Dù vẫn lấy vợ phong hậu, có bao nhiêu mỹ nữ bên cạnh, song một số vị vua chỉ quan tâm đến đàn ông.
Xu hướng tình dục phóng khoáng của các hoàng đế cổ đại
Alexander III (hay được gọi với tên Alexander đại đế, sinh năm 336, mất năm 323 trước Công nguyên) là một trong những vị tướng thành công bậc nhất lịch sử, một chiến lược gia quân sự vĩ đại, chinh phạt mở mang bờ cõi. Bí mật tình ái của ông cũng khiến hậu thế tốn nhiều giấy mực.
Tranh vẽ Alexander và Hephaestion. |
Sách Varia Historia (tác giả Aelian) khẳng định Hephaestion là người tình của Alexander. Thuở nhỏ, Alexander và Hephaestion cùng một nhóm trẻ con nhà quý tộc cùng học tập dưới sự dạy dỗ của triết gia Aristotle. Khi còn nhỏ, hai cậu bé gắn bó với nhau trong học tập, rèn luyện; đến khi trưởng thành, hai chàng trai luôn kề vai sát cánh trong những trận chiến. Trong khi Alexander nắm vương triều, là vị vua thứ 14 của vương quốc Macedonia, thì Hephaestion là người chỉ huy đội kị binh. Cả hai đều lấy vợ, sinh con nhưng họ có thời gian gắn bó với nhau như tình nhân.
Hephaestion còn tiết lộ ông là người tình của Alexander. Cả hai nhận ra tình cảm yêu thương cho nhau như mối quan hệ giữa Achilles và Patroclus (mối tình đồng tính nổi tiếng thời Hy Lạp cổ đại).
Một số vị hoàng đế La Mã có xu hướng quan hệ với cả nam và nữ giới. Nero Claudius Caesar (37-68) - hoàng đế thứ năm của triều đại Julius-Claudius - là người khiến cả thành Rome căm phẫn vì độ tàn ác, xa hoa và xu hướng tình dục khác người.
Một số thông tin khác còn cho rằng vị hoàng đế dâm loạn này thậm chí còn hai lần kết hôn với người đồng giới. Trước khi “lấy” Sporus, Nero từng làm đám cưới với một nô lệ có tên Pythagoras. Khoảng năm 64, Nero làm đám cưới công khai với Pythagoras, trong cuộc hôn nhân này, vị hoàng đế đóng vai trò là cô dâu, nhưng lại gọi Pythagoras - người từng làm việc trong hầm rượu vang - là một “vật nuôi bẩn thỉu của mình”.
Các vị vua đồng tính từ Á sang Âu
Ở Trung Hoa - đất nước có các vị vua nhiều phi tần mỹ nữ - cũng từng có chuyện tình yêu đồng giới. Vệ Linh Công (?-493TCN) là vua nước Vệ nổi tiếng với mối tình được dân gian gọi là “tình chia đào”. Vệ Linh Công từng tin yêu Di Tử Hà - một thanh niên khôi ngô tuấn tú, được phong làm đại phu.
Vệ Linh Công và Di Tử Hà. |
Có lần Di Tử Hà cùng Vệ Linh Công thăm hoa viên, thấy quả đào ngon thì hái ăn trước mặt vua. Ăn không hết, Tử Hà đem phần cắn dở đưa vào miệng vua. Vua không phạt, mà còn khen “Tử Hà thật yêu ta, quên cái miệng của mình mà nhớ đến ta”.
Ở châu Âu, vị vua nước Phổ Friedrich II (1712-1786) được cho là người đồng tính luyến ái hoặc lưỡng tính. Ông thân mật một cách lạ thường với người lính Christoph Keith nên vua cha đã truyền lệnh đày Keith. Nhưng Friedrich tiếp tục viết thư tình cho vệ sĩ mới của mình là Borcke rằng “chẳng ai yêu mến ngươi bằng ta đâu…” và đề nghị Borcke đền đáp tình yêu thương của mình. Nhiều người cho rằng ông có quan hệ luyến ái với trung úy Hans Hermann von Katte.
Vua cha Fridrich I hành hình Hermann von Katte, ép Fridrich II cưới quận chúa Elisabeth Christine. Sau khi vua cha qua đời, ông sống tách biệt với vợ, mỗi năm chỉ đến thăm vợ một lần.
Một số ghi chép tiết lộ mối quan hệ giữa Friderich II với thi hào người Pháp Voltaire. Năm 1740, khi Friderich II lên ngôi đã gửi thư mời Voltaire đến thăm kinh đô nhưng Voltaire từ chối. Năm 1743, vua Pháp cử Voltaire đến viếng thăm vua Phổ, thi hào trở thành thượng khách của Friderich II. Sau đó, Voltaire nhiều lần trở lại nước Phổ, được Friderich II chu cấp và sống trong cung điện hoàng gia, hưởng mọi bổng lộc phú quý của người thân cận hoàng đế.
Nhiều năm sau đó, Voltaire và Friderich II trở thành những người bạn thân thiết, có lần nhà thơ, triết gia từng nói: “Trong bốn năm nay, hạ thần là nhân tình của đức vua”.
Tranh vẽ vua Friderich II và thi hào Voltaire. |
Do một bất đồng trong quan điểm chính trị, Voltaire và Friderich xảy ra bất hòa. Vua cho đốt một cuốn sách của Voltaire và giam lỏng nhà thơ trong một căn gác. Một cuốn sách có tên Cuộc sống riêng tư của vua Phổ của tác giả ẩn danh xuất hiện, trong đó viết Friderich II là người đồng tính luyến ái. Nhiều người cho rằng tác giả ẩn danh kia chính là Voltaire.
Vua Friderich không phủ nhận nội dung sách, sau này lại làm hòa với nhà thơ. Voltaire sau đó viết: “Hai người tình bất hòa với nhau, nói cách khác là hai kẻ náo loạn hoàng cung giận nhau. Tuy nhiên, tình yêu thương nồng nàn vẫn bất diệt”.
Ở Việt Nam, một số ghi chép cho rằng vua Khải Định thích đàn ông mà không để ý tới phụ nữ. Trong cuốn Chuyện các bà trong nội cung, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nêu trong suốt 10 năm giữ ngai vàng, vua Khải Định đã nuôi ông Nguyễn Đắc Vọng làm thị vệ, thường ôm ông Vọng ngủ vào ban đêm. Được vua sủng ái, Nguyễn Đắc Vọng thăng tiến nhanh.
Dù có nhiều phi tần song vua cũng không để ý. Những buổi sáng phải ra điện Cần Chánh thiết triều, các bà đứng hai hàng bái kiến đón chào, ông liền dùng tay ôm gọn hai vạt áo bào sát vào người để khỏi vương vào đàn bà.