Ông Quách Quảng Xương cho rằng doanh nhân cần hiểu biết về chính trị, nhưng không nên gần gũi với các chính trị gia. Ảnh WSJ |
Là một người tập Thái cực quyền lâu năm, tỷ phú Quách Quảng Xương (Guo Guangchang) từng phát biểu rằng mục đích của Thái cực không phải là tấn công phủ đầu để giành quyền chủ động, mà là chờ đợi thời cơ để đánh đúng thời điểm. “Phải là người ra đòn đầu tiên khi cảm nhận được sự thay đổi diễn ra,” ông Quách nói.
Khi ông đột ngột “mất tích” vào Chủ nhật tuần trước để “hỗ trợ chính quyền điều tra”, và rồi trở lại sau đó bốn ngày, có lẽ nhiều người sẽ băn khoăn rằng liệu người giàu thứ 17 Trung Quốc nắm được bao nhiêu phần trăm thế chủ động và cảm nhận thế nào về sự đổi thay.
Tỷ phú 48 tuổi này không phải là người đầu tiên “mất tích” trong giới siêu giàu Trung Quốc trong năm nay. Trước ông, đã có đến 10 cái tên chóp bu của nghành tài chính đột ngột bị bắt giữ mà không có bất kỳ cáo buộc nào, để phục vụ điều tra cho chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Có những người vẫn bị tạm giữ, còn những người được thả về, như ông Quách, thì không hé nửa lời về những cuộc điều tra.
Vấn đề là khi ngay cả sáng lập viên của Tập đoàn Fosun (Phục Tinh), một trong những doanh nhân được kính trọng nhất Trung Quốc, còn bị “mất tích”, giới doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc hiểu rằng không một ai còn an toàn.
“Nhiều người hỏi rằng tại sao tôi không lo lắng [khi chứng kiến nhiều doanh nhân bị bắt]. Bạn phải có niềm tin rằng, miễn là bạn không làm gì sai, chính quyền sẽ không động gì đến bạn…Nếu tôi luôn làm đúng, chính quyền đâu có lý do gì để bắt tôi?”.
Ông Quách đã từng trả lời như vậy cuối năm ngoái, khi một phóng viên hỏi về mối bận tâm của ông khi chứng kiến nhiều đồng nghiệp rơi rụng trong chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh.
Ông cũng là người nổi tiếng khi nói doanh nhân cần hiểu biết về chính trị, nhưng không nên gần gũi với các chính trị gia. Một tuyên ngôn mang đậm triết lý cân bằng và hài hoà của Thái cực.
Nhưng rõ ràng, định nghĩa về “điều tốt, điều xấu”; “quan hệ tốt, quan hệ xấu” cũng như việc “giữ cân bằng” của ông Quách không phải là điều dễ dàng.
Tiền lệ xấu cho kinh tế thị trường
Các nhà tài phiệt tất nhiên không phải là bất khả xâm phạm, và trong bất kỳ một xã hội pháp quyền nào, việc họ bị bắt giữ nếu vi phạm pháp luật là điều bình thường. Tuy nhiên, việc bắt giữ những nhà lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn lớn ở Trung Quốc trong ba năm qua đang gây ra những lo ngại lớn bởi hai lý do.
Thứ nhất, việc bắt giữ, dù chỉ phục vụ mục đích điều tra, diễn ra không minh bạch. Không ai được biết lý do đằng sau việc bắt giữ ông Quách, và cả việc cho ông tự do sau đó. Với một cá nhân bình thường trong một xã hội pháp quyền, điều đó đã khó chấp nhận, chưa nói đến những nhân vật trọng yếu của một nền kinh tế.
Theo quy định thông thường, lãnh đạo của các công ty được niêm yết như Fosun được yêu phải luôn “giữ liên lạc” với ban quản trị trong mọi tình huống. Thử tưởng tượng Warren Buffet, người mà ông Quách Quảng Xương cho là hình mẫu của mình, “biến mất” trong sở cảnh sát New York trong vòng bốn ngày mà không có lời giải thích, phản ứng của dư luận cũng như nhà đầu tư Mỹ sẽ như thế nào.
Sự cố “biến mất” của 11 doanh nhân trong năm qua và cái chết trong tù của Từ Minh, một tỷ phú thân cận với chính trị gia ngã ngựa Bạc Hy Lai, vì thế dễ tạo ra bầu không khí sợ hãi bao trùm giới chủ Trung Quốc.
Thứ hai, nếu các vụ điều tra chống tham nhũng trước đây của Trung Quốc thường tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước, thì mối quan tâm bây giờ chuyển hướng sang các doanh nghiệp tư nhân, dù nhiều người trong số họ chủ động không “dính vào chính trị” như tuyên bố của Mã Vân (Jack Ma) hay Quách Quảng Xương.
Bước vào khối tư nhân, chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình có nguy cơ can thiệp quá sâu vào nền kinh tế, trong khi lại sử dụng công cụ quyền lực không phải của nhà nước (Ban Kiểm tra TƯ Đảng) để thực hiện.
Điều này cũng sẽ tạo ra tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư quốc tế nơi các công ty Trung Quốc góp vốn, khi họ không biết chắc số phận người nắm giữ tài sản của mình sẽ ra sao trong nay mai.
Sau khi ông Quách “biến mất”, cổ phiếu của Tập đoàn Fosun đã phải ngừng giao dịch trên Sàn Chứng khoán Hong Kong.
Mặt trái của tư bản thân hữu
Cũng giống như Nga, sự trỗi dậy của kinh tế thị trường ở một quốc gia nằm quá lâu trong bóng tối như Trung Quốc dễ tạo ra một lực lượng siêu quyền lực: nhóm các nhà tư bản thân hữu.
Quốc hội Trung Quốc từng quan ngại về chủ nghĩa thân hữu ở nước này. Ảnh Epoch Times. |
Khi hệ thống pháp quyền chưa được hoàn thiện, năng lực giải trình của chính phủ và khả năng giám sát quyền lực của các tổ chức độc lập và người dân còn chưa cao, các doanh nghiệp có xu hướng xây dựng mối quan hệ với các chính trị gia để phục vụ cho mục đích làm ăn.
Mối “thân hữu” này tạo ra những hợp đồng béo bở hoặc ưu tiên chính sách cho các nhà tư bản, trong khi các chính trị gia nhận được “tưởng thưởng” bằng vật chất.
Chủ nghĩa tư bản thân hữu đã giúp tạo ra những đế chế kinh doanh khổng lồ như Samsung, Hyundai (Hàn Quốc), Sony, Toyota (Nhật Bản), hay cả các tỷ phú dầu mỏ nổi đình nổi đám của Nga.
Tuy nhiên, người ta thường nhắc nhiều hơn đến tác động tiêu cực của nó: gây méo mó nền kinh tế, bởi việc phân bổ các nguồn lực kinh tế không dựa trên hiệu quả và năng lực thực tế của các doanh nghiệp. Khủng hoảng tại Hàn Quốc, nằm trong một loạt Khủng hoảng Tài chính Đông Á năm 1997, từng được cho là khởi nguồn từ các sai lầm do quản trị tài chính của các nhà tư bản thân hữu Hàn Quốc (Chaebol).
Với các nhà tư bản, giữ các chính trị gia đủ gần và đủ xa không phải là việc đơn giản. Quan hệ với chính trị gia thường được ví như chơi với lửa, đặc biệt là ở những quốc gia với hệ thống chính trị còn thiếu minh bạch như Trung Quốc.
Kể cả với người luyện khí công lâu năm như ông Quách Quảng Xương, chơi với lửa luôn là việc không hề đơn giản.