Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trước khi phá sản, thương hiệu Nine West đã kinh doanh thế nào?

Trước khi đệ đơn phá sản vì khoản nợ 1 hơn tỷ USD, Nine West từng là thương hiệu thời trang lớn thứ 3 trên đất Mỹ, với mức tăng trưởng doanh thu lên tới 33%

Sau cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) năm 1997, thương hiệu bắt đầu có dấu hiệu “lao dốc”.

Vươn ra thế giới sau 15 năm thành lập

Thương hiệu thời trang nổi tiếng Nine West được thành lập năm 1978, tại số 9, Khu Tây, thành phố xa hoa New York dưới cái tên Fisher Camuto Corporation. Ngay trong năm đầu tiên thành lập, công ty đã thu về hơn 9 triệu USD, nhờ biết tận dụng nguồn nguyên liệu và nhân công giá rẻ từ miền Nam Brazil.

5 năm sau, Nine West khai trương cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Stamford, bang Connecticut và nhanh chóng nhân rộng quy mô kinh doanh ra toàn nước Mỹ.  Chỉ sau 10 năm hoạt động, doanh thu của Nine West đã đạt đến con số 300 triệu USD, chính thức trở thành một trong những nhãn hàng thời trang được yêu thích nhất trên đất Mỹ.

Thừa thắng xông lên, Nine West mở rộng phạm vi kinh doanh sang các mặt hàng tời trang khác như túi xách, kính râm, đồ lót, trang sức, thắt lưng và đồng hồ…

Năm 1988, Fisher Camuto Corporation được đổi tên thành Tập đoàn Jervin – tên viết tắt của hai nhà sáng lập thương hiệu Jerome Fisher và Vincent Camuto.

Nine West kinh doanh ra sao truoc khi pha san anh 1
Nine West nhanh chóng trở thành thương hiệu được yêu thích tại Mỹ, thu được 300 triệu USD doanh thu chỉ sau 10 năm hoạt động. Nguồn ảnh: Nine West

Năm 1994, Nine West đánh dấu bước vươn mình ra thế giới bằng việc thành lập chi nhánh thời trang nước ngoài đầu tiên tại Hong Kong. Tới nay, thương hiệu sở hữu khoảng 800 cửa hàng tại 57 quốc gia trên toàn thế giới.

Tăng trưởng ngoạn mục những năm 90

Theo trang fundinguniverse – trang web chuyên cung cấp thông tin về doanh nghiệp Mỹ, từ năm 1989 đến năm 1992, doanh thu của Nine West đã tăng từ 338,7 triệu USD lên 461,6 triệu USD. Thu nhập ròng của doanh nghiệp cũng có mức tăng ấn tượng, từ 14,3 triệu USD lên đến 38,2 triệu USD, tương đương hơn 60%.

Mức tăng trưởng này đặc biệt gây ấn tượng với môi trường kinh doanh tại thời điểm đó, khi các nhà bán lẻ hàng may mặc và giày dép trên toàn thế giới đều gặp khó khăn, tổng doanh số bán hàng giảm đáng kể trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

Ngày 31/12/1991, các công ty con của tập đoàn bao gồm Fisher Camuto Corporation, Fisher Camuto Retail Corporation và Espressioni sáp nhập thành một công ty mới, mang tên Nine West Group. Năm 1992, Nine West và Jervin tiếp tục sáp nhập và chính thức lên sàn đầu tháng 2/1993.

Khi ngành may mặc, da giầy của Mỹ trải qua thời kỳ ảm đạm, Nine West vẫn có những bước tăng trưởng vượt bậc. Trong năm 1995, Nine West chi hàng trăm triệu USD để thâu tóm hai thương hiệu thời trang lớn, bao gồm Công ty sản xuất phụ kiện nữ LJS Accessory Collections và tập đoàn giầy U.S. Shoe. Nhờ quá trình mua bán sáp nhập, Nine West nhanh chóng bành trướng thương hiệu và trở thành nhà cung cấp thời trang da giầy lớn thứ 3 tại Mỹ.

Cuối năm 1995, Nine West chiếm tới 35% trong tổng số giày phụ nữ bán trong ra các cửa hàng bách hóa và 17% trên thị trường giày dép chuyên dụng.

Năm 1996, doanh thu của Nine West đạt 1,6 tỷ USD, tăng 33% so với năm 1995. Lợi nhuận ròng đạt 95 triệu USD. Trên đà thành công, công ty bắt tay vào một chiến lược quảng cáo mới, với hy vọng thay đổi hình ảnh của mình từ một nhà sản xuất giày giá rẻ thành một “thương hiệu thời trang”.

Lao dốc sau cuộc điều tra của SEC

Tuy nhiên, sự tăng trưởng đã chấm dứt đột ngột vào tháng 5/1997, khi Ủy ban chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) khởi động cuộc điều tra về thực tiễn kế toán của Nine West, đặc biệt là cách thức báo cáo doanh thu.

Nine West kinh doanh ra sao truoc khi pha san anh 2
Thương hiệu Nine West lao đao sau cuộc điều tra  của Ủy ban chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC). Nguồn ảnh: CNBC

Sự bất hợp tác của công ty trong quá trình điều tra càng khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Cổ phiếu sụt giảm 18% ngay tại thời điểm công ty bị điều tra. Cuối năm 1997, cổ phiếu giảm 45% so với 1996. Năm 1998, công ty buộc phải cắt giảm sản lượng và đóng cửa hai nhà máy cùng hơn 100 cửa hàng bán lẻ toàn cầu.

Giậu đổ bìm leo, một số chủ cửa hàng đại diện của Nine West trình đơn kiện chống tập đoàn, với cáo buộc định giá không công bằng với các cửa hàng bách hóa lớn, khiến Nine West vốn đang khó khăn nay lại càng lao đao.

Năm 1999, chính vào thời điểm khó khăn nhất, Tập đoàn Jones Apparel đã mua lại Nine West với 885 triệu USD. Sau khi trở thành công ty con của Jones Apparel, Nine West buộc phải đóng 3 nhà máy và sa thải 1.900 công nhân, tương đương 21% lực lượng lao động.

Dưới sự quản lý của Jones Apparel, thương hiệu Nine West vẫn không thể trở lại thời kỳ hoàng kim.

Tới năm 2014, hãng thời trang Sycamore - trong chiến dịch thâu tóm Jones Group - đã mua lại Nine West với 2,2 tỷ USD. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, từ năm 2011 đến nay, Nine West liên tục có biểu hiện thua lỗ vì đầu tư “quá tay” vào chuỗi cửa hàng của Staples, Belk và Talbots.

Sau nhiều năm kinh doanh không khả quan, Nine West Holdings - công ty mẹ của Nine West, đã đệ đơn xin phá sản vào ngày 6/4 (theo giờ địa phương), đặt dấu chấm hết cho một thương hiệu giầy dép thời trang đã từng được yêu thích trên toàn thế giới.

Nine West nộp đơn xin phá sản vì món nợ hơn 1 tỷ USD

CNN cho biết Nine West Holdings, công ty sở hữu hàng loạt nhãn hiệu thời trang nổi tiếng như Nine West và Anne Klein, vừa nộp đơn xin phá sản vì nợ hơn 1 tỷ USD.


Hà Linh

Bạn có thể quan tâm