Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những thức quà giải nhiệt mùa hè đáng nhớ của các nhà văn

Trong những tập ký về Hà Nội, mùa hè luôn là không gian gợi lên cả một câu chuyện dài đằng sau những thức quà giải nhiệt gần gũi.

am thuc ha noi anh 1

Hoa sen là một trong những hình ảnh đặc trưng của mùa hè tại Hà Nội. Ảnh: Đức Huy.

Từ Nguyễn Tuân, Vũ Bằng cho đến lớp nhà văn đương thời như Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Trương Quý, thức quà mùa hạ luôn là một hình ảnh nổi bật lên trong những trang viết. Những món ăn dù đơn giản, chúng đã in sâu vào trong tâm trí rất nhiều người dân Việt Nam. Có những khi chỉ cần nhắc đến tên thôi, ai nấy cũng thèm, gỏi, kem, chè sen, kẹo lạc... Có món đã đi ra từ những nơi gọi là thư phòng của văn sĩ, món khác lại đến từ phương Tây xa xôi. Thế giới ẩm thực trong văn chương là một bức tranh sống động, đa chiều.

Gỏi cuốn và nhãn lồng

Trong hai tập bút ký nổi tiếng của Vũ Bằng, Miếng ngon Hà Nội Thương nhớ mười hai, gỏi cuốn và nhãn lồng là hai món được nhà văn ưu ái dành riêng hẳn một chương để bàn. Đối với nhiều gia đình, gỏi cuốn ngày nay đã khác thời đại của Vũ Bằng rất nhiều. Nhân bên trong có cả trứng thái lát, thịt luộc, thịt bò xào hành tây, có khi là tôm, giò cùng rau húng, rau mùi, bạc hà và xà lách. Nhưng miếng gỏi của Vũ Bằng yêu thích thường chỉ có thịt gà, bún, rau thơm và lạc rang.

Gỏi có thể ăn với cá, dạ dày lợn, trứng sam, ếch, lươn, nai... Thứ làm nên hương vị của gỏi đâu chỉ vì nhân mà còn là nước chấm. Ví như nhiều người nói, nước chấm là linh hồn của bữa ăn. Một bát nước chấm ngon phải tự pha với đường, mì chính, chanh, tỏi, ớt băm nhuyễn khuấy đều cùng nước mắm.

am thuc ha noi anh 2

Miếng ngon Hà Nội được nhà văn Nguyễn Trương Quý ví như một "bảo tàng của ẩm thực". Ảnh: Nhã Nam.

Vũ Bằng viết trong Miếng ngon Hà Nội: "Gỏi ăn có một cái thú đặc biệt là nhiều mùi vị cay, đắng, chua, ngọt, ngái, hắc, mặn, đủ cả, thỉnh thoảng lại bùi cái bùi của chất lạc, chất vừng và chất bánh đa nướng...".

Nếu gỏi là món ăn được nhiều người nghĩ đến trong tiết giao mùa, từ xuân sang hạ, nhãn lồng lại là món đặc trưng mỗi khi những cơn mưa rào tháng sáu đổ xuống. Mặc dù Việt Nam có nhiều đặc sản vùng miền như bưởi Đoan Hùng, mít Gio Linh, nhót Thanh Chương, cam xã Đoài, xoài Bình Định... nhãn lồng lại là món duy nhất được Vũ Bằng đặt lên tiêu đề.

Từ quả nhãn, mọi người có thể chế biến thành chè, long nhãn, long nhãn sấy khô, bọc đường... Mỗi vùng miền dường như lại có một kiểu làm nhãn riêng. Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hưng Yên đều là những vựa nhãn lớn. Tại Hưng Yên, nhà nào cũng phải có một vườn, đến độ cuối tháng năm, người nông dân phải chuẩn bị, có khi huy động cả con cháu để thu hoạch kịp cho đơn hàng của các thương lái. Độ ba giờ sáng, họ dậy sớm trở lên chợ đầu mối ở Hà Nội, giao buôn đến sáu giờ lại đi về chợ quê mua sắm chuẩn bị cho bữa trưa. Cuộc sống hối hả khoảng một tháng mùa nhãn mới hết.

Vị ngọt của nhãn, đối với Vũ Bằng, có thể đem lại vị say như "say rượu nếp cẩm, uống vào ngọt lừ lừ, say nhẹ nhẹ, say êm đềm, mà có thể say lơ mơ". Dọc đường bây giờ bán nhãn nhiều, nhưng chẳng ai dám chắc đó là nhãn lồng gốc ở các vựa lớn. Vì vậy, có những người sành sỏi đã đặt tại vườn nhãn cả chục cân một, lấy lên bán đủ vốn cho nhà ăn.

Trà và sen

Trong Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân từng nhắc đến trà sen. Thực chất đây là loại chè Thái Nguyên được ướp trong hoa sen. Sau khi đủ thời gian, trà sẽ dậy mùi thơm của sen, khi pha uống có mùi vị tinh tế, uống chậm từng ngụm nhỏ mới cảm thấy được.

Mùa sen thường rộ vào tháng 6. Con đường Tô Ngọc Vân thường có rất nhiều nhà làm trà sen nhưng người nào hiểu rõ thường ra tận hồ để lấy. Các hồ sen nằm ở hai bên bờ phố đi bộ Trịnh Công Sơn, từ đó có thể nhìn thấy chiếc đu quay khổng lồ của công viên Hồ Tây.

am thuc ha noi anh 3

Người nông dân tại Nhật Tân thu hoạch sen. Ảnh: Đức Huy.

Nông dân vùng Nhật Tân bắt đầu công việc từ 4h sáng. Làm sen giờ chỉ như công việc thời vụ, thêm thắt trong năm, không đáng kể so với công việc chính của họ là bao. Nổi tiếng khu này vẫn là trà sen bách diệp. Một số nhà đã làm loại trà này nhiều đời nay.

Trà sen của Nguyễn Tuân là một thú vui tao nhã, thi vị và đòi hỏi sự dụng công trong quá trình pha chế. Đúng với tinh thần của tập Vang bóng một thời, trà sen là một thức uống được người xưa nâng niu, trân trọng. Qua kiểu cách thưởng trà, Nguyễn Tuân thấy được vẻ đẹp đến từ vốn tri thức phong phú và tâm hồn văn chương toát ra.

Kem Hà Nội và trà đá

Đến với những cây bút đương thời, các thức quà mùa hè lại là những que kem Bờ Hồ có xuất xứ từ phương Tây và những hàng trà đá của một số văn sĩ thuở trước. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, trong tác phẩm Đi ngang Hà Nội, năm 1936 tại phố Cầu Gỗ có một quán kem khá đặc biệt. Nó có tên Tây là Zephyr. Quán kem thực chất là tấm bình phong hoạt động bí mật của cụ Phạm Quang Hưng, một sĩ phu yêu nước. Con trai thứ tư trong gia đình cụ đã tham gia Việt Nam quốc dân đảng (do Nguyễn Thái Học lãnh đạo).

Sau này, các tiệm kem bờ hồ mới mọc lên. Quán kem đầu tiên do một ông chủ người Nhật thành lập. Ở đây họ sử dụng que kem chứ không đựng trong cốc. Cho đến thập niên 60-70, người lớn, trẻ em đi bán kem rong, mỗi que kem giá một hào rưỡi.

"Kem trở thành 'chuẩn' cho tất cả người ở quê ra Hà Nội, đi đâu làm gì không biết nhưng về là phải kể chuyện 'ăn kem, xem tàu điện', còn không kể được đi tàu điện thế nào và ăn kem ra sao coi như nói phét. Hoặc ra Hà Nội mà chưa đến Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền, chưa ăn kem Bờ Hồ và chưa biết tàu điện coi như chưa đến Hà Nội", nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến viết.

Còn với nhà văn Nguyễn Trương Quý trong Hà Nội bảo thế là thường, món trà đá đã được nhắc đến như một thứ nước giải khát cho tất cả tầng lớp nhân dân. Các hàng trà đá mọc lên trong thời kỳ bao cấp, chúng đơn giản, dễ uống. Đi đâu mà không có ngụm trà đá hẳn phải rất nhớ quê nhà. Vỉa hè là nơi các hàng trà đá xuất hiện, cầm cốc nước trên tay, những câu chuyện nói ra bỗng thấy tự nhiên hơn. Trà đá từ bao đời nay vẫn luôn là một thức uống giải khát dễ tìm dễ thấy và có một vị trí đặc biệt trong đời sống ẩm thực người dân Hà Nội.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng

Lê Lựu - nhà văn của những tiếng cười

Lê Lựu có biệt tài đưa cái hồn nhiên, dân dã vào trong tác phẩm và đặt tên nhân vật, tạo tình huống để có tiếng cười.

Những nhân vật 'ấm ớ' trong kiệt tác văn học

Nhân vật chính của những tiểu thuyết lớn nhất của nhân loại từ bi kịch Hy Lạp đến nay, hầu hết đều là những con người ấm ớ, con người muôn mặt, đa nhân cách mang tính bi hài kịch.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm