Những tỉ phú giàu nhất làng công nghệ
Dù đánh mất ngôi vị người giàu nhất thế giới vào tay tỉ phú ngành viễn thông Mexico - Carlos Slim Helu, nhưng Bill Gates vẫn là ông vua trong làng công nghệ thế giới nếu xét về giá trị tài sản.
Tổng giá trị tài sản của 10 tỉ phú giàu nhất làng công nghệ thế giới trong năm 2009 vừa qua đã tăng 55,8 tỉ USD so với năm 2008, kết quả từ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Dưới đây là danh sách cụ thể 10 người giàu nhất thế giới công nghệ năm 2009, theo công bố của tạp chí danh tiếng Forbes:
1. Bill Gates (Tài sản: 53 tỉ USD)
Với 13 tỉ USD kiếm thêm được trong năm qua, nâng tổng trị giá tài sản lên 53 tỉ USD, Bill Gates vẫn là người đàn ông giàu nhất làng công nghệ thế giới. Số tài sản tăng thêm của Bill Gates trong năm 2009 đến từ những vụ đầu tư vào hệ thống khách sạn hạng sang Four Seasons, hay các công ty như Televisa và AutoNation. Ngoài ra, giá cổ phiếu Microsoft tăng 50% trong 12 tháng của năm trước cũng khiến tài sản của Bill Gates phồng to thêm đáng kể. Hiện nay, ông đã thôi không còn tham gia công việc điều hành hằng ngày tại Microsoft nữa mà tập trung vào các hoạt động của quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates.
2. Lawrence Ellison (28 tỉ USD)
Tài sản của nhà sáng lập ra hãng Oracle đã tăng thêm 5,5 tỉ USD, nhờ giá trị cổ phiếu của tập đoàn này tăng tới 70% trong vòng 12 tháng qua. Trong 5 năm trở lại đây, Oracle đã thôn tính cả thảy 54 công ty khác, trong đó có những thương vụ mới diễn ra gần đây như mua lại Sun Microsystems với giá 7,4 tỉ USD, hay mua lại BEA Systems với giá 8,5 tỉ USD trong năm 2008. Hiện tại, Lawrence Ellison còn đang sở hữu 52% cổ phần tại công ty phần mềm NetSuite, với giá trị quy đổi vào khoảng 480 triệu USD. Cũng như Bill Gates, Lawrence Ellison bỏ học giữa chừng đi kinh doanh. Ông xây dựng Oracle năm 1977 và niêm yết trên thị trường chứng khoán đúng một ngày trước Microsoft (năm 1986).
3. Sergey Brin (17,5 tỉ USD)
Đồng sáng lập Google đã có bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới năm qua, khi vươn lên thứ 24, nhờ giá trị cổ phiếu của hãng dịch vụ tìm kiếm tăng 70%, khiến cho tổng tài sản của Sergey Brin tăng lên 5,5 tỉ USD. Doanh thu của Google trong năm 2009 đạt 23,7 tỉ USD, hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trong năm nay sau khi hãng này cho ra mắt chiếc smartphone Nexus One chạy hệ điều hành Android trong tháng 1 vừa qua, đánh dấu sự lấn sân sang lĩnh vực điện thoại. Cùng với đó là việc ra mắt phiên bản nâng cấp của trình duyệt Chrome trong tháng 3. Sergey Brin là dân di cư từ Nga sang Mỹ, đã cùng Larry Page sáng lập nên Google.
4. Larry Page (17,5 tỉ USD)
Song hành cùng Sergey Brin, dĩ nhiên là nhà sáng lập còn lại của Google - Larry Page, khi cùng có tổng tài sản ngang bằng nhau và chia sẻ vị trí thứ 24 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Hiện nay, Google vẫn đang thống trị thị trường dịch vụ tìm kiếm trực tuyến, mặc dù đã bị Bing của Microsoft cạnh tranh quyết liệt và gặm nhấm chút ít thị phần.
5. Azim Premji (17 tỉ USD)
Tài sản của chủ tịch hãng phần mềm Ấn Độ Wipro đã tăng thêm 11 tỉ USD trong năm qua, giúp Azim Premji nhảy phốc từ vị trí thứ 83 lên 28 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Wipro của Premji hiện là hãng xuất khẩu phần mềm lớn thứ ba Ấn Độ, liên tiếp báo lãi lớn trong hai quý gần đây. Nhà tài phiệt này còn là chủ của quỹ từ thiện Azim Premji Foundation, đồng thời đang lên kế hoạch thành lập trường đại học mang tên Azim Premji University tại Ấn Độ. Tại diễn đàn kinh tế thế giới 2010 diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) tháng 1 vừa qua, Azim Premji sắm vai đồng chủ tọa. Hiện nay, con trai trưởng Rishad của Azim, sau khi tốt nghiệp đại học Harvard, đã về nắm giữ một vị trí Tổng Giám đốc trong Wipro.
