Trong mọi công việc từng có, Gavin (sống tại Anh, không phải tên thật) thường xuyên trốn làm.
Khi đại dịch bùng phát, anh càng nhận ra niềm vui sướng khi có thể tiếp tục trốn việc ở nhà.
Nhiều người có thể mô tả Gavin như một kẻ thất bại song anh nhìn nhận cuộc sống theo cách của riêng mình.
"Tôi làm việc chỉ để kiếm tiền chi trả các hóa đơn. Tôi chẳng thấy giá trị hay mục đích gì trong công việc, không gì cả".
Công việc của Gavin lại vừa hay tạo điều kiện thuận lợi cho anh tận hưởng thứ duy nhất quan trọng với anh trong cuộc sống: thời gian.
"Cuộc sống thật ngắn ngủi. Tôi muốn tận hưởng thời gian mà tôi có. Tôi đang rất vui. Cấp trên hài lòng với công việc tôi đang làm, hay chính xác hơn là công việc anh ấy nghĩ rằng tôi đang làm", người đàn ông bày tỏ.
Anh đang giống như một triệu phú thời gian, theo Guardian.
Triệu phú thời gian
Được nhà văn Nilanjana Roy nêu ra lần đầu năm 2016 tại một chuyên mục trên tờ Financial Times, các "triệu phú thời gian" đo lường giá trị của họ không phải bằng các yếu tố tài chính mà là theo giây, phút, giờ họ lấy được từ công việc để nghỉ ngơi và giải trí.
"Tiền bạc có thể mang lại sự thoải mái và an toàn. Nhưng tôi ước chúng ta được dạy phải coi trọng thời gian của mình như coi trọng tiền bạc, bởi cách ta sử dụng từng giờ, từng ngày là cách ta sử dụng cuộc sống".
Đại dịch đã tạo ra một nhóm triệu phú thời gian mới.
Trong khi Anh và Mỹ đang chìm trong khủng hoảng lực lượng lao động, thì một cuộc khảo sát gần đây cho thấy hơn 56% người thất nghiệp không chủ động tìm kiếm một công việc mới.
Theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, nhiều người không quay trở lại công việc từng làm trước đại dịch, hoặc nếu có, họ yêu cầu làm việc tại nhà.
Đại dịch khiến nhiều người đánh giá lại thái độ với công việc và xem liệu có thể có được cuộc sống ít sinh lợi vật chất hơn nhưng hài lòng hơn hay không.
Đại dịch khiến không ít người có cơ hội dành nhiều thời gian hơn cho bản thân thay vì chạy theo công việc như thường ngày. Ảnh: Kidadl. |
"Tuần trước, tôi lên tàu lúc 7h sáng. Một số chàng trai ngồi bên cạnh tôi bắt đầu lấy ra chiếc máy tính xách tay và xấp giấy tờ. Tôi nghĩ: 'Chưa đến văn phòng mà họ đã bắt đầu làm việc, đó hẳn là điều quan trọng nhất với họ'. Tôi cảm thấy tiếc cho họ", Samuel Binstead (29 tuổi, chủ cửa hàng cà phê tại Sheffield) nói.
Binstead cũng từng là người nghiện công việc. Trước đại dịch, anh điều hành một quán rượu ở trung tâm Sheffield, làm việc từ 10h đến 1h hôm sau, 5 ngày/tuần. Vào những ngày nghỉ, anh làm các công việc liên quan đến giấy tờ.
"Tôi không nghĩ mình nhận ra bản thân kiệt sức đến mức nào. Tôi dùng công việc để đối phó với công việc, đó dường như là lựa chọn duy nhất của tôi". Mẹ Binstead không thèm mời con trai đến dự tiệc sinh nhật lần thứ 50 của bà bởi biết rằng anh sẽ bận.
Khi đại dịch ập đến, cảm giác nhẹ nhõm tràn ngập Binstead.
"Nó đã thay đổi hoàn toàn mối quan hệ của tôi với tiền bạc. Đối với tôi, thời gian ở nhà quý giá hơn rất nhiều".
