Việt Nam có hơn 74 triệu người dùng sử dụng ứng dụng liên lạc Zalo. Trong một phép so sánh tương đối, dân số của Việt Nam là 99,46 triệu người (tính đến tháng 12/2022). Như vậy, ước tính số người dùng nền tảng nhắn tin này chiếm đến hơn 74%.
Là ứng dụng nhắn tin phổ biến và được yêu thích hàng đầu Việt Nam, Zalo thường xuyên nghiên cứu, cập nhật những tính năng phục vụ người dùng ở mức tối đa, đặc biệt với khía cạnh riêng tư, bảo mật.
Tin nhắn tự xóa
Tin nhắn tự xóa trên Zalo là một trong những phương thức bảo vệ quyền riêng tư được người dùng được ưa chuộng. Với tính năng này, người dùng có thể chủ động bảo vệ quyền riêng tư những cuộc hội thoại quan trọng bằng tin nhắn tự xóa sau 1, 7 hay 30 ngày theo nhu cầu cá nhân. Sau khi bật tính năng này, đồng hồ đếm ngược dưới mỗi tin nhắn trong cuộc hội thoại sẽ nhắc nhở người dùng về sự quan trọng của những thông tin đang trao đổi.
Tin nhắn tự xóa trên Zalo giúp người dùng bảo vệ quyền riêng tư tối đa. |
Là người quan tâm đến quyền riêng tư trên không gian mạng, anh Nguyễn Tuấn (TP.HCM) cho biết: “Với những thông tin quan trọng, tôi chỉ có nhu cầu trao đổi trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó sẽ thu hồi. Bằng tin nhắn tự xóa của Zalo, tôi chỉ cần bật lên mà không mất thời gian thu hồi thủ công từng nội dung, qua đó tiết kiệm thời gian và yên tâm hoàn toàn”.
Tin nhắn tự xóa sẽ được xóa vĩnh viễn và không thể được khôi phục ngay cả khi tắt tính năng. Tính năng này được phát triển trên cả phiên bản điện thoại và máy tính.
Rời nhóm không làm phiền các thành viên
Tính năng này cho phép người dùng rời các nhóm tin nhắn trên Zalo mà không thông báo cho những thành viên khác. Với việc cho phép rời nhóm đồng thời chặn người khác mời lại, người lạ sẽ không thể trực tiếp thêm bạn vào nhóm, mà phải gửi lời mời và chờ chấp nhận.
Tính năng chặn người lạ thêm vào các nhóm được nhiều người dùng ưa chuộng và thường xuyên thiết lập. Đây là tình trạng thường xuyên gặp phải khi sử dụng các ứng dụng nhắn tin.
Các tính năng riêng tư được nhiều người dùng ưa chuộng. |
Ngoài ra, để hạn chế được đến mức tối thiểu các tin nhắn làm phiền hay muốn bảo vệ thông tin cá nhân, người dùng có thể cài đặt “Chặn xem nhật ký” hoặc “Chặn người lạ nhắn tin/gọi điện” trong mục “Cài đặt” và chọn “Quyền riêng tư”. Có thể nói, bên cạnh đảm bảo tối đa quyền riêng tư, Zalo còn đầu tư vào bảo mật để giúp người dùng yên tâm khi sử dụng nền tảng này.
Mã hóa đầu cuối E2EE
E2EE (End-to-End Encryption) - mã hoá đầu cuối - được hiểu đơn giản là phương thức mã hóa để chỉ người nhận và người gửi mới có thể đọc thông điệp được gửi đi. Phương thức mã hóa này đảm bảo ngay cả khi cố tình tấn công luồng tin nhắn, hacker vẫn không đọc được nội dung gửi đi của người dùng.
Qua E2EE, mọi định dạng tin nhắn Zalo (văn bản, hình ảnh, video, tập tin...) đều được mã hóa thành các dãy ký tự ngẫu nhiên, không mang ý nghĩa và chỉ được giải mã trực tiếp trên thiết bị người nhận.
Tính năng này được Zalo xây dựng và phát triển dựa trên giao thức mã nguồn mở Signal Protocol. Đây là giao thức quốc tế được hầu hết ứng dụng nhắn tin hàng đầu thế giới sử dụng cho E2EE. Nhiều chuyên gia công nghệ uy tín toàn cầu cũng đã kiểm định và bảo chứng về chất lượng, độ bảo mật của Signal Protocol trong nhiều năm qua.
Với mã hóa E2EE, chỉ thiết bị của người gửi và người nhận mới đọc được nội dung tin nhắn. |
Khi người dùng gửi đi một tin nhắn, ngay lập tức nội dung này được mã hóa thành ký tự (ví dụ: AxP/Hn8hkhs-u10smIytTT=QQ). Sau đó, đoạn mã được giữ nguyên trong suốt quá trình truyền gửi và chỉ giải mã thành nội dung như ban đầu khi đến máy người nhận. Tính năng này đang được áp dụng cho tin nhắn cá nhân. Với nhóm trò chuyện tối đa 10 người, Zalo đang thử nghiệm và mở giới hạn cho một số người dùng thử.
Để thiết lập tính năng mã hóa trò chuyện trên Zalo, người dùng chỉ cần bấm vào phần “Cài đặt” trên ứng dụng và chọn nâng cấp “Mã hóa đầu cuối”. Tính đến nay, E2EE có thể sử dụng cho cả phiên bản điện thoại và trên máy tính.
Bảo mật tài khoản
Để đảm bảo tài khoản được bảo mật tốt nhất, người dùng nên thường xuyên kiểm tra ứng dụng thông qua các tính năng:
Quản lý thiết bị đăng nhập: Cho phép xem lịch sử đăng nhập, hỗ trợ đăng xuất khỏi các thiết bị phụ hoặc không tin cậy. Để sử dụng tính năng này, người dùng vào mục “Bảo vệ tài khoản” và kiểm tra thông tin.
Bảo mật 2 lớp: Giúp người dùng tăng cường bảo vệ tài khoản bằng việc yêu cầu thiết bị di động xác nhận mỗi khi đăng nhập trên máy tính mới.
Khóa ứng dụng Zalo: Yêu cầu nhập mã mỗi khi mở ứng dụng.
Các tính năng bảo mật nâng cao của Zalo giúp người dùng yên tâm khi trao đổi thông tin. |
Có thể nói, nhu cầu trao đổi trực tuyến qua các ứng dụng nhắn tin nói chung và Zalo nói riêng đã trở nên không thể thiếu trong công việc cũng như đời sống hàng ngày. Do vậy, việc thường xuyên cập nhật và theo dõi các tính năng để bảo vệ quyền riêng tư, tính bảo mật là đặc biệt quan trọng trên không gian mạng.
Chị Lan Hương (quận 1, TP.HCM) chia sẻ: “Làm nghề kế toán, thường xuyên phải trao đổi các tài liệu quan trọng, tôi luôn cập nhật, tìm hiểu các tính năng riêng tư và bảo mật. Hai tính năng tôi thường sử dụng là mã hóa E2EE và tin nhắn tự xóa trên Zalo. Với 2 tính năng này, tôi hoàn toàn yên tâm, đảm bảo rằng chỉ có tôi và người nhận đọc được tin nhắn”.