Những vụ bê bối chính trị ồn ào nhất mọi thời đại
Vụ buôn bán dầu lửa Teapot Dome dưới thời Tổng thống Mỹ Warren G. Harding, vụ đình bản báo Spiegel ở Đức là 2 trong số những bê bối rúng động nhất mọi thời đại.
1. Vụ Teapot Dome
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Albert Fall. |
Một trong những tai tiếng lớn nhất trong lịch sử Mỹ là vụ buôn bán dầu lửa Teapot Dome dưới thời Tổng thống Warren G. Harding, tổng thống thứ 29 của Mỹ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi đó là Albert Fall đã thu xếp hợp đồng cho thuê vùng khai thác dầu ở Elk Hills và Teapot Dome mà không thực hiện đấu thầu cạnh tranh.
Các cuộc điều tra cho thấy Fall đã nhận hối lộ hơn 400.000 USD và Tổng thống Warren G. Harding có liên quan đến vụ việc này. Ông Fall sau đó bị kết án tù một năm và bị phạt 100.000 USD còn Tổng thống Harding thì bị chỉ trích vì quản lý nội các thiếu hiệu quả.
Trong khi vụ bê bối trên đang đến lúc phơi bày sự thật thì Tổng thống Harding lâm bệnh nặng và qua đời sau 29 tháng làm ông chủ Nhà Trắng. Ông là tổng thống Mỹ thứ 6 chết khi còn đang tại nhiệm.
Vụ đình bản báo Spiegel
Một trong những vụ bê bối lớn nhất lịch sử chính trị Đức là vụ đình bản báo Spiegel năm 1962. Ngày 8/10/1962, tờ báo Der Spiegel do Rudolf Augstein làm chủ biên xuất bản một bài báo chỉ trích sự phòng thủ quá thụ động của quân đội NATO và Đức. Bài báo thu hút sự quan tâm của dư luận và làm làm dấy lên làn sóng yêu cầu chính phủ phải hiện đại hóa quân đội và điều tra xem nguyên nhân gây suy yếu sức mạnh quốc phòng mà ông Franz Josef Straub khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Lập tức, kế hoạch chống lại báo Der Spiegel được bí mật triển khai. Ngày 26/10/1962, cảnh sát và quân đội Đức khám xét tòa soạn báo Der Spiegel ở thành phố Hamburg và đình chỉ sự hoạt động của báo này. Chủ biên Rudolf Augstein bị bắt.
Cả Bộ trưởng Quốc phòng Straub lẫn Chính phủ Đức không ngờ dư luận lại phản ứng dữ dội trước việc báo Der Spiegel bị đình bản và chủ bút Augstein bị bắt giữ đến như vậy. Khắp nơi xảy ra các cuộc biểu tình, kể cả bạo loạn, phản đối việc bóp nghẹt tự do ngôn luận qua vụ việc của báo Der Spiegel.
Sau vụ việc này chính phủ của Thủ tướng Adenauer phải cải tổ lại chính phủ. Ngày 1/12/1962, báo Der Spiegel hoạt động trở lại.
Vụ Spiro Agnew
Spiro Agnew (9/11/1918 – 17/9/1996) là Phó Tổng thống thứ 39 của Mỹ (1969 – 1973) dưới thời Tổng thống Richard Nixon.
Cho đến nay Agnew là Phó Tổng thống đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Mỹ từ nhiệm khi còn đang tại vị vì cáo buộc phạm tội. Ông này bị cáo buộc nhận hối lộ trong lúc ông đang được coi là ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Sau khi từ chức, ông trả 268.482 USD cho người dân ở bang Maryland, nơi ông đã nhận hối lộ.
Vụ William Jefferson
William Jefferson sinh năm 1947 và là hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ, bang Louisiana. Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI buộc tội ông Jefferson nhận hối lộ hàng trăm nghìn đô la Mỹ. Trong đó có vụ ông Jefferson bị cáo buộc sử dụng uy tín cá nhân để thúc đẩy vụ bán thiết bị viễn thông và dịch vụ cho Công ty Louisville tại Nigeria, Ghana và nhiều nước châu Phi khác, đổi lại, ông được nhận cả mớ tiền mặt và cổ phiếu. Ngày 13/11/2009, Jefferson bị kết án 13 năm tù. Đây là mức án dài nhất dành cho một nghị sĩ từ trước tới nay.
Vụ Wilbur Mills
Wilbur Mills (24/5/1909 – 2/5/1992) là một nhân vật đầy quyền lực trong Hạ viện Mỹ. Năm 1974, cảnh sát chặn một chiếc xe không bật đèn pha vào lúc 2 giờ sáng và phát hiện người ngồi trong xe chính là ông Mills và một vũ nữ thoát y. Ông Mills lúc đó đang trong tình trạng say xỉn, còn vũ nữ thoát y kia là người Argentina, có tên là Annabelle Battistella. Vụ việc đã làm xấu đi hình ảnh của ông và phá hủy con đường chính trị đang lên của chính trị gia này.
đỗ quyên
Theo Infonet