Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những triệu phú nuôi bò ở Bến Tre

Tận dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương, nhiều hộ nông dân ở Bến Tre đã có thêm thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ việc phát triển chăn nuôi bò thịt.

Tận dụng từng cọng rơm...

Về huyện Ba Tri (Bến Tre) những ngày này đều rất dễ nhận ra hầu như nhà nào cũng có 1-3 cây rơm trong sân. Hỏi ra mới biết rơm không phải dùng để đun nấu mà là nguồn nguyên liệu quan trọng cho nghề nuôi bò của người dân ở đây. Chị Nguyễn Thị Kim Loan, xã Mỹ Chánh, cho biết thay vì đốt bỏ như ở nhiều địa phương khác, tại Ba Tri rơm được coi như một loại hàng hóa có giá trị. Hiện giá bán rơm tại ruộng đang là 800.000 đồng/công (gặt tay) và 1 triệu đồng/công (gặt máy), đắt hơn 100.000-200.000 đồng/công so với năm ngoái. Nhờ nghề nuôi bò mà giá trị của một công đất trồng lúa tại Ba Tri tăng mạnh so với các địa phương khác, bởi tiền bán rơm bằng 30% so với tiền bán lúa.

Bò thịt của nhiều hộ dân ở Bến Tre đạt trọng lượng 700-800 kg/con. Trong ảnh: bò nhà ông Nguyễn Văn Nho ở xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri.
Bò thịt của nhiều hộ dân ở Bến Tre đạt trọng lượng 700-800 kg/con. Trong ảnh: bò nhà ông Nguyễn Văn Nho ở xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri.

Dẫn chúng tôi đi thăm đàn bò sau nhà, chỉ vào một con bò đực to lớn như bò tót, chị Kim Loan cho biết con bò này 19 tháng tuổi, có trọng lượng khoảng 700kg, thương lái đang trả 47 triệu đồng mà chị chưa bán. Hơn mười năm gắn bó với nghề trồng lúa, nuôi bò, chị Kim Loan kể trước đây trồng lúa chỉ đủ ăn, nhưng nghề nuôi bò thịt đã đem lại đời sống khấm khá cho gia đình chị và nhiều gia đình khác tại địa phương. Trong chuồng nhà chị Loan hiện còn sáu con bò cả đực lẫn cái vì vừa bán đi bốn con bò thịt để xây nhà, mỗi con nặng trên dưới 600kg, được hơn 40 triệu đồng/con. Chỉ căn nhà khang trang rộng rãi gần như đã hoàn thành, chị Kim Loan tự hào kể: “Mất trên 400 triệu đồng mới làm được cái nhà này, cũng nhờ bán mấy con bò chứ trồng lúa thì khi nào mới xây được”.

Gần nhà chị Kim Loan, ông Đặng Trường Đa, 57 tuổi, là giáo viên tiểu học tại địa phương, cũng khá thong dong khi nuôi trong chuồng sáu con bò đẻ. Đàn bò nuôi nhốt trong chuồng như nuôi heo chứ không chăn thả. Đây là đàn bò của cả gia đình nuôi cách đây cả chục năm theo hướng bò sinh sản. Mỗi năm ông Đa bán đi sáu con bê thu về trên 100 triệu đồng. “Nuôi bò nhàn và thu nhập cao hơn chăn nuôi heo, gà nhiều. Thức ăn chủ yếu là rơm tại địa phương nên dễ kiếm mà lại ít dịch bệnh. Bê giống ra tới đâu thương lái mua tới đó, chỉ lo không có hàng bán” - ông Đa cho hay.

Hàng chục ngàn hộ dân tại Ba Tri nói riêng và Bến Tre nói chung đều đang có cuộc sống khấm khá hơn từ nuôi bò bên cạnh làm lúa truyền thống. Mỗi gia đình tại đây nuôi từ 3-10 con bò để tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và làng nghề. Mỗi con bò thịt nuôi trong khoảng 18-20 tháng cho trọng lượng 500-700kg, không thua kém nhiều so với bò Úc nhập khẩu là một điều bất ngờ bởi bò thuần Việt trọng lượng chỉ khoảng 300-400 kg/con.

