Rải rác khắp thế giới là những tòa tháp, tòa nhà chọc trời bị bỏ hoang hàng chục năm qua. Có rất nhiều lý do được đưa ra, một số tòa nhà chỉ đơn giản là mất đi vị thế trong một thế giới thay đổi, trong khi số khác là nạn nhân của một cuộc suy thoái kinh tế hay xoay vòng chính trị.
Nhiều tòa nhà bị bỏ mặc hàng thập kỷ mà không một ai muốn thay đổi hay bỏ tiền ra cải tạo. Tương lai của các tòa nhà chọc trời nhưng không một bóng người này được cho là cực kỳ mờ mịt.
Tháp NOT, Ba Lan
Tháp NOT được xây dựng để trở thành trụ sở của Hiệp hội Kỹ sư Ba Lan. Chưa bao giờ được hoàn thiện, kiến trúc hoang vắng này còn được gọi với biệt danh là “bộ xương”. Bắt đầu xây dựng năm 1975, nhưng do tình trạng kinh tế và chính trị hỗn loạn khiến công trình bị trì hoãn vô thời hạn từ năm 1981.
Kể từ đó, tòa nhà cao nhất thành phố Krakow này vẫn đứng sừng sững và trống không, nhắc nhở mọi người về một kỷ nguyên hoàng kim mà các nhà lãnh đạo quốc gia khi đó hứa hẹn.
Mặc dù chủ sở hữu cũng vài lần thảo luận về tương lai của tòa tháp và việc tái sử dụng, nhưng trận chiến pháp lý tranh chấp quyền sở hữu nổ ra, khiến không có một giải pháp nào được thực tế hóa. Vì vậy, cho đến nay, “bộ xương” này được sử dụng như một tấm biển quảng cáo khổng lồ của thành phố.
Tháp truyền hình Yekaterinburg, Nga
Là công trình bỏ hoang cao nhất thế giới, tháp truyền hình Yekaterinburg được xây năm 1983 và ngừng năm 1991 trong tình trạng chưa hoàn thiện. Theo dự án, tòa tháp này có thể cao tới 400 m, nhưng nó mới đạt độ cao 220 m thì tạm ngừng cho đến nay.
Công trình khổng lồ này được xây dựng với dự định trở thành nơi trưng bày các thành tựu cộng sản của Liên bang Xô Viết. Nhưng với sự sụp đổ của Liên Xô, tháp Yekaterinburg đã phải ngừng xây dựng.
Giờ đây, tòa tháp 26 tầng nhưng không có thang máy này, đôi lần được nhắc đến như một “công trình nực cười” hay “tòa tháp tự tử” dành cho những ai chán sống. Sau nhiều sự việc như vậy, lối vào của tòa tháp đã bị chặn, và kế hoạch cải tạo Yekaterinburg thành một trung tâm văn hóa và giải trí cũng bị trì hoãn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Khách sạn Baker, Texas
Trong những năm đầu thế kỷ 20, các công dân ở Mineral Wells, Texas, phải tự mình ngăn chặn những người từ bên ngoài vào lợi dụng các giếng nước khoáng trong vùng. Giải pháp của họ là xây dựng một khách sạn nghỉ dưỡng sang trọng, nơi có đầy đủ các dịch vụ nước khoáng mà du khách có thể mua. Khách sạn Baker bắt đầu xây dựng năm 1926. Với độ cao 14 tầng, hơn 400 phòng và hai phòng khiêu vũ lớn, Baker mất ba năm để hoàn thành.
Trong những năm 1930, khu nghỉ dưỡng spa hàng đầu này là một địa điểm không thể bỏ qua của những ai giàu có và muốn nâng cao sức khỏe trên toàn nước Mỹ. Từ các nhạc sĩ tới những tổng thống tương lai, từ các diễn viên tới những kẻ sống ngoài phòng pháp luật, Baker đều nghênh đón họ. Khách sạn này còn thu được nhiều lợi nhuận trong thời gian xảy ra Thế chiến II, khi nhiều sĩ quan quân đội thấy được tiềm năng của nơi này.
Thế nhưng khi phong trào spa thoái trào vì y học hiện đại phát triển, khách sạn Baker bắt đầu bị suy thoái và chính thức đóng cửa từ năm 1972. Từng được xem là tòa nhà cao tầng thành công không thuộc một thành phố lớn, nhưng giờ đây khách sạn Baker lại trở thành một trong những địa danh ám ảnh nhất nước Mỹ. Tòa nhà được đăng ký để trở thành một di tích lịch sử từ năm 1982, nhưng cho đến nay vẫn trong quá trình xem xét.
