Ai từng ghé thăm trang trại bò sữa của Vinamilk cũng đều ấn tượng trước bầu không khí thoáng đãng, màu xanh bao phủ bạt ngàn và hơn cả là câu chuyện về hành trình bền vững của thương hiệu sữa có lịch sử phát triển gần nửa thế kỷ.
Là doanh nghiệp sữa hàng đầu ở Việt Nam, Vinamilk nhận thức rõ tầm ảnh hưởng, vai trò của mình đối với cộng đồng và sự phát triển bền vững của xã hội. Sự thành công của một thương hiệu không chỉ là những con số tài chính, mà còn ở giá trị đem lại cho người tiêu dùng, môi trường và xã hội.
Đó cũng là lý do từ lâu, phát triển bền vững dựa trên cơ sở bảo đảm hài hòa các lợi ích kinh tế, lợi ích của người lao động và bảo vệ môi trường đã trở thành tôn chỉ hoạt động của thương hiệu. Mục tiêu “xanh hóa” không chỉ ở chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường, mà còn thể hiện trong việc Vinamilk đầu tư xây dựng hệ thống trang trại quy mô. Greenfarm Tây Ninh và Organic Đà Lạt (Lâm Đồng) là hai trong số nhiều trang trại của Vinamilk được đầu tư bài bản với quy trình chăn nuôi hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nằm trong vùng khí hậu nắng nóng quanh năm, nhiều nơi ở Việt Nam không đủ điều kiện tự nhiên thuận lợi để chăn nuôi bò sữa. Tạo ra những trang trại chăn nuôi bò sữa vốn đã nhiều thử thách, việc theo đuổi và hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững tại những trang trại này lại càng đòi hỏi ý chí bền bỉ, sự nỗ lực, không bỏ cuộc của doanh nghiệp. Với Vinamilk, nỗ lực ấy đã “thành hình” trên mảnh đất rộng 685 ha tại Tây Ninh.
Chúng tôi nhận lời mời đến Green Farm vào một ngày nhiều nắng - vốn là “đặc sản” của vùng đất miền Đông Nam Bộ này. Sau hơn 2 tiếng di chuyển trên những con đường đầy khói bụi, trang trại rộng hàng trăm hecta đón đoàn tham quan với màu xanh non bạt ngàn của cánh đồng cỏ, lúa, cây cối trải dài hai bên đường, khác xa tưởng tượng về một Tây Ninh khô cằn, nóng bức quanh năm.
Anh Trần I Giôn - Giám đốc trang trại Green Farm Tây Ninh - trực tiếp đón tiếp đoàn. Vị giám đốc trẻ đưa chúng tôi đến tham quan nhiều khu vực và giải thích tường tận khi được hỏi về quá trình xây dựng, phát triển trang trại rộng lớn này. “Vài năm trước, nơi đây chỉ là một vùng đất khô cằn, um tùm cỏ tranh. Mùa nắng kéo dài nhiều tháng trong năm, nhiệt độ bức xạ cao không hề thuận lợi cho chăn nuôi bò sữa - vốn chỉ cho năng suất cao khi sống tại vùng có khí hậu ôn đới, mát mẻ”, anh Giôn hồi tưởng.
Vậy mà hiện tại, vùng đất khô cằn với um tùm cỏ tranh ấy đã thay lớp áo mới tràn đầy sức sống với 10 hồ nước điều hoà sinh thái tạo thêm cảnh quan đẹp mắt cho trang trại. Quen sống giữa phố thị nhộn nhịp, tôi dễ dàng cảm nhận không khí trong lành, mát mẻ nơi đây hoàn toàn khác biệt với sự đông đúc, khói bụi của thành phố.
Bên cạnh môi trường sống lý tưởng, trang trại Greenfarm Tây Ninh trang bị loạt công nghệ chăn nuôi hiện đại bậc nhất, biến nơi đây thành một resort tiện nghi - nơi các cô bò được đảm bảo luôn sạch sẽ, thoải mái như đi nghỉ dưỡng.
