Năm 2005, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm ra mắt, trở thành hiện tượng xuất bản. Cuốn sách đã lay động biết bao trái tim người đọc, nhất là thế hệ trẻ sinh ra trong thời bình. Những trang nhật ký trong trẻo đầy lý tưởng của cô gái tuổi 20 đã trở thành sự kiện văn hóa tiêu biểu.
Bìa sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm. |
Nhật ký Đặng Thùy Trâm được phát hành bản tiếng Anh với tên Last night, I dreamed of peace (Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình), được dịch ra các thứ tiếng Hàn Quốc, Anh, Thái Lan, Romania. Cuốn sách được ví như một Nhật ký Anne Frank của Việt Nam.
Trên dải đất hình chữ S sống trong hòa bình, phát triển hôm nay, vẫn còn lưu biết bao trang viết của những người lính chiến đấu, hy sinh trong thời chiến như nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
Trong nhiều năm qua, Đại tá, cựu chiến binh, nhà văn Đặng vương Hưng và các cộng sự đưa ra ý tưởng về bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam. Qua 16 năm thực hiện, bộ sách ra mắt gồm 4 tập, mỗi tập hơn 1000 trang khổ lớn.
Trên mỗi trang viết là những dòng tâm sự, suy tư, trăn trở, những con chữ thô ráp, và cũng không thiếu những ước mơ, hy vọng… Dù mang sắc thái nào, thì tất cả đều là trang viết chân thực, những trang nhật ký riêng tư chứa đựng nhiều thông tin, tư liệu quý báu về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước.
Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam. |
Với mong muốn giúp bạn đọc hiểu hơn về những trang nhật ký của anh hùng, chiến sĩ thời chiến, một buổi tọa đàm về bộ sách được thực hiện.
Chương trình có tên “Cầu nối quá khứ - hiện tại” được tổ chức lúc 10h ngày 6/6. Đây là một buổi tọa đàm online trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia tại địa chỉ https://book365.vn/.
Tham gia buổi tọa đàm là nhà văn Đặng Vương Hưng - Chủ biên bộ sách, cùng nhiều vị khách mời: Cụ Doãn Ngọc Trâm (96 tuổi, mẹ của anh hùng, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm); PGS.TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng; cựu chiến binh Trương Công Đạo; Đại tá, cựu chiến binh, nhà báo Ngô Văn Học; nhà giáo Trần Trung Hiếu...