Không tính các cầu thủ bóng đá, vốn dễ dàng kiếm được tiền tỷ khi chuyển nhượng thì Tiến Minh, Quang Liêm và Ánh Viên là những VĐV dẫn đầu về khả năng kiếm tiền trong năm vừa qua. Ngoài thất bại tại SEA Games 27, Tiến Minh đã có một năm thành công về thành tích lẫn thu nhập.
Nhờ Tiến Minh, thế giới mới biết đến cầu lông Việt Nam. Dù vậy, thu nhập của anh vẫn còn khá thấp nếu so với các VĐV tại các nước khác. |
Thành tích chói lọi nhất của Tiến Minh trong năm là đoạt HCĐ thế giới. Tuy giải đấu này không có tiền thưởng nhưng khi về nước, anh đã được thưởng đến gần 500 triệu đồng. Cụ thể, Tiến Minh nhận 200 triệu đồng tiền thưởng từ nhà tài trợ Becamex IDC, 10 triệu đồng tiền thưởng từ LĐ cầu lông VN, 15 triệu đồng từ LĐ cầu lông TP.HCM, 20 triệu đồng từ doanh nghiệp Thái Lê, 35 triệu đồng theo quy định của Tổng cục TDTT, 41 triệu đồng theo quy định của Sở VH-TT&DL TP.HCM, cũng như truy lĩnh 180 triệu đồng theo quy định của đơn vị chủ quản TP.HCM.
Bên cạnh đó, Tiến Minh còn nhận được 9.000 USD (hơn 180 triệu đồng) từ chức vô địch Mỹ mở rộng, 7.600 USD (gần 160 triệu đồng) từ danh hiệu á quân giải Đài Loan mở rộng. Chưa kể, Tiến Minh còn đứng hạng 3 giải cầu lông Nhật Bản mở rộng và Singapore mở rộng, vào tứ kết giải Malaysia và giải toàn Anh… Chỉ tính riêng tiền thưởng, Tiến Minh đã nhận không dưới 900 triệu đồng.
Ngoài ra, Tiến Minh còn được đấu giá 44.000 USD (gần 900 triệu đồng) khi thi đấu giải cầu lông ở Ấn Độ. Tiền tài trợ của Tiến Minh cũng thuộc diện cao ngất ngưỡng trong làng thể thao Việt Nam. Anh nhận 50 triệu đồng/tháng từ Becamex IDC nếu đứng trong top 10 thế giới. Trong năm 2013, anh đứng vững trong top 10, nên nhận 600 triệu đồng tiền tài trợ.
Nhà tài trợ Kawasaki mỗi năm cũng trả cho anh chừng 42.000 USD (hơn 840 triệu đồng) và hỗ trợ kinh phí để anh thi đấu 10 giải quốc tế. Tính tổng tất cả các khoản, Tiến Minh đã kiếm được hơn 2,3 tỷ đồng trong năm qua.
Vài năm gần đây, Lê Quang Liêm đều đặn kiếm tiền tỷ/năm. |
Lê Quang Liêm chỉ thi đấu trong 8 tháng trước khi đi du học tại trường Webster nhưng số tiền anh kiếm được lên đến gần 3 tỷ đồng. Cụ thể, Quang Liêm nhận 40.000 USD khi vô địch cờ chớp, 22.500 USD đứng hạng 4 cờ nhanh, 25.000 USD nhờ thành tích lọt vào vòng 4 giải cờ vua VĐTG, 10.000 USD khi vô địch giải HD Bank Cup, 1.500 USD nhờ đứng hạng 3 SPICE Cup.
Kỳ thủ số 1 Việt Nam là một trong số rất ít VĐV vừa học tập tốt, vừa có thể thi đấu kiếm tiền. Trong năm 2013, Lê Quang Liêm còn nhận được 35.000 USD tiền tài trợ trong gói 150.000 USD từ Liên đoàn cờ Việt Nam. Tính tổng những khoản này, Lê Quang Liêm đã kiếm được 134.000 USD, tương đương với hơn 2,8 tỷ đồng (chưa trừ thuế). Không kể những cầu thủ, Lê Quang Liêm là VĐV có thu nhập cao nhất Việt Nam.
Đồng đội của Lê Quang Liêm là Nguyễn Ngọc Trường Sơn cũng kiếm được hơn 700 triệu đồng tiền thưởng (chưa tính thuế) trong năm qua. Cụ thể, Trường Sơn nhận 18.000 USD nhờ đứng hạng 5 cờ chớp thế giới, 2.000 USD khi đứng hạng 16 nội dung cờ nhanh, 10.000 USD nhờ vào vòng 2 giải VĐTG và 124 triệu đồng tiền thưởng nhờ thành tích tại SEA Games 27.
Trong số những VĐV có thu nhập cao còn có Ánh Viên. Với việc đoạt 3 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ cùng 2 kỷ lục SEA Games, Ánh Viên nhận tổng cộng 263 triệu đồng tiền thưởng theo quy định cũng như thưởng nóng. Bên cạnh đó, cô nhận thêm 100 triệu đồng từ nhà tài trợ khi được bầu là VĐV xuất sắc nhất SEA Games của TTVN. Ánh Viên cũng nhận thêm tiền thưởng nhờ thành tích tại giải bơi sinh viên Đông Nam Á, Đại hội thể thao trong nhà châu Á cũng như Á vận hội trẻ. Tổng cộng, Ánh Viên nhận hơn 600 triệu đồng tiền thưởng, chưa kể lương và các khoản thu nhập khác.
Ánh Viên là VĐV được thưởng nhiều nhất của TTVN tại SEA Games 27. |
Đội tuyển nữ Việt Nam là đội thể thao được thưởng cao nhất tại SEA Games với 3,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này được chia đều cho gần 30 cá nhân nên mỗi cầu thủ nữ nhận thưởng không bao nhiêu. Những VĐV được thưởng nhiều còn có Thạch Kim Tuấn (270 triệu đồng), Vũ Thị Hương (115 triệu đồng), Phạm Thị Bình (104 triệu đồng)...