Những trẻ em bị bán, lạm dụng và giết hại vì chiến tranh ở Afghanistan
Thứ hai, 25/3/2019 06:03 (GMT+7)
06:03 25/3/2019
Cuộc chiến 17 năm ở Afghanistan gây hậu quả đặc biệt nặng nề với trẻ em nước này. Theo Liên Hợp Quốc, hàng nghìn trẻ em ở đây đã bị giết hại, hiếp dâm hoặc phải ra đường kiếm sống.
Chiến tranh buộc gia đình anh Mohammad Khan, dân làng từ tỉnh Sar-e-pul, phía bắc Afghanistan, phải chuyển đến tỉnh Balkh vào năm 2018, họ nhanh chóng rơi vào cảnh túng quẫn hơn. Vợ anh Khan bị bệnh nặng, còn anh không thể tìm được việc làm và phải vật lộn để nuôi 7 đứa con. Vì vậy, vào tháng 1, Khan đã bán đứa con mới chỉ 40 ngày tuổi cho một người hàng xóm. "Tôi đã bán con cho anh ta với giá 70.000 đồng Afghani (920 USD) để những đứa con còn lại của tôi không chết đói", anh nói với Reuters.
Với hơn một nửa dân số dưới 15 tuổi, Afghanistan đã phải trải qua cuộc chiến tranh kéo dài 17 năm với hàng loạt hậu quả nặng nề đối với trẻ em. Thống kê cho thấy 927 trẻ em đã bị giết hại vào năm 2018, con số lớn nhất từng được ghi nhận, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố hồi tuần trước. Các nhân viên viện trợ cho biết họ phải chứng kiến ngày càng nhiều trẻ em Afghanistan trở thành trẻ mồ côi, bị buôn bán, bị hiếp dâm hoặc buộc phải ra đường kiếm sống.
Adele Khodr, đại diện cho UNICEF, cơ quan vì trẻ em của Liên Hợp Quốc, ở Afghanistan, cho rằng "hy vọng từng tồn tại ở quốc gia này giờ đã không còn nữa". Aschiana, tổ chức từ thiện dạy học miễn phí cho trẻ em ăn xin và bán hàng trên đường phố Kabul, cho biết nhóm trẻ em thuộc diện cần hỗ trợ có nguy cơ tăng mạnh trong những năm gần đây khi tổ chức Hồi giáo Taliban chiếm được nhiều vùng lãnh thổ trên cả nước.
Kỹ sư Mohammad Yousef, giám đốc tổ chức Aschiana, cho biết nhóm đã không thể giúp đỡ nhiều trẻ em hơn do nguồn kinh phí tài trợ giảm. "Trẻ em không thuộc nhóm chính trị nào, vì lý do này, chúng bị gạt sang một bên ở Afghanistan. Trẻ em không có sức mạnh", ông nói. Trong ảnh, các cô bé Afghanistan tập múa truyền thống tại một trung tâm của tổ chức Giáo dục và Chăm sóc Trẻ em Afghanistan ở Kabul.
Cậu bé Zabiullah Mujahed, 12 tuổi, tham gia lớp học vẽ tại Aschiana và hy vọng trở thành họa sĩ. Ban ngày, cậu tranh thủ thời gian đi đánh giày trên đường phố Kabul để kiếm khoảng 100 đồng Afghani mỗi ngày. Số tiền này rất quan trọng để nuôi sống bản thân, mẹ và sáu anh chị em của Mujahed. Cha cậu bé bị giết trong vụ tấn công liều chết do Taliban thực hiện bốn năm trước. "Cháu rất lo lắng về việc khi nào mới có hòa bình và tương lai của cháu sẽ ra sao. Nếu cháu không làm việc, mẹ và các anh chị em cháu sẽ phải chịu đói", cậu bé nói với Reuters.
Trong 5 năm chính quyền Taliban cai trị, trẻ em gái bị cấm không được đến trường. Chính phủ mới do phương Tây và các đồng minh hậu thuẫn hiện nay coi việc cho trẻ em gái được học hành là mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, khoảng 3,7 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học ở nước này vẫn chưa được đến trường. "An ninh bất ổn, nghèo đói và tình trạng di cư ngày càng tồi tệ khiến công tác giáo dục cho trẻ em trở nên khó khăn hơn trong những năm gần đây", bà Khodr cho biết.
Najib Akhlaqi, giám đốc về vấn đề trẻ em của chính phủ Afghanistan, thừa nhận rằng cuộc sống của trẻ em ở đây đang trở nên tồi tệ hơn. "Tiến độ cải thiện rất chậm, nhưng chúng tôi vẫn đang tiến hànhbao gồm việc soạn thảo kế hoạch dài hạn cấp quốc gia để giúp đỡ trẻ em. Tôi chỉ là một cá nhân, Chúng tôi không thể giải quyết tất cả những vấn đề này. Phải mất một thời gian dài", ông nói.
Các nhóm viện trợ hoan nghênh tiến trình hòa bình, tuy nhiên cũng lo ngại việc để thành viên Taliban tham gia vào chính phủ thời kỳ hậu chiến có thể khiến nhiều luật lệ Hồi giáo hà khắc được áp dụng trở lại. "Taliban chưa bao giờ hỗ trợ trẻ em và mọi người. Tôi cho rằng chúng ta sẽ phải chứng kiện tình hình trở nên tồi tệ hơn", ông Shawtana Rasol, giám đốc điều hành của tổ chức Giáo dục và Chăm sóc Trẻ em Afghanistan, nói.
Rasol, cô bé mồ côi năm 8 tuổi sau khi cha bị Taliban giết hại, lo lắng về hoạt động của các trại trẻ mồ côi do cô điều hành dưới thời chính phủ Taliban. "Tại đây, chúng tôi đang nuôi dạy những cô gái rất mạnh mẽ. Chúng tôi muốn các cô gái được giáo dục, trở thành giáo viên, bác sĩ, nhưng tất nhiên Taliban và những người theo trào lưu chính thống không muốn điều đó", Rasol nói.
Người phát ngôn của Taliban, Zabihullah Mujahid, cho biết nếu hiệp định hòa bình được ký kết, Taliban sẽ khuyến khích các tổ chức phi chính phủ tiếp tục hoạt động ở nước này, nhưng phải được kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo các hoạt động phù hợp với những giá trị văn hóa và tôn giáo. Yousef, giám đốc Aschiana, lo ngại nếu Taliban có ảnh hướng lớn hơn tại Afghanistan, phụ nữ sẽ không được làm việc và nhiều trẻ em sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm. "Hòa bình rất quan trọng đối với trẻ em. Tuy nhiên, chúng tôi đang tìm kiếm hòa bình thực sự", ông Yousef nói.
Taliban bắt sống 150 binh sĩ Afghanistan khi họ cố gắng chạy qua biên giới Turkmenistan, cho thấy sự yếu kém của quân đội nước này trong cuộc chiến kéo dài với phiến quân.
100 binh sĩ được cho là đã vượt biên sang Turkmenistan sau tấn công dồn dập từ phiến quân nổi dậy Taliban. Hiện chưa rõ số phận của các lính Afghanistan này ra sao.
Ông Trump hôm 22/12 tiết lộ “bản xem trước” về nhiệm kỳ thứ 2 thông qua bài phát biểu dài 90 phút, chủ yếu nhắc tới vấn đề nhập cư, biên giới, chủ nghĩa thức tỉnh và kênh đào Panama.