Hàng trăm ha cam sành, chôm chôm, quýt đường... đang bị nông dân miền Tây phá bỏ, bởi sâu bệnh tấn công. Nhiều gia đình vay vốn ngân hàng để đầu tư, chưa kịp thu hoạch trả nợ giờ tiếp tục mang nợ.
Cam, bưởi, chôm chôm nhiễm bệnh không cứu được
Hậu Giang là tỉnh có diện tích trồng cam sành lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, thị xã Ngã Sáu, Ngã Bảy là 2 vùng trồng cam lớn nhất tỉnh. Bà Nguyễn Thị Tâm, ở ấp Phú Bình, xã Phú Hữu (Châu Thành, Hậu Giang) vừa đốn vườn cam trăm triệu cho biết, nhà nghèo, hàng ngày gia đình phải đi làm thuê để kiếm tiền mua gạo.
Bà kể, năm 2010, thấy nhiều vườn cam sành có thu nhập cao và đầu ra ổn định nên gia đình cũng làm liều lấy tiền dành dụm, chạy vay ngân hàng, mượn người quen đủ 100 triệu đồng để thuê 2 công đất trồng cam. Sau 3 năm trồng, vườn cho thu hoạch với sản lượng 5 tấn, trừ chi phí thu lãi trên 75 triệu đồng. Nhưng chỉ sau một năm thu hoạch, cam nhiễm bệnh toàn bộ, bà đành phải phá bỏ để trồng lại cây khác.
Nhiều nhà vườn ở miền Tây đang phải phá bỏ cả vườn cam. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Cũng lâm vào tình trạng nợ nần vì đốn cam, ông Huỳnh Văn Thôi, xã Tân Thành (Ngã Bảy) cho biết, để trồng 15 công cam, gia đình phải vay ngân hàng 50 triệu đồng, cộng với số tiền bao năm tích góp, với hy vọng được đổi đời. Nhưng chỉ 2 năm thu hoạch, vườn cam đã có triệu chứng bệnh vàng lá, thối rễ. “Cam bị bệnh nên năng suất giảm, giá bán lại thấp nhưng chi phí rất nặng. Gia đình tôi đành phá bỏ 13 công, chỉ còn lại 2 công để thu hoạch bán cam nước, chi tiêu gia đình”, ông Thôi nói.
Bà Võ Mỹ Lộc, ở ấp Kênh Mới, thị trấn Ngã Sáu thì cho biết: “Cam là loại cho thu nhập cao nên chặt bỏ rồi các nhà vườn đều muốn đầu tư lại. Với 16 công cam nhiễm bệnh, tôi mướn người cưa bỏ cũng trên chục triệu đồng. Giờ muốn trồng mới phải đổi đất thì khoảng 80 triệu nữa mà chưa tính chi phí đầu từ giống, phân bón… nhưng không biết sau 3 năm trồng có tái diễn cảnh cũ hay không".
Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho biết, diện tích trồng cam sành của huyện là 4.711 ha, tăng 161 ha so với năm trước. Trong đó diện tích nhiễm bệnh lên tới 1.100 ha, tập trung ở xã Phú Hữu, Đông Đông Phú, Đông Bình, thị trấn Ngã Sáu… tăng 200 ha so với năm 2013. Từ đây đến cuối năm, diện tích trồng mới tăng thêm khoảng 50 ha nữa.
Sâu đục quả bưởi đang phát triển mạnh ở các vườn Hậu Giang, Vĩnh Long. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Theo thống kê, toàn tỉnh Vĩnh Long có khoảng 200 ha chôm chôm bị nhiễm bệnh chổi rồng. Bà Nguyễn Thị Ánh, ấp Bình Thuận 2, xã Hòa Ninh trồng 3 công chôm chôm nói cho biết, nhà bà có 8 công nhãn bị bệnh chổi rồng nên đốn hạ 3 công chuyển sang trồng chôm chôm. Tuy vậy, cây chưa cho thu hoạch lại bị bệnh chổi rồng như nhãn. "Mấy tháng trời tưới nước, bón phân, xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ nhưng vườn cây lại nhiễm bệnh, có cây lên đến 100%. Mỗi năm, cây chỉ cho thu hoạch một mùa nhưng dính chổi rồng coi như mất trắng", ông Trần Anh Tuấn, cùng ở ấp Bình Thuận trồng 2 công chôm chôm 5 năm tuổi cho biết thêm.
Đốn bỏ nhãn, quýt vì không chữa được sâu bệnh
Còn ông Nguyễn Văn Bảnh cùng ấp 8, xã Long Trị, huyện Long Mỹ - Hậu Giang có 4 công quýt vừa đốn hơn phân nửa, cho biết, lúc đầu sâu bệnh chỉ xuất hiện trên một vài cây, nhưng sau đó lan ra cả vườn. Có kinh nghiệm trồng quýt 20 năm, ông Bảnh cũng không có cách nào để trị bệnh dứt điểm. Ông vừa phải đốn bỏ tổng cộng 400 cây. “Quýt còn hơn 2 tháng nữa mới thu hoạch mà giờ trái rụng ngày càng một nhiều. Nếu cứ như đà thế này thì vụ này coi như mất trắng. Vườn cây bị bệnh nặng chắc còn cách đốn bỏ để trồng lại cây mới, mới mong kiếm được 50 triệu trả nợ ngân hàng. Vừa đốn một vườn đã lỗ giờ lại càng lỗ thêm, ông chua xót nói.
Nhãn nhiễm bệnh, dân miền Tây đốn cây làm củi. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Ông Trần Văn Gọn, cũng ở ấp 8, có 15 năm kinh nghiệm trồng quýt cho biết, đã quyết định vay ngân hàng 50 triệu để phá vườn, lên liếp trồng quýt, nhưng chưa kịp thu hoạch vụ nào thì cây bị bệnh. Ông chia sẻ, để quýt phát triển và thu hoạch được nhiều năm nhà vườn thường để trái sau 3 năm trồng.
Nhưng hiện tại, vì dịch bệnh mà nhà vườn tiến hành phun thuốc kích thích cho cây ra hoa, đậu trái sớm để đẩy nhanh quá trình thu hoạch nhằm vớt vác phần nào chi phí đầu tư. “Vườn quýt của tôi đầu tư cả trăm triệu đồng mà chỉ sau gần 2 năm lại nhiễm bệnh vàng lá, trái vàng đầu và rụng, chỉ còn cách cho cây ra trái sớm để có thể kiếm được đồng nào hay đồng nấy trước khi đốn bỏ. Nhưng giờ quýt đang cho trái mà lá lại vàng, trái lại đỏ đít và rụng, chứ không thôi cũng bán được vài ngàn đồng/kg”, ông Gọn tâm sự.