Không gian sống lý tưởng cho hơn 8.000 cá thể bò sữa hiện tại chính là kết quả từ bàn tay khối óc của đội ngũ nhân viên thương hiệu sữa Việt. Song song ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại tối ưu hóa quy trình sản xuất, những ngày đầu, các nhân viên, công nhân Vinamilk phải tự tay cải tạo từng thửa đất, chăm sóc đàn bò, tìm cách xây dựng nguồn cung thực phẩm bền vững, xử lý chất thải đạt chuẩn để tái sử dụng một cách hiệu quả nhất trong vòng tuần hoàn tại trang trại.
Chiếc xe điện lướt êm ru trên những con đường nội khu, xung quanh là cánh đồng lúa đang vào đòng với mùi thơm cốm sữa thoang thoảng khiến những vị khách thêm thích thú. Anh Giôn hào hứng chỉ tay về phía cánh đồng lúa ST25 rộng hơn 200 ha, trồng hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ. Đây là năm thứ 2 trang trại này trồng thành công giống lúa từng được mệnh danh ngon nhất giới trên nền đất sét pha cát cằn cỗi. “Đầu ra của chăn nuôi được coi là “vàng đen” của ngành trồng trọt. Chúng tôi xử lý chất thải của đàn bò để tưới tiêu, bón ruộng, tăng độ phù sa, mùn và mang đến dinh dưỡng cho cây trồng”, anh Giôn nói.
Nhìn lại thành quả mà mình cùng đồng nghiệp dày công chăm bón, anh Vũ Quỳnh - kỹ sư nông nghiệp tại Green Farm - hãnh diện vì góp phần làm ra những hạt gạo ST25 hữu cơ trên mảnh đất này. Nghề trồng lúa phải nương theo thời tiết, canh tác bằng phương pháp bình thường vốn khó, theo chuẩn hữu cơ càng vất vả bội phần. Thành phẩm chất lượng, thu hoạch thành công trên mảnh đất khô cằn là điều mà vài năm trước chính anh Quỳnh cũng không nghĩ mình làm được.
Vừa cải tạo đất, vừa trồng lúa hữu cơ là giai đoạn vất vả bậc nhất. Thời gian đầu, chỉ cần nắng vài cơn là đất nứt nẻ, trời mưa, đất lại ngập sình lầy, rất khó làm nông nghiệp. Công nghệ, kiến thức đem về từ nước ngoài chưa thể phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam. Trồng trọt theo phương pháp hữu cơ đồng nghĩa không dùng phân hoá học, không phun thuốc trừ sâu, không sử dụng chất có hại cho môi trường, chỉ dùng chế phẩm sinh học từ vôi, ớt, giấm... Sau mỗi lần thử rồi thất bại, nhân viên ở đây đã biết làm cách nào để “hoa mọc trên đá”.
Thời điểm bắt đầu, anh Giôn, anh Quỳnh ước chừng 4-5 năm sau, mảnh đất này mới được cải tạo hoàn toàn và trở nên màu mỡ. Nhưng giờ đây, chỉ sau hơn nửa chặng đường, khi nhìn đồng lúa trĩu hạt, những người gắn bó với trang trại hoàn toàn có thể vững tâm bước tiếp con đường đã chọn, đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng bền vững, đem lại lợi ích thực tế cho người dân, cộng đồng và xã hội.
Rời Green Farm với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường đến với mảnh đất cao nguyên thơ mộng Đà Lạt (Lâm Đồng). Khác với Tây Ninh, xứ sở sương mù quanh năm mát mẻ này có lợi thế rõ nét - khí hậu phù hợp cho sự phát triển của bò sữa. Quả thật, khó nơi nào “lý tưởng” để xây dựng trang trại organic hơn vùng cao nguyên do bác sĩ Alexandre Yersin khai phá vào năm 1893. Ngoài khí hậu, nơi đây được thiên nhiên ban tặng điều kiện tự nhiên lý tưởng như nguồn đất nhiều khoáng chất và dinh dưỡng tầng sâu, cùng những mạch nước ngầm trong lành.