Tháng 9/2020, Binstead đóng cửa quán rượu và chuyển sang kinh doanh nhỏ hơn. Anh bán cà phê vào buổi sáng, đóng cửa vào giờ ăn trưa. Doanh thu giảm 75%. Vào các buổi chiều, anh tập chụp ảnh hoặc gặp gỡ bạn bè. Anh không còn mục tiêu nghề nghiệp.
"Tôi chỉ muốn tiếp tục những gì đang làm, sống cho hiện tại. Tôi cảm giác mình hạnh phúc gấp 100 lần so với trước đây".
Học cách thay đổi
Tất nhiên trong hoàn cảnh hiện nay, làm việc ít hơn không phải là một lựa chọn dành cho những người lao động có mức lương tối thiểu đang đối mặt cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hay các bậc cha mẹ đang vật lộn để nuôi con.
Isaac Fitzgerald, nhà văn sống ở New York, nói: "Tôi muốn thật rõ ràng. Tôi rất may mắn. Tôi 38 tuổi, không con cái, tôi hiểu thế nào là xa xỉ khi có thể dành 3,5 tiếng trong ngày để đi dạo".
Fitzgerald mô tả mình là một triệu phú thời gian. Anh bắt đầu dự án đi dạo sau khi nhận ra đã sống ở New York 7 năm mà hầu như không biết gì về thành phố. Quãng nghỉ trong đại dịch đã giúp anh mở ra khung cảnh mới để khám phá.
Trước đại dịch, Fitzgerald thường làm việc 80 giờ mỗi tuần. Hiện, anh giảm thời gian xuống còn 30 giờ, thu nhập cũng giảm 50%. Tài sản lớn nhất của anh hiện là thời gian và cũng là thứ anh bảo vệ cẩn thận.
Lực lượng lao động của Vương quốc Anh đang đối mặt sự căng thẳng, làm việc quá sức và bị trả lương thấp. Ở châu Âu, người Anh là nhóm làm việc nhiều giờ nhất, tương đương thêm 2,5 tuần không lương trong 1 năm.
"Không phải đã đến lúc đặt câu hỏi về cái hệ thống đang đẩy quá nhiều người vào những công việc không an toàn, lương thấp và thời gian làm việc quá nhiều sao?", nhà văn Nilanjana Roy nhận xét.
Không phải ai cũng có thể dễ dàng bỏ các mục tiêu tài chính để dành thời gian hưởng thụ cuộc sống. Ảnh: Fabio Principe. |
Tuy nhiên, tách biệt giá trị bản thân khỏi các tài khoản ngân hàng, chức danh trên danh thiếp không phải lúc nào cũng dễ dàng. Lòng tự trọng của nhiều người bị ràng buộc với công việc của họ.
"Luôn có sự nghi ngờ dai dẳng ở đây. 'Mọi người có nghĩ là tôi lười biếng không?'. Xã hội chúng ta tôn vinh làm việc quá sức như là biểu hiện của sự cống hiến, đạo đức tuyệt vời. Nó len lỏi vào mọi thành phần trong xã hội, vào nền văn hóa hối hả này. Nếu bạn không bận rộn hoặc không cố gắng hết sức, bạn sẽ có thể là người kém cỏi hơn".
Kết quả là, nhàn hạ đã trở thành một từ đáng sợ.
Tuy nhiên, nhiều lời kêu gọi chấm dứt tình trạng đâm đầu vào làm việc quá sức đang đạt được sức hút: các chiến dịch làm việc 4 ngày/tuần đều đang xuất hiện ở cả Anh và Mỹ.
"Tôi không chắc mình thích khái niệm 'triệu phú thời gian' bởi vẫn nghe có vẻ kinh tế và mang tính giao dịch. Điều tôi thích là việc nhận ra sự khan hiếm thời gian và tầm quan trọng của nó. Rốt cuộc, chúng ta chẳng thể tích lũy thời gian hay đầu tư và xem nó phát triển như thế nào", Alex Pang, một nhà văn, nói.