Ông Nguyễn Quốc Trung, phó giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bến Tre, cho biết đây là kết quả của chương trình cải tạo đàn bò giống của tỉnh Bến Tre trên mười năm qua. Chương trình này thực hiện song song cải tạo đàn bò cái nền và nhập ngoại giống bò siêu thịt từ Mỹ, Úc, Anh, Pháp... nhằm nâng cao chất lượng đàn bò tại địa phương. Trước đây người chăn nuôi chú trọng nhiều đến những đặc điểm bên ngoài như màu sắc, xoáy tích của bò khi chọn con giống, nay họ quan tâm nhiều đến chất lượng con giống cụ thể như: trọng lượng sơ sinh, tầm vóc lớn con, tăng trọng nhanh.

Hiện Bến Tre trở thành địa phương có tổng đàn bò lớn nhất vùng ĐBSCL với 155.000 con, trong đó riêng Ba Tri có 73.000 con, chất lượng đàn bò ngày càng được chú trọng như trọng lượng lớn trên 700 kg/con (đực), tốc độ tăng trọng nhanh từ 650-850g/ngày, tỉ lệ thịt xẻ cao từ 49-51%, chất lượng thịt tốt.

Chưa thể triển khai rộng

Theo tìm hiểu, nghề nuôi bò thịt ở Bến Tre giá trị kinh tế rất cao trong khi chi phí thức ăn và công sức chăn nuôi không nhiều. Phần chi phí lớn nhất là con giống vì bê 5-6 tháng tuổi đang được thương lái trong và ngoài tỉnh săn lùng với giá 18-20 triệu đồng mỗi con. Còn lại bò ăn chủ yếu là phụ phẩm như rơm rạ, bã hèm, cơm dừa là những sản phẩm sẵn có tại địa phương bởi Bến Tre là xứ dừa, còn Ba Tri có làng nghề rượu Phú Lễ nổi tiếng. Không chỉ vậy, nguồn phân bò cũng đem lại giá trị bất ngờ cho người nuôi. Thay vì lo xử lý môi trường, phân bò tại Ba Tri đem phơi khô, đóng bao rồi bán cho các nhà vườn ở Bình Thuận, Đồng Nai, Tây nguyên làm phân bón cho cây công nghiệp với giá 5.000-10.000 đồng/bao 10kg. “Tiền bán phân bò cũng đủ tiền mua rơm nên coi như nuôi bò chỉ tốn công và cám dừa, bã hèm khi vỗ béo” - chị Kim Loan cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Trung cho rằng, nghề nuôi bò tại Ba Tri vẫn chủ yếu theo hướng sản xuất con giống cung cấp cho các địa phương khác thay vì nuôi hướng thịt. Tốc độ tăng trưởng đàn bò vài năm trở lại đây chậm lại do đã đạt tới ngưỡng. “Nuôi bò tốn nhiều thức ăn, vì vậy ngay tại Ba Tri lượng phụ phẩm nông nghiệp của địa phương vừa đủ cho đàn bò hiện tại nên cũng khó gia tăng số lượng” - ông Trung phân tích.

Theo tính toán, một con bò ăn hết một công rơm (1.000m2) chỉ trong vòng một tháng. Với việc trồng lúa 2-3 vụ/năm thì cần tới 4.000-6.000m2 đất trồng lúa mới đủ nuôi một con bò. Một hộ gia đình nuôi bò với quy mô mười con phải cần tới quỹ đất 4-6ha lúa hoặc trồng cỏ là điều khó khăn ngay cả tại vùng ĐBSCL - nơi có diện tích đất bình quân nông hộ cao so với trung bình cả nước. Việc mua rơm từ các địa phương khác cũng được người nuôi bò tính đến nhưng giá thành cao và chất lượng không đảm bảo nên chưa triển khai trên diện rộng.


 

http://tuoitre.vn/Kinh-te/605353/nhung-trieu-phu-nuoi-bo.html

Theo Tuổi trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm