Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những vết lằn chằng chịt trên mặt y tá

Những ca trực được kéo dài từ 8 tiếng thành 12 tiếng. Tình hình bây giờ đã nguy cấp lắm rồi.

Ảnh trên bìa sách Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái - Nhật ký y tá thời Covid-19

Mia cảm thấy trời đất như quay cuồng. Bọng đái cô căng đầy, đè vào thành bụng đau anh ách nhưng cơ thể bên trong lại đang kêu gào vì thiếu nước, khô héo như một cái cây mùa nắng hạn. Nhiều giờ đồng hồ đóng mình trong mớ đồ bảo hộ lỉnh kỉnh, dày như vải bố, hai bên gò má của cô hằn lên hai lằn của chiếc mặt nạ N95.

Nhìn thoáng qua, trông như hai vết bớt kỳ dị bẩm sinh. Cách đeo mặt nạ đúng là không được để không khí thoát ra ngoài, cũng vì thế mà tạo nên những vết lằn chằng chịt trên gương mặt thanh tú ấy.

Nếu ai đã từng sử dụng qua mặt nạ N95 một cách đúng chuẩn sẽ hiểu cảm giác khó thở và đau đớn, khi hai cạnh của chiếc mặt nạ buộc phải được kéo căng và siết chặt vào hai bên gò má. Chỉ cần đeo một vài phút, vùng da ấy sẽ đỏ rát, chứ đừng nói đến đeo trong nhiều giờ đồng hồ liên tục.

Thời tiết của Australia đang vào thu, nhiệt độ trung bình là 15 độ C nhưng trên gương mặt Mia vẫn lấm tấm mồ hôi vì nóng.

Thật là kinh khủng khi phải tự ngửi hơi thở sặc mùi hành tỏi của chính mình trong một thời gian dài. Mia đã phải ăn qua loa một chiếc bánh burger của cửa hàng McDonald trước giờ vào ca.

Đôi khi Mia tự nhìn mình trong gương và giật mình. Mới có ba tháng mà mọi thứ đã thay đổi một cách chóng mặt như thế sao? Một Mia xinh đẹp, nổi tiếng là hoa khôi của Khoa Bệnh Truyền nhiễm của bệnh viện Westmead, bệnh viện lớn nhất nước Australia, giờ đây đã tàn tạ đến nỗi không còn có thể nhận ra.

Gương mặt hơi vuông cá tính kết hợp độc đáo với đôi gò má đầy đặn của trẻ thơ, làn da căng mướt không tì vết và sắc da tươi tắn như búp hoa vừa uống những giọt sương mai, giờ đã được thay bằng một cái đầu lâu khô quắt, hai trũng má hõm sâu.

Căng lên trên khung đầu lâu ấy là lớp da xỉn màu, tái nhợt, lấm tấm mụn vì cà phê và những đêm mất ngủ. Đó là chưa kể đến những vết lằn chằng chịt được tạo ra bởi sự ma sát giữa những chiếc nón, những chiếc kính bảo hộ và khẩu trang siết chặt ma sát với làn da mỏng manh.

Co noi buon gieo mam nhan ai - Nhat ky y ta thoi Covid-19 anh 1

Sách Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái - Nhật ký y tá thời Covid-19. Ảnh QM.

Cách đây ba tháng, bệnh viện vẫn còn đủ khẩu trang N95 cho tập thể y tá và bác sĩ, nhưng con số người nhiễm virus Corona ngày càng tăng lên. Người dân, lớp thì nháo nhào đi mua khẩu trang về tích trữ; lớp thì kỳ thị, bạo ngược, đánh người đeo khẩu trang nơi công cộng vì cho rằng họ là mầm mống của bệnh tật.

Có một giai đoạn, cán bộ y tế không còn đủ mặt nạ chuẩn để dùng. Mặt nạ N95 là loại khẩu trang đặc biệt lọc được 95%, 99% bụi mịn 0,3 micron trong không khí, tốt hơn hơn khẩu trang y tế gấp nhiều lần. Nhưng khi mà cả khẩu trang y tế cũng là một món hàng xa xỉ thì chẳng ai còn mơ đến N95.

Tình trạng sử dụng khẩu trang y tế thay cho khẩu trang N95 chỉ kéo dài khoảng hơn một tuần và đã làm dấy lên một làn sóng phản đối kịch liệt từ đội ngũ y bác sĩ. Sau đó, N95 đường hoàng trở lại trên kệ, nhưng lần này lại có một quy định oái ăm mới kèm theo.

Ngày Mia và các đồng nghiệp nghe Trưởng Khoa tuyên bố, Giám đốc Sở Y tế ra yêu cầu mỗi y tá sẽ phải dùng một chiếc khẩu trang trong suốt ca trực để tiết kiệm và bảo tồn số khẩu trang y tế còn lại. Mọi người đều cảm thấy đất trời như sụp đổ.

Bộ Y tế New South Wales đã thừa nhận với báo giới về tình trạng thiếu hụt mặt nạ N95 ở các bệnh viện công. Các y bác sĩ phải ghi tên và ngày sử dụng lên mặt nạ nếu muốn tháo ra và phải được tái sử dụng, dù điều này là trái với chính sách của Tổ chức Y tế thế giới.

Những loại mặt nạ này được thiết kế chỉ cho một lần sử dụng và việc bị buộc phải dùng lại sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm khiến cho các y bác sĩ không khỏi hoang mang.

Những ca trực được kéo dài từ tám tiếng thành mười hai tiếng. Ai cũng phải nhịn tiêu, nhịn tiểu và bí bách lắm mới được đi vệ sinh, nhưng khẩu trang thì vẫn phải giữ nguyên trên mặt. Tình hình bây giờ đã nguy cấp lắm rồi.

Tuy vậy, Mia vẫn cảm thấy mình thật may mắn. Cách đây vài ngày, đứa em họ của nàng, cũng là một y tá đang làm việc tại Ý, khóc tu tu qua điện thoại. Cô em họ kể rằng ở Ý, bệnh viện đang vỡ trận vì quá tải.

Họ bị đẩy đến con đường phải chọn bệnh nhân nào trẻ để chữa trị, và từ chối những người cao tuổi. Người chết nhiều như ngả rạ. Các y tá có khi còn phải tự may khẩu trang vải mà dùng.

Hai chị em an ủi và động viên lẫn nhau phải cố lên, bởi chúng ta là những người lính đứng đầu chiến tuyến, chống lại đại dịch toàn cầu. So với Italy, Australia vẫn còn may mắn hơn rất nhiều.

Hoa hậu áo dài gốc Việt xuất bản sách về đại dịch Covid-19

Làm việc ở bệnh viện, Iris Lê muốn kể cho mọi người hiểu rõ hơn về những nỗi niềm của tập thể y bác sĩ trong thời Covid-19.

Iris Lê / NXB Văn hóa-Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY