Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những vụ ăn cắp tiền qua mạng lớn nhất trong lịch sử

Với số tiền bị mất lên tới hàng trăm triệu USD, dưới đây là những vụ ăn cắp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng... lớn nhất trong lịch sử.

Hệ thống thanh toán Heartland bị tấn công

Heartland Payment Systems là hệ thống xử lý các giao dịch qua thẻ tín dụng của các công ty lớn nhỏ. Và đây cũng là mục tiêu của bọn tội phạm công nghệ, nhằm ăn cắp thông tin thẻ tín dụng. Số lượng thẻ giao dịch qua hệ thống của Heartland vô cùng lớn. Heartland từng bị tấn công bằng phần mềm gián điệp Spyware và lấy đi thông tin thẻ tín dụng của 134 triệu người dùng. Chỉ cần ăn cắp 1 USD từ mỗi thẻ, bọn trộm có thể nẫng đi 134 triệu USD. Chủ mưu của vụ này lại là hacker huyền thoại Albert Gonzalez, người bị kết án 40 năm tù.

Thông tin thẻ tín dụng của 94 triệu người mua sắm tại Marhall’s và TJ Maxx bị lộ

Tháng 12/2006, trang trực tuyến của công ty TJX, hãng bán lẻ sở hữu các cửa hàng như TJ Maxx, Marshall’s, bị tấn công và lấy cắp thông tin thẻ tín dụng của 94 triệu khách hàng mua sắm tại đây. Kẻ chủ mưu trong vụ này là hacker Albert Gonzalez,  trong vụ này, Albert đã hành động với 11 người khác.

Đường dây tội phạm quốc tế ăn cắp hơn 200 triệu USD

Năm 2012, FBI của Mỹ đã điều tra và thu thập chứng cứ về vụ ăn cắp 205 triệu USD của một đường dây tội phạm quốc tế. Những tên tội phạm này đã ăn cắp thông tin thẻ tín dụng của 411.000 người dùng, gồm 47 công ty, cơ quan giáo dục và tổ chức chính phủ. Điều đáng nói là tên “già” nhất của đường dây này mới 22 tuổi, những tên khác vẫn còn chưa thành niên. Một trong những tên trẻ nhất, Mir Islam AKA JoshTheGod, cũng là thành viên của đường dây lừa đảo thẻ tín dụng UGNazi. Tổng cộng 28 tên tội phạm của đường dây này đã bị bắt giữ.

1,3 triệu USD tiền Bitcoins bị ăn cắp

Bitcoin là một dạng tiền điện tử cho phép người dùng thực hiện các giao dịch trên mạng mà không cần phải qua một ngân hàng trung tâm. Tất nhiên, trên mạng có những trang để người dùng giữ tiền điện tử của mình, giống như một ngân hàng. Trang cất giữ Bitcoin có tên inputs.io từng bị xâm nhập thông qua các email chứa mã độc và lỗ hổng của máy chủ. Tên trộm này đã ăn cắp 4.100 Bitcoin, tương đương 1,3 triệu USD. Việc truy tìm Bitcoin bị ăn cắp vô cùng khó khăn và bắt một tên trộm Bitcoin cũng vậy.

Người dùng trực tuyến ăn cắp hơn 3 triệu USD

Một người dùng có tên mạng là “Soldier” đã sử dụng phần mềm độc có tên SpyEye để ăn cắp gần 17.000 USD/ngày. Soldier đã xâm nhập vào máy tính 3.500 khách của 3 ngân hàng, gồm Chase, Wells Fargo và Bank of America. Chỉ trong 6 tháng, tên này đã ăn cắp được 3,2 triệu USD. Soldier đã chuyển số tiền ăn cắp qua hai người trước khi chúng được chuyển tới cho các nhân viên xử lý. Và những nhân viên này bị lừa rằng, đang xử lý tiền của cho các tổ chức hợp pháp.

Tấn công ngân hàng Thụy Điển bằng virus Trojan

Năm ngoái, các khách hàng của ngân hàng Nordea tại Thụy Điển đều nhận được email có chứa virus Trojan, một dạng keylogger, ghi lại các thao tác bàn phím của họ. Khi họ đăng nhập tài khoản ngân hàng trực tuyến, những tên hacker có thể ăn cắp tài khoản và mật khẩu của họ. Khi người dùng đăng nhập thông tin của mình, họ sẽ nhận được một tin nhắn thông báo trang web bị đóng cửa. Đây là dấu hiệu cho bọn hacker biết thông tin đã được nhập vào, và sau đó chúng dùng thông tin này trên trang web của ngân hàng. Trong vụ việc này, gần 8 triệu krona Thụy Điển đã bị ăn cắp, tương đương 943.000 USD.

Đường dây tội phạm quốc tế ăn cắp 45 triệu USD qua thẻ tín dụng trả trước

Một đường dây tội phạm quốc tế đã mua các thẻ tín dụng trả trước, tấn công các ngân hàng trên khắp thế giới để tăng mức chi tiêu của thẻ. Sau đó, chúng thuê những tên tội phạm vặt dùng các thẻ này để rút tiền mặt tại nhiều máy ATM trên khắp thế giới. Tám tên đã bị bắt tại New York khi đang rút 2,7 triệu USD tại máy ATM của hai ngân hàng. Khi điều tra sâu về đường dây này, cảnh sát phát hiện các tên khác đã rút được gần 45 triệu USD từ các máy ATM trên toàn cầu.

Cướp ngân hàng Sumitomo Mitsui

Năm 2004, một nhóm hacker đã dùng phần mềm gián điệp keylogger (trình theo dõi thao tác bàn phím) để ăn cắp số tài khoản và mật khẩu tài khoản trực tuyến của ngân hàng Sumitomo Mitsui. Chúng đã lấy cắp được 420 triệu USD và định chia vào hơn 10 tài khoản ngân hàng khác nhau. May mắn là cơ quan điều tra đã nắm được âm mưu này và bắt tên đồng bọn người Israel, Yeron Belondi khi hắn đang gửi 27 triệu USD ăn cắp vào một tài khoản ngân hàng tại Israel. Những tên khác sau đó cũng bị bắt.


Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm