Cảnh sát cho biết vụ cưỡng hiếp 8 phụ nữ xảy ra vào cuối tháng 7 gần một khu khai thác mỏ. Các nạn nhân là người mẫu đang quay video ca nhạc, còn hung thủ là hàng chục người đàn ông bịt mặt có vũ trang. Họ được cho là những người khai thác mỏ khoáng sản trái phép ở gần đó.
Tuy nhiên, vụ việc trên không chỉ phản ánh nạn hiếp dâm, vốn đã trở thành vấn đề nhức nhối từ lâu của Nam Phi, mà còn cho thấy sự nhan nhản của các vấn nạn khác mà chính phủ cho đến nay vẫn không thể giải quyết, theo Los Angeles Times.
"Zama zamas"
Nghi phạm trong vụ cưỡng hiếp 8 người mẫu trên bao gồm rất nhiều người nhập cảnh trái phép vào đất Nam Phi để tham gia khai thác bất hợp pháp vàng và khoáng sản quý khác từ các mỏ đã đóng cửa. Họ làm việc mà không có bất kỳ biện pháp an toàn hoặc bảo vệ môi trường nào.
Người dân đốt lán và đồ đạc của những người bị cáo buộc là thợ mỏ bất hợp pháp, sau vụ 8 người mẫu bị cưỡng hiếp vào ngày 28/7 khi đang quay MV. Ảnh: Reuters. |
Những người này thậm chí còn được gọi bằng từ riêng là "zama zamas" - một từ thông tục của người Zulu ở Nam Phi, có nghĩa là những người "bền gan" hoặc "lì lợm". Những thợ mỏ bất hợp pháp lợi dụng quy định lỏng lẻo của Nam Phi để khai thác khoáng sản.
Người dân cho rằng tội phạm tràn lan tại các địa phương trong vài năm qua là do dòng người khai thác mỏ quặng bất hợp pháp này. Đây là "tình huống mà các quan chức thực thi pháp luật dường như không thể hoặc không muốn kiểm soát", Tracy-Lynn Field, giáo sư luật môi trường tại Đại học Witwatersrand, viết trên báo Star.
"Ngành công nghiệp khai thác vàng bất hợp pháp và không được kiểm soát, một trong những ngành sinh lợi và bạo lực nhất trên lục địa châu Phi, đã cắm rễ", bà nói.
Các quy định của Nam Phi không công nhận hoạt động khai thác quy mô nhỏ, vì vậy đã tạo điều kiện cho những người làm việc trong lĩnh vực này hoạt động trong môi trường vô luật pháp.
Để trả thù cho vụ cưỡng hiếp tập thể, các nhóm cư dân địa phương đã phóng hỏa nơi ở của các "zama zamas". Một người được báo cáo là đã thiệt mạng. Các quan chức chính phủ cấp cao cho biết những người khai thác mỏ quặng bất hợp pháp có thể đến từ Mozambique, Lesotho và Zimbabwe.
"Đại dịch" hiếp dâm
Không rõ có bao nhiêu người bị cáo buộc tham gia vào vụ cưỡng hiếp trên, nhưng hơn 100 người đã bị bắt và 80 người đã bị đưa ra xét xử trong tháng này. Nhiều người đến từ các nước láng giềng và đang ở Nam Phi mà không có giấy tờ hợp lệ, cảnh sát cho biết.
Sophia Williams de-Bruyn, một nhà vận động chống bạo lực đối với phụ nữ trong nhiều thập kỷ, nói rằng các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ đang rất tức giận, đặc biệt là khi vụ việc xảy ra chỉ 2 tuần trước ngày 9/8 - đánh dấu kỷ niệm 66 năm cuộc tuần hành chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc do phụ nữ thực hiện, một dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh vì quyền phụ nữ ở Nam Phi.
Phụ nữ biểu tình bên ngoài tòa án ở Krugersdorp, Nam Phi, nơi xét xử hơn 80 người đàn ông bị tình nghi hiếp dâm tập thể. Ảnh: AP. |
Nạn hiếp dâm từ lâu đã là một trong những tội ác dai dẳng từ thời kỳ hậu phân biệt chủng tộc ở Nam Phi mà các nhóm nhân quyền và cơ quan thực thi pháp luật phải đối mặt không ngừng.
Liên Hợp Quốc cho biết tỷ lệ hiếp dâm ở Nam Phi thuộc hàng cao nhất thế giới. Truyền thông địa phương cho biết trung bình có khoảng 110 vụ cưỡng hiếp mỗi ngày ở nước này.
Amanda Gouws, giáo sư khoa học chính trị và nhà nghiên cứu về chính trị giới tại Đại học Stellenbosch, nói rằng nạn hiếp dâm là "dịch bệnh có hệ thống" ở Nam Phi, nhưng các nhà chức trách thể hiện họ còn thiếu hiểu biết nghiêm trọng về loại tội phạm này.
Bà cho biết chính quyền "cá nhân hóa" hành vi hiếp dâm, đổ lỗi cho một số ít đàn ông, thay vì xem xét các hành vi bạo lực tiềm ẩn và thái độ phân biệt giới tính.
“Phản ứng từ cảnh sát - cũng như đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) - để lộ rõ việc không đánh giá đúng bản chất hệ thống của vấn đề”, Gouws viết sau vụ cưỡng hiếp tập thể.
Cụ thể, bà chỉ ra một đề xuất của ANC về việc “thiến hóa học” tội phạm hiếp dâm, nghĩa là cho họ sử dụng thuốc làm giảm hormone sinh dục. Bà cho rằng đây hình phạt có thể khắc nghiệt nhưng không giải quyết được bản chất bạo lực của tội ác.
Trong khi phản ứng của chính quyền vẫn là điều hứng chỉ trích, hàng loạt người đã tụ tập biểu tình biểu tình xung quanh Johannesburg và Pretoria hồi tuần qua. Họ giơ các biển hiệu với khẩu hiệu như “Cơ thể tôi không phải chỗ để các người phạm tội”.