Pécs Magashaz, Hungary
Thường được biết đến với tên gọi “High-rise of Pécs”, tòa tháp không người ở Hungary này là tòa nhà bỏ hoang cao nhất ở trung tâm châu Âu, với 25 tầng, cao 84 m. Được xây bởi Công ty Công nghiệp xây dựng quận Baranya năm 1976, Magashaz từng có 800 cư dân sinh sống trong hơn 10 năm, trước khi họ phát hiện rằng tòa nhà dần bị phân hủy từ bên trong. Lỗi kết cấu này là do phương pháp xây dựng từ những năm 1970.
Chính vì thế, giá trị sử dụng của Magashaz đã bị giảm theo thời gian. Cuối cùng, các cư dân ở đây phải sơ tán năm 1989, sau đó một vài kế hoạch cải tạo lại tòa tháp cũng không thể thực hiện được. Dù đã có lịch buộc dỡ bỏ trong năm 2014, nhưng đến nay tháp Magashaz vẫn đứng sừng sững.
Sathorn Unique, Thái Lan
Trở lại thời kỳ giữa những năm 1990, khi kinh tế Thái Lan tăng trưởng phi mã, các kiến trúc sư đã mơ tới một tòa nhà chọc trời nổi bật giữa thành phố. Nhưng khi châu Á trải qua cơn khủng hoảng kinh tế tồi tệ năm 1997, giấc mơ đó đã bị sụp đổ, khiến các công trình xây dựng bị dừng vô thời hạn. Và tòa tháp Sathorn Unique 49 tầng là một trong số không may mắn đó, phải trở thành một tòa nhà bỏ hoang, bị ma ám ngay giữa lòng thủ đô Bangkok.
Ngày nay, người dân bị cấm đi vào Sathorn Unique. Tuy nhiên, một số người liều mạng đã khám phá tòa tháp này và miêu tả Sathorn Unique như một vỏ đạn rỗng khổng lồ, với những chiếc lỗ lớn rải rác trên sàn nhà có thể trở thành cái bẫy chết người. Sathorn vẫn còn có một nhiệm vụ, đó là làm nơi căng vải bạt để treo quảng cáo.
Torre Abraham Lincoln, Brazil
Trong những năm 1960, khi Brazil tăng trưởng mạnh, một kế hoạch tham vọng do Lucio Costa và Oscar Niemeyer đề ra là xây dựng một khu chung cư sang trọng cao 76 tầng tại Barra da Tijuca, Rio de Janeiro. Tòa nhà này được gọi là Torre H.
Bắt đầu năm 1969, khi xây được 37 tầng, một loạt vấn đề bị đưa ra ánh sáng, như việc sử dụng vật liệu không đạt chuẩn, đe dọa sự thành công của dự án. Cơn ác mộng của chủ đầu tư đã biến thành sự thật, khi việc xây dựng bị ngừng năm 1972 do những lo ngại về sự an toàn của công trình.
Do không thể khôi phục được dự án, nhà đầu tư buộc phải chuyển giao quyền làm chủ cho các nhà đầu tư tư nhân, thế nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn. Trong suốt bốn thập kỷ qua, “người khổng lồ ngủ trong rừng” này vẫn hoàn toàn trống rỗng.
Tháp Piraeus, Hy Lạp
Piraeus, Hy Lạp là tòa nhà chọc trời duy nhất ở thành phố cảng Piraeus. Còn được gọi là Trung tâm thương mại Piraeus, tòa nhà khổng lồ bị bỏ hoang này cao 22 tầng, 84 m đã “ám” thành phố cảng này mấy chục năm nay.
Bắt đầu xây dựng năm 1972 nhưng chưa bao giờ hoàn thiện, tháp Piraeus từng được hy vọng sẽ trở thành biểu tượng phát triển và trung tâm thương mại lớn của thành phố.
Tháp Plaza, Mỹ
Công trình 45 tầng với phần mái nấm ở bang New Orleans này đã bị bỏ không từ năm 2002. Xây từ năm 1964, tòa tháp đã bị dừng một vài lần trong quá trình xây dựng. Mặc dù có một vị thế đắc địa, nhưng tháp Plaza không được bảo trì một cách hợp lý, thường xuyên gặp phải các vấn đề về nguồn nước, đất bị ô nhiễm. Cuối cùng, do quá sức chịu đựng, người dân đã đâm đơn kiện các chủ sở hữu tòa nhà năm 2001.
Những năm sau đó, 700 nhân viên làm việc trong tòa tháp đã phải di rời, Plaza bị niêm phong và tương lai vẫn mịt mờ cho đến tận bây giờ.