1. Hy Lạp - 138 tỷ USD (3/2012)
Vỡ nợ trên lý thuyết từ tháng 3/2012, Hy Lạp vẫn cầm cự được đến nay nhờ những khoản viện trợ từ châu Âu. Tuy nhiên, đây lại chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" của quốc gia này trong thời gian qua, CNN đưa tin.
Lẽ ra phải thanh toán 1,6 tỷ euro cho IMF vào ngày 30/6 vừa qua, nhưng Hy Lạp đã không thể trả nợ. Bên cạnh đó, Athens cũng phải trả 3,5 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 20/7.
Trước tình thế bi đát của Hy Lạp, các nước chủ nợ yêu cầu Athens chấp nhận những điều khoản khắc nghiệt để gia hạn nợ và nhận những khoản vay mới. Chính phủ Hy Lạp quyết định trưng cầu dân ý để cử tri định đoạt số phận của các điều khoản.
2. Argentina - 95 tỷ USD (11/2001)
Đồng nội tệ Argentina so với USD từng có giá trị quy đổi tương đương trong thời gian dài. Trên thực tế, tỷ giá quy đổi ngang bằng không phản ánh đúng mối quan hệ tiền tệ giữa 2 nước.
Giống như Hy Lạp trong thời gian qua, Argentina từng phải thực hiện thắt chặt việc rút tiền của người dân khỏi hệ thống ngân hàng. Song động thái này không mang lại hiệu quả. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chỉ trong một năm, GDP Argentina giảm tới gần 33%.
Tháng 7/2014, Argentina rơi vào tình trạng vỡ nợ trên lý thuyết, khi quốc gia này không thể trả nợ đúng hạn.
3. Jamaica - 7,9 tỷ USD (2/2010)
Chi tiêu chính phủ quá lớn kéo dài qua nhiều năm cùng với lạm phát là nguyên nhân dẫn tới việc Jamaica vỡ nợ 5 năm trước. Khi đó, hơn 40% ngân sách của chính phủ Jamaica được sử dụng cho việc trả nợ.
Ngành du lịch, vốn là chỗ dựa cho nền kinh tế Jamaica, cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ năm 2008. Lượng khách du lịch tới Jamaica giảm khiến quốc gia vùng Caribe chịu tổn thất nặng nề.
4. Ecuador - 3,2 tỷ USD (12/2008)
Ecuador đã không giữ lời với các chủ nợ. Chính phủ Ecuador, dẫn đầu bởi Tổng thống Rafael Correa, đã từ chối đàm phán với các chủ nợ vào thời điểm nợ ngày càng phình to.
Tổng thống Rafael Correa cho rằng, những khoản cho vay từ các công ty đầu tư Mỹ có tính chất "vô nhân đạo". Giàu tài nguyên, Ecuador hoàn toàn đủ khả năng trả nợ, song quốc gia này đã quyết định không làm điều đó.