Những vũ khí Liên Xô bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam
Để giúp Việt Nam đối phó với diễn biến phức tạp trong vấn đề chủ quyền biển đảo, từ cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam nhiều tàu chiến và tên lửa phòng thủ bờ biển.
Các vũ khí này tuy không hiện đại nhưng đã giúp Hải quân nhân dân Việt Nam từng bước làm chủ khoa học kỹ thuật, tập làm quen với việc khai thác, vận hành các vũ khí phòng thủ, tạo tiền đề phát triển lực lượng hải quân toàn diện ở giai đoạn sau này.
Dưới đây là một số tàu chiến và tên lửa đối hải tiêu biểu mà Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam trong những năm 1980:
Hệ thống tên lửa chống hạm cơ động 4K44 Redut được thiết kế từ 1954 và trang bị cho quân đội Liên Xô từ 1963. Hệ thống phóng được đặt trên khung xe ZIL-135K 8x8 gồm một ống phóng sử dụng tên lửa hành trình chống hạm P-35 được dẫn đường từ radar chỉ huy hoặc máy bay. Tên lửa P-35 mang đầu đạn 1.000 kg và tầm bắn 500 km (biến thể nội địa). Đây là hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển có phạm vi tác chiến lớn lần đầu được chuyển giao cho Việt Nam giữa năm 1979, biên chế cho Đoàn 679 thuộc Quân chủng hải quân. |
Hệ thống tên lửa chống hạm cơ động 4K51 Rubezh được thiết kế từ 1970 và trang bị cho quân đội Liên Xô từ 1978. Hệ thống phóng được đặt trên khung xe MAZ-543 8x8 gồm 2 ống phóng sử dụng tên lửa hành trình chống hạm P-21 (sử dụng đầu tự dẫn radar) hoặc P-22 (sử dụng đầu tự dẫn hồng ngoại) là phiên bản xuất khẩu của tên lửa P-15M có đầu đạn 454 kg và tầm bắn 80 km. Rubezh là hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển thứ 2 được chuyển giao cho Hải quân nhân dân Việt Nam. |
Tàu hộ vệ săn ngầm Đề án 159 (NATO đặt tên là lớp Petya) phục vụ trong Hải quân Liên Xô từ 1961. Tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 970 tấn (phiên bản 159A) đến 1.000 tấn (phiên bản 159AE), tốc độ khoảng 30 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 106 người. Hệ thống vũ khí của tàu gồm 2 bệ pháo 2 nòng AK-726 cỡ 76,2mm, 1 bệ 3 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm, 2 bệ pháo phản lực 12 ống phóng đạn chống ngầm RBU-6000 Smerch-2 và 22 thủy lôi. Cuối năm 1978, Việt Nam tiếp nhận 2 tàu 159AE đầu tiên biên chế cho Hải đoàn 173 hải quân dưới số hiệu HQ-09, HQ-11 và đến năm 1984 tiếp nhận thêm 3 tàu 159A biên chế cho Lữ đoàn 171 hải quân dưới số hiệu HQ-13, HQ-15 và HQ-17. |
Tàu tuần tiễu săn ngầm Đề án 201M (NATO đặt tên là lớp SO1) được đưa vào phục vụ trong Hải quân Liên Xô từ 1955. Tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 190 tấn, tốc độ 25-27 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 27 người. Hệ thống vũ khí của tàu gồm 1 bệ pháo 2 nòng 2M-3 cỡ 25mm, 4 dàn pháo phản lực 5 ống phóng đạn chống ngầm RBU-1200, 24 bom chìm và 22 thủy lôi. Năm 1980, Việt Nam nhận 4 tàu 201M biên chế cho Lữ đoàn 161 hải quân dưới số hiệu HQ-271 đến HQ-274. Ảnh minh họa. |
Tàu phóng lôi Đề án 206 (NATO đặt tên là lớp Shershen) có mặt trong Hải quân Liên Xô từ 1960. Tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 129 tấn, tốc độ 46 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 21 người. Hệ thống vũ khí của tàu gồm 2 bệ pháo 2 nòng AK-230 cỡ 30mm, 4 ống phóng ngư lôi OTA-53-206 cỡ 533mm với cơ số ngư lôi 4 quả loại 53-56V, 12 bom chìm và 6 thủy lôi. Năm 1979, Việt Nam tiếp nhận 9 tàu 206 biên chế cho Lữ đoàn 170 và 172 hải quân dưới số hiệu HQ-301 đến HQ-309. |
Tàu phóng lôi Đề án 206M (NATO đặt tên là lớp Turya) được đưa vào phục vụ trong Hải quân Liên Xô từ 1970. Tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 218 tấn, tốc độ 44 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 25 người. Hệ thống vũ khí của tàu gồm 1 bệ pháo 2 nòng AK-725 cỡ 57mm, 1 bệ pháo 2 nòng 2M-3M cỡ 25mm, 4 ống phóng ngư lôi OTA-53-206M cỡ 533mm với cơ số 4 ngư lôi loại 53-56V/53-56VA/53-65K và 10 bom chìm. Năm 1984, Việt Nam tiếp nhận 5 tàu 206M biên chế cho Lữ đoàn 172 hải quân dưới số hiệu HQ-331 đến HQ-335. |
Tàu tên lửa Đề án 205 (NATO đặt tên là lớp Osa) có mặt trong Hải quân Liên Xô từ 1960. Tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 192 tấn, tốc độ 42 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 29 người. Hệ thống vũ khí của tàu gồm 4 bệ phóng tên lửa KT-161 với cơ số 4 đạn P-15U và 2 bệ pháo 2 nòng AK-230 cỡ 30mm. Việt Nam nhận 4 tàu 205U năm 1980 (số hiệu HQ-354 đến HQ-357) và 4 tàu 205ER năm 1981 (số hiệu HQ-358 đến HQ-361) biên chế cho Lữ đoàn 172 hải quân. |
Tàu đổ bộ Đề án 771 (NATO đặt tên là lớp Polnocny-B) do Liên Xô - Ba Lan thiết kế và sử dụng từ năm 1967. Tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 795 tấn, tốc độ 18,4 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 37 người với khả năng vận chuyển 6 xe tăng/thiết giáp hoặc 10 xe vận tải và 204 lính. Tàu được trang bị 1 bệ pháo 2 nòng AK-230 cỡ 30mm, 2 dàn pháo phản lực 18 nòng WM-18A cỡ 140mm với cơ số 180 đạn. Năm 1979, Việt Nam tiếp nhận 3 tàu 771 biên chế cho Lữ đoàn 125 hải quân dưới số hiệu HQ-511, HQ-512 và HQ-513. |
Tàu quét mìn Đề án 266 (NATO đặt tên là lớp Yurka) phục vụ từ 1963. Tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 519 tấn, tốc độ 16 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 56 người. Hệ thống vũ khí của tàu gồm 2 bệ pháo 2 nòng AK-230 cỡ 30mm, 2 bệ 4 ống phóng tên lửa phòng không 9K34 Strela-3 với cơ số 16 đạn, 36 bom chìm, 10 thủy lôi cùng hệ thống các thiết bị phá mìn bằng chạm nổ, từ tính, sóng âm… Năm 1981 Việt Nam tiếp nhận 2 tàu 266E biên chế cho Lữ đoàn 161 hải quân dưới số hiệu HQ-851 và HQ-852. |
Còn tiếp
Đa Phúc
Theo Infonet