Thấy bia đổ là "hôi"
Vào trưa 2/7, xe tải BKS 54Z do tài xế Phạm Viết Sơn cầm lái chở đầy bia chai nhãn hiệu Saigon đỏ lưu thông trên quốc lộ 1A. Khi đi đến cầu vượt Tân Thới Nhất (P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM) do tài xế điều khiển xe với tốc độ khá cao đã khiến nhiều két bia đổ xuống đường. Trong lúc tài xế chưa kịp thu dọn lại hàng hóa thì hàng chục người đi đường bất chấp những mảnh vỡ thủy tinh mang bao tải lao vào “hôi của” mang bia về uống.
Hàng trăm người mang xe ba gác lao vào hôi bia của tài xế xe tải gặp nạn. |
Sau sự việc trên các phương tiện truyền thông lên tiếng phê phán về hành động xấu xí đó của những người “hôi của”. Sau đó vài tháng, vào chiều ngày 4/12, sự việc đáng xấu hổ lặp lại khi xe chở bia của anh Hồ Minh Mẫu (SN 1983, quê Bình Định) điều khiển xe tải BKS 79N gặp tai nạn tại vòng xoay Tam Hiệp (P.Long Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), nhiều người đã không giúp đỡ mà còn mang xe tải tới “hôi bia” của anh mang về.
Mang bao tải đi "cướp" bia trên cầu Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM. |
Trước đó, ngày 9/8/2012, anh Vũ Văn Khởi điều khiển xe container chở hàng trăm thùng bia lưu thông trên cầu vượt Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM để về đại lộ Võ Văn Kiệt. Khi đang cho xe lên dốc cầu vượt thì bất ngờ, anh Khởi gặp sự cố với 3 thanh niên khác, thắng gấp xe nên đã làm hàng trăm thùng bia trên xe chao đảo. Ngay sau khi sự cố xảy ra, một số người đã tranh nhau "hôi của".
Lấy cả thức ăn cho vịt
Ngày 12/8/2012, một xe tải chở hơn 20 tấn thức ăn hỗn hợp dành cho vịt khi di chuyển trên quốc lộ 1A đã bị lật nhào xuống ruộng tại tỉnh Bình Định. Sau khi tai nạn xảy ra, nhiều người dân địa phương xông vào mang thức ăn cho vịt về nhà.
Nhiều người dân tham lam lấy thức ăn của vịt. |
Cướp tiền của người bị cướp
Vào ngày 16/6/2011, người đàn ông đi xe máy đến đoạn vòng xoay An Dương Vương - Trần Phú - Sư Vạn Hạnh (Q.5, TP.HCM) thì bị 2 tên cướp từ phía sau giật giỏ xách. Nhờ nhanh trí người này đã giữ được túi nhưng vì giằng co mạnh khiến túi bị rách và tiền 50 triệu bay ra đường.
Lợi dụng tình cảnh lúng túng của người đàn ông, nhiều người dân ào ra giữa đường lượm số tiền bị rơi ra trước sự thẫn thờ và bất lực của nạn nhân.
Nạn nhân bị cướp bất lực nhìn người đi đường tranh nhau nhặt tiền. |
Vào ngày 16/10, tại giao lộ Bà Huyện Thanh Quan - Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM), ông Trường đang đi xe máy thì bị 4 thanh niên áp sát, móc bọc tiền 50 triệu đồng trong túi của ông.
Trong lúc giằng co với bọn cướp, xấp tiền 50 triệu của văng ra đường, người dân xung quanh lao vào nhặt. Đến khhi kiểm lại, ông Trường chỉ còn 30,5 triệu đồng.
Sau vụ ông Trường bị cướp tiền và “hôi của” tại TP.HCM thì ở Bình Định chị Nguyễn Thị Huệ (35 tuổi) bị giật giỏ xách ngay trước cửa ngân hàng. 1,2 tỉ đồng văng ra đầy đường, nhiều người xông vào nhặt. Cuối cùng, chị Huệ chỉ lượm lại được hơn 800 triệu đồng.
Khoe thành tích xấu
Chiều 12/9, trước cửa UBND Q.Ba Đình (Hà Nội), Đại sứ quán Hà Lan tổ chức phát tặng 3.000 chiếc áo mưa cho người dân Hà Nội, với mong muốn nâng cao nhận thức chung về biến đổi khí hậu.
Khi đại biểu chưa nói hết nội dung thì hàng trăm người đã đổ xô lên sân khấu “cướp" áo mưa từ tay ban tổ chức. Nhiều người khoe: “Tôi đã lấy được 5 - 6 chiếc rồi, giờ cất đi và chạy vào lấy tiếp”.
Cảnh người dân lao vào tranh giành áo mưa. |
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Viện xã hội học, chia sẻ ông rất buồn khi đọc thông tin "hôi của". Theo ông đây là nguyên nhân của tính vô tổ chức, tự phát và tính ích kỷ của người dân. Tính ích kỷ chính là nguyên nhân gây ra nhiều thói hư tật xấu khác. Tính cách này thường trực trong nhiều cá nhân, ở cả nông thôn, tỉnh lẻ, người thành thị.
Theo ông Bình thì đây là tâm lý tiểu nông đã ăn sâu vào tính cách người Việt, khiến họ chỉ thích thu vén cho riêng mình. Bên cạnh đó là sự rối loạn về giá trị sống, nhiều người không biết cái gì đúng, cái gì sai, phải tôn thờ cái gì, dẫn đến lối sống vị kỷ, coi trọng vật chất.
Chẳng hạn như trong vụ tranh giành nhau áo mưa miễn phí tại Hà Nội, có người còn xúi người khác vào giành áo mưa và khoe “tôi đã lấy được 5 - 6 chiếc rồi, giờ cất đi và chạy vào lấy tiếp”. Họ không biết đấy là điều đáng xấu hổ mà ngược lại họ có vẻ tự hào với “chiến tích” của mình. Để loại bỏ dần những thói hư tật xấu trên không hề đơn giản.