Song, để có trang trại chuẩn organic hoàn toàn như hiện tại, thương hiệu sữa Việt mất không ít thời gian. “Vinamilk dành 3 năm cho việc chuyển đổi, trả đất về trạng thái thuần tự nhiên nhất: Không hóa chất, không thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học”, anh Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt - nói. Đó là nền móng xây dựng “ngôi nhà lý tưởng” cho đàn bò sữa organic đang mở ra trước mắt những vị khách lần đầu có cơ hội chiêm ngưỡng.
Sau quá trình cải tạo, vùng đất tại đây trở lại màu mỡ và loại bỏ hoàn toàn các loại hóa chất trồng trọt, là điều kiện lý tưởng để gieo trồng cỏ organic Mombasa và Seedmix giàu dinh dưỡng nhập khẩu từ Australia làm thức ăn cho bò. Hai giống cỏ này được lựa chọn do khả năng chống chọi mầm bệnh và sâu mọt. Từ đó, không cần sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hoá học, những cánh đồng cỏ vẫn tốt tươi mơn mởn.
Ngoài nguồn thức ăn 100% organic, hàng trăm cô bò sữa organic thuần chủng được lựa chọn kỹ càng theo phả hệ 3 đời, có hệ thống miễn dịch tốt và khả năng kháng bệnh cao, được yêu thương chăm sóc bằng những gì tự nhiên nhất. Để tăng cường sức đề kháng, khả năng kháng bệnh cho đàn bò tại đây mà không sử dụng hormone tăng trưởng hay thuốc kháng sinh, trang trại Organic của Vinamilk tại Đà Lạt dành hẳn một khu vườn thuốc nam điều trị cho bò với nhiều loại thảo dược như quýt trần bì, đinh lăng, ngũ da bì…
Với thời tiết thuận lợi và mô hình chăn nuôi tiên tiến của Vinamilk, các cô bò sữa có được môi trường sống thoải mái, sức khỏe ổn định để mỗi ngày lại cho ra dòng sữa mát lành, chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng cả nước.
Sự ra đời và phát triển của hệ thống trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm hay Organic là ví dụ tiêu biểu cho việc không ngừng đẩy mạnh mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường của Vinamilk. Việc đạt được các chuẩn quốc tế khắt khe này là khởi đầu của mô hình trang trại gần gũi với thiên nhiên - bước tiến của Vinamilk trên hành trình xanh với sản phẩm thân thiện môi trường, đồng thời giúp thương hiệu gặt hái thành quả đáng tự hào.
Cụ thể, năm 2021, Vinamilk với cụm trang trại bò sữa Vinamilk Đà Lạt trở thành một trong ba doanh nghiệp xuất sắc được trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố. Nhiều năm liền, doanh nghiệp được vinh danh tại các giải thưởng môi trường và phát triển bền vững nhờ sự nỗ lực và đầu tư vào các nhà máy, trang trại bò sữa hiện đại, đạt chuẩn quốc tế và thân thiện với môi trường, con người.
Trong lĩnh vực chăn nuôi - nông nghiệp, việc giảm tác động tiêu cực đến môi trường vốn nhiều thách thức, cần đầu tư bài bản, vận dụng linh hoạt các mô hình nông nghiệp tái tạo, kinh tế tuần hoàn. Điều này được thể hiện rõ trong quy trình sản xuất tại từng trang trại của Vinamilk.
Theo đó, hệ thống trang trại của Vinamilk ứng dụng dây chuyền thiết bị thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi nhập khẩu từ châu Âu. Hệ thống biogas công suất lớn được đầu tư vừa giúp biến chất thải thành phân bón hữu cơ cho cây trồng, cải tạo đất, vừa tận dụng khí đốt đun nóng nước thanh trùng sữa cho bê, sấy cỏ và phục vụ hoạt động của trang trại.
Tại Green Farm Tây Ninh, phòng sấy cỏ nằm cách khu vực chuồng trại không xa. Anh Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng phòng kỹ thuật tại Green Farm Tây Ninh, cho biết đây là thiết bị sấy cỏ hoạt động bằng năng lượng biogas đầu tiên trong hệ thống trang trại của Vinamilk.
“Trước kia, việc phơi cỏ ngoài trời thường bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết nắng, mưa. Giờ đây, cỏ khô được tạo ra nhờ máy sấy, công nhân cũng chủ động và đỡ cực hơn. Đặc biệt, thiết bị cho chất lượng cỏ tốt, bên trong vẫn giữ độ mềm, ẩm”, anh chia sẻ.
Cùng với đó, Vinamilk còn đưa vào sử dụng chế phẩm sinh học Nema1 - carbon hữu cơ từ Nhật Bản để xử lý, giải quyết gần như triệt để vấn đề mùi hôi trong chăn nuôi. Đều đặn mỗi tuần 2 lần, trang trại sẽ tiến hành phun xịt chế phẩm sinh học này khắp mọi ngóc ngách trang trại, nhằm giảm mùi hôi, hạn chế ruồi muỗi, diệt ấu trùng gây hại cho sự phát triển của đàn bò sữa.
Hướng đến phát triển bền vững, đặc biệt trong khía cạnh năng lượng, Vinamilk đã triển khai kế hoạch sử dụng năng lượng mặt trời tại 13 trang trại bò sữa trên cả nước và theo lộ trình sẽ tiếp tục triển khai trên các đơn vị khác trong công ty.
Nhân viên ở Green Farm Tây Ninh tự hào khi vừa tham gia sản xuất, vừa góp một phần trong công cuộc phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy nông nghiệp bền vững.
Ở vùng đất này, Vinamilk thực hiện mô hình liên kết với hộ nông dân, thu mua bắp, cỏ để làm thức ăn cho bò sữa, đồng thời hỗ trợ nguồn phân bón hữu cơ, góp phần cải thiện thu nhập cho các nông hộ trong khu vực. Những kỹ sư nông nghiệp của doanh nghiệp dốc sức tổ chức hướng dẫn người dân trong vùng canh tác, trồng trọt theo chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu Global G.A.P, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, phương pháp canh tác thân thiện với môi trường.
Góp sức trong việc tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, tốt cho sức khỏe người dùng cũng là niềm vui, niềm tự hào chung của nhân viên các trang trại trên cả nước. Với chị Trương Thị Ngọc Bình, nhân viên Vinamilk Organic Đà Lạt, công việc đang theo đuổi không chỉ là sinh kế mà còn có ý nghĩa bội phần khi mang những tác động tích cực đến môi trường sống.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lâm Đồng, gắn bó với trang trại từ ngày đầu thành lập, chị Bình trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất bền vững, cảm nhận rõ nét thay đổi tại mảnh đất nơi mình sinh ra, để từ đó thêm hiểu, thêm ý thức về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường sống cho mọi người.
Một trong những khía cạnh khác khắc họa tầm nhìn của Vinamilk trong việc phát triển trang trại xanh là thành quả đạt được trong đại dịch Covid-19. Quy trình chăn nuôi khép kín, thực hành nông nghiệp tái tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp bền vững giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đảm bảo duy trì chuỗi sản xuất, nguồn cung sản phẩm cũng như sinh kế cho người dân địa phương.
Nền tảng của những trang trại xanh không chỉ giúp Vinamilk giữ nhịp sản xuất, ổn định kinh doanh mà còn tăng sức mạnh thương hiệu trên trường quốc tế. Vừa qua, theo tổ chức Brand Finance (Anh Quốc), Vinamilk được xếp hạng là thương hiệu sữa giá trị lớn thứ 6 toàn cầu và là thương hiệu sữa tiềm năng nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt 2,8 tỷ USD.
Sau quá trình hoàn thành việc kiểm kê khí nhà kính tại các đơn vị năm 2022, trang trại bò sữa Vinamilk tại Nghệ An trở thành đơn vị đầu tiên đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS2060:2014 cùng nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An. Theo đó, Vinamilk cũng được xác nhận là công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có cả nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn này.
Những trang trại quy mô với màu xanh bạt ngàn, vừa áp dụng khoa học kỹ thuật, vừa chú trọng bảo vệ môi trường, tài nguyên cho thấy nỗ lực và sự tiên phong của Vinamilk hướng tới việc thực hiện cam kết của Chính phủ về việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị biến đổi khí hậu COP26 diễn ra tại Anh Quốc năm 2021.