tại xã Yên Lâm, huyện Yên Mô ảnh hưởng đến chùa Hàn Sơn (xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa).

Thu hồi giấy phép nếu không khắc phục sai phạm

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Tổ hợp sản xuất vật liệu xây dựng Hồng Hải (VLXD) tiếp tục dừng hoạt động khai thác đá.

Tỉnh Ninh Bình yêu cầu chủ mỏ khắc phục ngay những sai phạm trong quá trình khai thác đồng thời giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan căn cứ vào các quy định hiện hành có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định đối với những vi phạm về hoạt động khoáng sản đối với Tổ hợp sản xuất VLXD Hồng Hải.

dung mo da de doa chua Han Son anh 1
Vết nứt kéo dài tại chùa Hàn Sơn. Ảnh: Nguyễn Dương.

Phó chủ tịch Ninh Bình cũng giao Sở TN&MT chủ trì cùng các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát và xác nhận việc khắc phục các vi phạm tại mỏ đá xã Yên Lâm, huyện Yên Mô; báo cáo UBND tỉnh để tiếp tục cho phép hoạt động.

Trường hợp chủ mỏ không thể khắc phục được những sai phạm thì Sở TN&MT tham mưu, đề xuất phương án để thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Nhiều sai phạm

Kết luận của Sở Công Thương Ninh Bình chỉ rõ Tổ hợp sản xuất VLXD Hồng Hải có nhiều sai phạm.

Cụ thể, tháng 04/2018, trong quá trình nổ mìn khai thác đá, Tổ hợp sản xuất VLXD Hồng Hải để xảy ra việc đá bắn vào nhà dân thuộc xã Yên Lâm, gây ảnh hưởng đến tài sản của hộ dân này.

Qua kiểm tra thực tế, hiện trạng công trường khai thác không còn mốc giới, không xác định được khu vực mỏ được UBND tỉnh cho phép khai thác.

dung mo da de doa chua Han Son anh 2
Ngọn núi bị khai thác nham nhở gần chùa Hàn Sơn. Ảnh: Nguyễn Dương.

Chủ mỏ khai thác không đúng thiết kế. Công trường khai thác đã ra ngoài bản đồ kết thúc khai thác năm 2018 và vùng ảnh hưởng do nổ mìn đã thay đổi, có nguy cơ làm đất đá văng sang chùa Hàn Sơn (cách vị trí nổ mìn khoảng 100 m).

Tổ hợp sản xuất VLXD Hồng Hải còn bổ nhiệm và sử dụng cán bộ làm chỉ huy nổ mìn không đủ điều kiện theo quy định.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích

Trước đó, Zing.vn phản ánh, chùa Hàn Sơn - khu di tích được xếp hạng cấp tỉnh - đang bị xâm hại nghiêm trọng từ khi mỏ đá của Tổ hợp sản xuất VLXD Hồng Hải hoạt động. Mỏ đá này khai thác trên dãy núi Cồn Sẻ, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô (Ninh Bình, giáp ranh Thanh Hóa). Vị trí này cách chùa Hàn Sơn khoảng hơn 70 m.

Mỏ đá nổ mìn hàng ngày tạo ra dư chấn, rung lắc khiến cơ sở vật chất của chùa Hàn Sơn bị ảnh hưởng.

dung mo da de doa chua Han Son anh 3
Ngọn núi bị khai thác nằm sát chùa Hàn Sơn. Ảnh: Ban Quản lý di tích chùa Hàn Sơn. 

Ngoài việc nổ mìn, chủ mỏ còn xay đá khiến bụi bay mù mịt, phủ trắng cây cối, nhà cửa của di tích. Người dân địa phương cũng phản ánh mỏ đá khiến họ luôn sống trong bất an, môi trường ô nhiễm, nhà cửa rạn nứt.

Đến giữa tháng 6 vừa qua, ngành chức năng hai tỉnh Thanh Hóa - Ninh Bình đã cuộc họp để đánh giá về hoạt động của mỏ đá Hồng Hải. Các bên kết luận mỏ đá Hồng Hải đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích văn hóa chùa Hàn Sơn và cuộc sống của người dân. 

Tổ hợp sản xuất VLXD Hồng Hải được UBND tỉnh Ninh Bình cấp Giấy phép khai thác khoáng sản vào ngày 22/11/2013 để khai thác mỏ đá tại xã Yên Lâm với thời gian đến tháng 11/2024. Tổ hợp này được cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp ngày 30/3/2017, có thời hạn đến ngày 19/2/2019.

Hàn Sơn Tự (chùa Hàn Sơn) được xây dựng tại Thần Phù Hải Khẩu (cửa biển Thần Phù) năm 1797. Ngày nay, chùa ở thôn Chính Đại, xã Nga Điền (Nga Sơn, Thanh Hóa).

Trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử của thời đại, chùa Hàn Sơn vẫn luôn là chỗ nương tựa tâm linh vững chắc của bà con Phật tử và người dân địa phương. Năm 2011, chùa được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp bằng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Ba năm sau, chùa được phục dựng giai đoạn 1 và khánh thành tháng 4/2016.

dung mo da de doa chua Han Son anh 4
Chùa Hàn Sơn nằm tại vị trí giáp ranh hai tỉnh Thanh Hóa - Ninh Bình. Ảnh: Google Maps. 

Đề nghị dừng hoạt động mỏ đá đe dọa di tích chùa Hàn Sơn

Ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình dừng hoạt động của mỏ đá đe dọa di tích văn hóa chùa Hàn Sơn. Hiện mỏ đá này đã bị tạm đình chỉ.

Lãnh đạo Thanh Hóa yêu cầu làm rõ vụ mỏ đá đe dọa di tích

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn làm việc với tỉnh Ninh Bình để làm rõ ảnh hưởng của việc khai thác đá đến di tích chùa Hàn Sơn.

Di tích chùa Hàn Sơn bị đe dọa vì nổ mìn khai thác đá

Di tích lịch sử văn hóa chùa Hàn Sơn ở Thanh Hóa đang bị đe dọa bởi mỏ đá thường nổ mìn trên núi Cồn Sẻ. Cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.



Nguyễn Dương

Bạn có thể quan tâm