6. Steve Ballmer (14,5 tỉ USD)
Nhờ giá trị cổ phiếu Microsoft tăng 50% trong năm 2009, tài sản của Ballmer cũng đã được cộng thêm 3,5 tỉ USD. Năm 2009, một trong những quyết định đáng chú ý nhất của Steve Ballmer trên cương vị Giám đốc Điều hành Microsoft là chấm dứt đàm phán mua lại Yahoo để tập trung đầu tư phát triển cỗ máy tìm kiếm. Hệ điều hành mới Windows 7 ra mắt tháng 10/2009 cũng được đánh giá cao hơn rất nhiều so với thế hệ trước - Windows Vista. Đầu năm nay, việc ra mắt hệ điều hành dành cho điện thoại di động - Windows Phone 7 cũng đã gây chú ý mạnh mẽ trong cộng đồng công nghệ thế giới.
7. Paul Allen (13,5 tỉ USD)
Giá trị tài sản của đồng sáng lập Microsoft tăng 3 tỉ USD trong năm qua. Sau khi rời khỏi hãng phần mềm số một thế giới, Allen đứng ra thành lập công ty mới mang tên Xiant, cung cấp sản phẩm có tên Filer giúp người sử dụng quản lý email trong Microsoft Outlook. Mặc dù không còn giữ ghế chủ tịch hãng viễn thông Charter Communications, nhưng Paul Allen vẫn nắm giữ 35% cổ phần tại đây.
8. Michael Dell (13,5 tỉ USD)
Mặc dù giá trị tài sản vẫn tăng 1,2 tỉ USD, nhưng ông chủ của hãng máy tính Dell vẫn bị tụt 12 bậc trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới, từ vị trí thứ 25 xuống thứ 37. Sau một thời gian ngừng công việc điều hành ở hãng Dell, Michael đã quay lại vị trí cũ và đang nỗ lực đưa Dell giành lại vị thế của một trong những hãng máy tính lớn nhất thế giới. Động thái mới nhất thể hiện nỗ lực đó chính là việc mua lại hãng dịch vụ công nghệ thông tin Perot Systems hồi tháng 11/2009. Vài tháng trước đây, Dell cũng đã ra mắt smartphone và máy tính bảng, đánh dấu sự lấn sân sang các lĩnh vực mới. Tuy nhiên, giá trị cổ phiếu của Dell đã bị sụt giảm gần 10% trong vòng 6 tháng gần nhất, và doanh thu của hãng năm 2009 cũng giảm 13%.
9. Jeffrey Bezos (12,3 tỉ USD)
Ông chủ trang mua bán trực tuyến Amazon.com đã kiếm thêm được 5,5 tỉ USD trong năm qua, nhờ cổ phiếu của Amazon tăng giá tới 100%. Thứ hạng trong danh sách tỉ phú giàu nhất thế giới của Bezos nhờ đó cũng được cải thiện đáng kể, tăng từ thứ 68 lên 43. Sau khi trình làng sách điện tử Kindle năm 2007 và phiên bản Kindle 2 năm 2008, doanh thu của Amazon vẫn tăng 40% năm 2009, mặc dù kinh tế thế giới chưa hoàn toàn thoát ra khỏi khủng hoảng. Tháng 7/2009, Amazon cũng đã mua lại hệ thống bán lẻ giày trực tuyến Zappos với giá 800 triệu USD.
10. Ernesto Bertarelli (10 tỉ USD)
Người thừa kế của công ty công nghệ sinh học Serono (Thụy Sĩ) đã kiếm được 2,3 tỉ USD trong năm qua. Sau khi nhận quyền sở hữu công ty từ người cha đã mất năm 1998, Bertarelli đã lèo lái công ty gặt hái được rất nhiều thành công, mà đỉnh điểm là năm 2006, với doanh thu đạt được lên tới 2,4 tỉ USD. Năm 2007, Bertarelli bán lại công ty cho tập đoàn dược phẩm Merck, thu về 9 tỉ USD. Năm 2008, ông thành lập quỹ đầu tư cá nhân Area Life Sciences, hiện đang đầu tư khoảng 680 triệu USD vào các công ty dược phẩm và y tế.
Lê Anh
Theo Bưu điện Việt Nam