Những vùng đất khó sống nhất hành tinh
Con người sống ở những vùng đất này thường xuyên phải chịu đựng sự thịnh nộ của mẹ thiên nhiên như siêu bão dồn dập, núi lửa phun trào, quanh năm băng giá, bão cát xâm lấn....
Hồ Tử Thần Kivu
Hồ Kivu, nằm dọc giữa biên giới hai nước Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda, là một trong năm hồ lớn nhất Châu Phi với diện tích lên tới gần 5 ngàn km vuông. Sở dĩ người ta gọi nó là Hồ Tử Thần bởi lượng khí độc nằm sâu dưới đáy nước lên tới hàng tỉ tấn. Theo tính toán của các nhà khoa học, lòng hồ hiện chứa khoảng 65 km3 khí Metan và 256 km3 khí CO2 khiến nó trở thành quả bom hẹn giờ khổng lồ. Nếu lượng khí này thoát ra, nó sẽ cướp đi sinh mạng của ít nhất 2 triệu người sống xung quanh hồ Kivu.
Sở dĩ người ta dành sự quan tâm đặc biệt cho hồ Kivu là kể từ sau hai thảm họa kinh hoàng trong những năm 80 tại hai hồ khác có cấu trúc tương tự như hồ Kivu. Năm 1984, 37 người sống gần hồ Monoun, Cameroon đã thiệt mạng vì khí độc thoát ra từ lòng hồ. Ba năm sau, 80m3 khí CO2 bay ra từ lòng hồ Nyos cũng trên lãnh thổ Cameroon làm 1.700 người chết vì tiếp xúc với khí độc. Những hoạt động địa chất phức tạp nhưng có phần tương tự dưới đáy hồ Kivu đang gây ra những đe dọa trực tiếp đối với hàng triệu người dân Châu Phi.
Thung lũng cát tại Minquin, Trung Quốc
Nằm ở vùng giáp ranh giữa hai sa mạc, Minqin từng là một ốc đảo phì nhiêu thuộc tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc. Thế nhưng, hơn một thế kỉ bị hạn hán tấn công, Minqin ngày càng tàn lụi và bị sa mạc hóa. Nó đang dần bị sa mạc Tengger nuốt chửng. Từ những năm 50 tới nay, hơn 100 dặm vuông đã bị cát che phủ và trở thành những vùng đất hoang. Thế nhưng, dân số trong vùng không hề giảm theo mà còn tăng từ 860.000 lên 2 triệu người khiến cuộc sống trở nên chật chội.
130 ngày/năm, khu vực này chìm trong những trận bão cát. Diện tích đất có thể trồng trọt giảm sáu lần từ 360 dặm vuông xuống còn chưa đầy 60 dặm khiến cuộc sống của 2 triệu người lao đao. Trước tình cảnh đó, chính phủ Trung Quốc đang tiến hành xây dựng những vùng đất tái định cư để di dân nhằm đối phó với tình trạng sa mạc hóa lan rộng.
Maldives - Quốc đảo đang bị nuốt chửng
Quốc đảo Maldives là nơi hội tụ của 1.190 đảo nhỏ và các đảo san hô thuộc Ấn Độ Dương. Điểm cao nhất của quần đảo cũng chỉ cách mặt nước 2,4m, và một tương lai không xa, cả quần đảo sẽ bị đại dương nuốt chửng. Theo đánh giá của Cơ quan Địa chất Hoa Kỳ thì Maldives là một trong những mảng kiến tạo trẻ của trái đất và theo thời gian cùng sự biến đổi của bề mặt thì quần đảo này sẽ bị chìm dần.
Không chỉ vậy, nơi đây còn thường xuyên hứng chịu những thảm họa tự nhiên như cơn sóng thần hồi năm 2004, đại hồng thủy năm 1987. Sau khi sóng thần đi qua, 10% diện tích đất trên đảo biến thành biển nước mênh mông, ít nhất 80 người chết và hơn 100.000 cư dân trên đảo mất nhà cửa.
Hành lang bão I-44 tại Oklahoma, Mỹ
Hơn 1 triệu dân sinh sống dọc hành lang xa lộ 44 chạy từ thành phố Oklahoma tới Tulsua thường xuyên phải vật lộn với những trận bão lịch sử. Kể từ năm 1890 tới nay, có hơn 120 trận bão lớn kèm lốc xoáy dữ dội đã đổ bộ xuống thành phố này và các khu vực lân cận gây ảnh hưởng nặng nề tới sự sống của hơn 700.000 cư dân.
Mặc dù được chính phủ trang bị những thiết bị cảnh báo sớm tối tân hiện đại nhưng mỗi trận bão lớn quét qua lại cuốn đi theo hàng chục mạng sống và gây tổn thất nặng nề tới nhà cửa và tài sản của người dân khu vực.
Năm 1992-1998 là quãng thời gian kỷ lục liên tiếp mà người dân thành phố không phải hứng chịu bão.
Núi lửa Merapi ở Indonesia
Ngay cả khi lặng nhất, trong lòng núi lửa Merapi nằm trên đảo Java, Indonesia vẫn không ngừng âm ỉ cháy. Trong 5 thế kỷ qua, ngọn núi này đã 60 lần phun trào và lần gần nhất là năm 2006. Trước đó, lần phun trào năm 1994 đã thổi theo một đám mây khí gas nóng lên cao khiến ít nhất 60 người dân bị chết. Năm 1930, khi núi lửa bất ngờ hoạt động, dung nham lan rộng 8 dặm vuông khiến hơn 1.000 dân sinh sống quanh đó tử vong.
Mặc dù thiên tai luôn rình rập, vẫn có khoảng 200.000 người dân cư trú trong phạm vi 4 dặm quanh tâm núi lửa. Tuy nhiên, Merapi chỉ là 1 điển hình cho sự sống đầy nguy hiểm của hơn 120 triệu cư dân tại hòn đảo Java nơi có 22 núi lửa vẫn đang hoạt động.
Grand Cayman - Rốn bão của thế giới
Là 1 trong ba hòn đảo thuộc quần đảo Cayman, Anh, Grand Cayman được biết đến như “ rốn bão của thế giới”. Trung bình cứ hơn 2 năm lại có một siêu bão ập vào hòn đảo, nhiều hơn bất cứ nơi nào trong khu vực Thái Bình Dương. Tính từ năm 1871, có ít nhất 64 trận bão lớn đã càn quét nơi đây kéo theo những hậu quả vô cùng thảm khốc.
Điển hình là cơn bão số 5 mang tên Ivan với tốc độ di chuyển 150 dặm/giờ kèm theo mưa lớn tấn công hòn đảo năm 2004. 1/4 hòn đảo gần như bị nhấn chìm, 70% nhà cửa trên đảo bị phá hủy, hơn 40.000 người dân phải sống trong cảnh không điện nước và lương thực trong nhiều ngày.
Thành phố băng giá Verkhoyansk, Nga
Nơi lạnh nhất trên thế giới có con người sinh sống là vùng Verkhoyansk phía Đông Siberia, Nga, cách thủ đô Moscow 3.000 dặm về phía Đông, Hơn 3 thế kỷ nay, vẫn có khoảng 1.500 người dân Nga sinh sống trên mảnh đất khắc nghiệt này, nơi mùa đông là bất tận và dòng sông Yana bao quanh thành phố quanh năm đóng băng. Đúng với tên gọi là thành phố băng giá, nơi đây, nhiệt độ trung bình là từ -40oC đến -51oC, kỷ lục lên tới -68oC.
Trước đây, Verkhoyansk vốn là nơi lưu đày các tù nhân chính trị, tuy nhiên, ngày nay người dân khu vực đã tận dụng chính sự khắc nghiệt của thiên nhiên để kinh doanh du lịch, thu hút những du khách ưa mạo hiểm.
Gonaïves, Haiti - Thiên đường của những cơn bão
Chỉ trong gần một tháng, thành phố ven biển Gonaïves, một trong năm thành phố lớn nhất Haiti phải hứng chịu 4 trận bão nhiệt đới liên tiếp tàn phá. Khi cơn bão cuối cùng đi qua, thành phố Gonaïves gần như bị nhấn chìm trong biển. Phần lớn thành phố ngập trong bùn và nước bẩn cao tới 12 feet, số người chết lên tới 500 người. Tuy nhiên, trận bão đó chưa phải là kỷ lục, năm 2004, 104.000 người dân thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của những cơn bão, ít nhất 3.000 người chết và thành phố như hoàn toàn bị san bằng.
Hồng Minh
Theo Bưu điện Việt Nam