Mưa đá
Theo định nghĩa khoa học, mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng, với hình dáng và kích thước khác nhau. Mưa đá thường xảy ra do hiện tượng đối lưu cực mạnh từ các đám mưa dông. Kích thước hạt mưa có thể từ dưới 10 mm tới hàng chục cm. Chúng thường ập xuống cùng mưa rào. Hiện tượng mưa đá thường diễn ra trong khoảng thời gian ngắn.
Mưa đá thường xảy ra ở những vùng núi hoặc khu vực giáp biển, sau những ngày nóng bức, kéo dài do những đợt gió lạnh tràn về mạnh và đột ngột. Hạt mưa đá to nhất mà con người ghi nhận có đường kính 17,8 cm.
Vòi rồng
Lốc xoáy hay vòi rồng là hiện tượng một luồng không khí xoáy tròn kéo dài từ đám mây dông xuống mặt đất. Chúng thường xuất hiện trong những cơn dông cực lớn hoặc gió bão mạnh. Nguồn gốc của lốc xoáy là hiện tượng luồng khí nóng bốc lên và luồng khí lạnh di chuyển xuống. Những cơn lốc xoáy có thể di chuyển hàng trăm km với đường kính đạt 10-15 km.
Trên thực tế, đường kính vòi rồng có thể thay đổi từ vài chục mét tới hàng chục km. Chúng có thể cuốn phăng tất cả mọi thứ nằm trên đường đi, kể cả những công trình xây dựng kiên cố. Âm thanh của vòi rồng giống tiếng của đoàn tàu hỏa đang chạy hay tiếng thác nước. Khi xuất hiện trên biển, vòi rồng có thể hút nước lên độ cao nhiều km.
Mưa dị vật
Các nhà khoa học khẳng định những cơn mưa dị vật, bao gồm mưa cá, mưa ếch và mưa tiền xu... là những hiện tượng có thật. Giả thuyết được ủng hộ nhiều nhất để giải thích cho những cơn mưa dị vật là lốc xoáy. Người ta tin rằng, lốc xoáy quét qua ao, hồ hay thành phố sẽ cuốn theo nhiều loài động vật hoặc dị vật. Khi lốc xoáy suy yếu, những dị vật này sẽ rơi xuống, tạo ra những cơn mưa lạ.
Tuy nhiên, giả thuyết này chưa thể giải đáp những thắc mắc của con người về mưa dị vật. Những cơn mưa lạ thường thả xuống một loài động vật hoặc đồ vật duy nhất. Người ta không thể giải thích vì sao vòi rồng có thể cuốn những thứ cùng một chủng loại như vậy.
Hố địa ngục
Đây là hiện tượng sụt lún địa chất, thường xảy ra ở những khu vực nền đất đặc biệt hoặc do biến đổi địa chất, gây nguy hiểm cho con người. Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, sự thay đổi cấu trúc đất là nguyên nhân gây ra hiện tượng hố địa ngục ở các bang của Mỹ. Một số hố địa ngục có thể sớm biến mất do đất phủ kín nhưng nhiều hố vẫn tồn tại trong thời gian dài.
Hố tử thần khổng lồ xuất hiện ở Guantemala 2/2007. Ảnh: Getty |
Sự nguy hiểm của hố địa ngục là yếu tố bất ngờ. Do con người không thể đoán trước thời gian và vị trí hiện tượng này xảy ra nên chúng ta không thể phòng tránh nó. Hố địa ngục có thể nuốt chửng những chiếc ôtô, nhà cửa hay hút cạn nước ở các hồ chứa.