Bằng sáng chế của anh em nhà Wright
Bản vẽ tay phác thảo chiếc máy bay của anh em nhà Wright. Ảnh: Listverse |
Cơ quan Lưu trữ Quốc gia là nơi cất giữ những tài liệu quý hiếm nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đây là nơi có hệ thống an ninh nghiêm ngặt bậc nhất thế giới. Song nó vẫn không thể ngăn chặn những tên trộm đột nhập và đánh cắp một số hồ sơ vô giá.
Một tên trộm lấy các giấy tờ mô tả chi tiết về khái niệm máy bay nằm trong hồ sơ bằng sáng chế của anh em Wilbur và Orville Wright. Tuy nhiên, phải đến năm 2003, người ta mới phát hiện chúng đã mất tích. Sau đó không ai có thể lần ra dấu vết của thủ phạm, CBS đưa tin.
Tình trạng trộm cắp ở Cơ quan Lưu trữ diễn ra thường xuyên, buộc nhà chức trách phải thành lập một đội đặc nhiệm vũ trang nhằm tìm các tài liệu mất tích. Họ đã thu hồi những bức ảnh do các phi hành gia chụp khi đổ bộ lên mặt trăng và các cuộn băng ghi âm thảm họa Hindenburg xảy ra vào ngày 6/5/1937. Dù vậy, trừ khi tên trộm cố bán đấu giá những bản phác thảo vẽ tay máy bay của anh em nhà Wright từ đầu thế kỷ XX, nếu không đội đặc nhiệm sẽ không thể tìm ra chúng.
Thanh kiếm Tanto Mei-Kunimitsu thất lạc
Thanh kiếm tanto Kunimitsu thất lạc. Ảnh: Khu Nghệ thuật Sano |
Tình trạng đánh cắp bảo vật không chỉ diễn ra ở Mỹ. Vụ Văn hóa thuộc Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết bọn trộm đã lấy 109 bảo vật quốc gia và hiện vật quan trọng, bao gồm 52 thanh kiếm, 17 tác phẩm điêu khắc và 10 bức tranh do họ lưu giữ. Họ không thể lần ra dấu vết của chúng. Họ phỏng đoán chúng bị trộm, chủ sở hữu chuyển đi nơi khác hay đã qua đời mà không bàn giao chúng cho người khác.
Thanh kiếm tanto Kunimitsu từ thế kỷ XIII nằm trong bộ sưu tập mất tích. Vụ Văn hóa không nhận được thông tin về thanh kiếm khi chủ nhân của nó qua đời. Vì thế, thanh kiếm tanto thất lạc.
Phần lớn chủ sở hữu những bảo vật tương tự không hiểu biết về chính sách quản lý cổ vật. Hiện nay, vụ lên kế hoạch kiểm tra định kỳ đối với các bảo vật tại gia đình cất giữ chúng, The Asashi Shimbun cho hay.
Thành phố mất tích Paititi
Thành phố mất tích Paititi của người Inca. Ảnh: Flickr |
Paititi là thành phố mất tích của người Inca nằm ở miền đông Peru. Người ta lưu truyền rất nhiều huyền thoại xung quanh thành phố này. Theo một truyền thuyết, khi người châu Âu xâm chiếm, cướp bóc vương quốc Inca, người dân đã mang theo toàn bộ châu báu của nhà vua chạy trốn vào khu rừng rậm ở phía đông. Cùng với thành phố huyền thoại El Dorado nằm sâu trong rừng Amazon, Paititi trở thành địa điểm bí mật nơi người ta có thể tìm thấy những kho tàng vô tận.
Các nhà thám hiểm từng tìm kiếm trong khu rừng rậm ở Peru với hy vọng tìm ra thành phố mất tích. Họ định cư ở những nơi hẻo lánh với một vài manh mối liên quan đến Paititi, theo BBC.
Trên thực tế, đến nay, người ta vẫn chưa xác định liệu thành phố Paititi có thực sự tồn tại hay nó chỉ là một phiên bản khác của huyền thoại El Dorado.
Vòng cổ Patiala
Vòng cổ Patiala biến mất từ năm 1948. Ảnh: Idiatoday |
Vòng cổ Patiala là đồ trang sức mang vẻ đẹp hiếm có do hãng Cartier thiết kế năm 1928. Nó gồm 5 chuỗi bạch kim gắn 2.930 viên kim cương và nạm hồng ngọc. Tâm điểm của chiếc vòng là viên kim cương DeBeers màu vàng 234,6 carat, gần bằng kích cỡ một quả bóng golf. Năm 1948, vòng cổ Patiala thất lạc. Người cuối cùng đeo nó là Maharaja Yadavindra Singh, Indiatoday cho hay.
Hơn 50 năm sau, đại diện của hãng Cartier ở London tìm thấy nó. Tuy nhiên, chiếc vòng đã mất những châu báu ấn tượng, bao gồm những viên hồng ngọc Miến Điện và viên kim cương DeBeers. Cartier dùng các khối vuông zirconi và ngọc để phục hồi nó. Vòng cổ Patiala gốc giá tới 20-30 triệu USD theo giá trị hiện nay.
Tàu gỗ gụ
Tàu gỗ gụ gặp nạn dưới những cồn cát phía tây nam bang Victoria, Australia. Ảnh: Bigprint |
Thông thường, các nhà thám hiểm phải mất nhiều thập kỷ thậm chí là thế kỷ mới tìm thấy xác tàu đắm ở ngoài khơi đại dương. Tuy nhiên, họ lại không thể tìm thấy con tàu gỗ gụ gặp nạn ngay dưới những cồn cát ở phía tây nam bang Victoria, Australia.
Người ta đoán con tàu huyền thoại được làm bằng gỗ gụ vì nó có màu tối. Nó thuộc đoàn tàu thám hiểm của Bồ Đào Nha và gặp nạn khi đang thực hiện nhiệm vụ bí mật vào năm 1522. Năm 1847, người ta phát hiện xác con tàu. Sau đó, họ hoàn toàn mất dấu nó.
Mọi giả thuyết do các nhà nghiên cứu đưa ra đều dựa vào những thông tin do thợ săn cá voi và dân địa phương cung cấp từ 150 năm trước. Mặc dù không ai có đủ bằng chứng để chứng minh sự tồn tại của con tàu nhưng người ta cũng không thể bác bỏ các giả thuyết về nó. Vì thế, đến này, tàu gỗ gụ vẫn là một điều bí ẩn.