Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những 'thiên đường thuế' đầu tư mạnh vào Việt Nam

Giới đầu tư tài chính toàn cầu thường dùng cụm "thiên đường thuế" để chỉ một số nơi trên thế giới – với những nền kinh tế gần như xóa bỏ mọi loại thuế cho người kinh doanh.

 “Thiên đường thuế” là một nơi hấp dẫn về mặt thuế má cho các cá nhân cư trú hoặc cho doanh nghiệp làm trụ sở. Đặc điểm chung của các “thiên đường thuế” (taxe haven) là mức thuế suất thấp; mức độ bảo mật thông tin tài sản của các doanh nghiệp và cá nhân cao; thủ tục thành lập doanh nghiệp dễ dàng và lệ phí thành lập, duy trì doanh nghiệp thấp.

Nhờ lợi thế trên, các thiên đường thuế này thu hút được dòng vốn đầu tư khổng lồ. Và rất nhiều doanh nghiệp đã được thành lập tại các quốc gia, vùng lãnh thổ này với mục đích đầu tư sang các quốc gia khác. Trong những năm qua, đã có nhiều tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp (FDI) được đổ vào Việt Nam.

Singapore

Mức thuế suất của Singapore được cho là thấp hơn so với bất cứ nơi nào khác trên thế giới

. Ảnh: Duhocbluesea

Được mệnh danh “thiên đường thuế” cho giới siêu giàu và triệu phú đến sinh sống. Quốc gia này có luật ngân hàng rất bí mật, đánh thuế thấp và là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.

Mức thuế suất của Singapore được cho là thấp hơn so với bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Mức thuế suất tối đa chỉ 20% và các doanh nghiệp chỉ phải trả một tỷ lệ cao nhất 17%.

Tại Việt Nam, theo thống kê, tính đến hết tháng 4/2016, Singapore đã có 1.600 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 36,3 tỷ USD. Tập trung vào các lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo, bất động sản, giáo dục, giải trí...

Điển hình là Công ty Liên doanh khu công nghiệp Việt Nam- Singapore (VSIP), Banyan Tree với Dự án Khu du lịch Laguna Lăng Cô; VinaCapital với Dự án Nam Hội An; Keppel Land, CapitaLand với hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn tại Việt Nam…

British Virgin Islands (BVI)

Chính quyền Anh tạo một cơ chế mở về kinh doanh và đầu tư tại BVI với những điều kiện về kinh doanh, chính sách thuế khác biệt so với chính sách áp dụng tại chính quốc nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

 Ảnh: Gadventures 

Là một quần đảo có diện tích chỉ khoảng 153 km2, GDP hơn một tỷ USD song các doanh nghiệp đăng ký tại BVI đây đã đầu tư 19,3 tỷ USD sang Việt Nam.

BVI vốn là thuộc địa của Anh. Chính quyền Anh tạo một cơ chế mở về kinh doanh và đầu tư tại BVI với những điều kiện về kinh doanh, chính sách thuế khác biệt so với chính sách áp dụng tại chính quốc nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Theo các tài liệu của Hồ sơ Panama, BVI đang dẫn đầu danh sách các thiên đường thuế với 113.648 công ty offshore do hãng luật Mossack Fonseca gây dựng trong tổng số khoảng 48.400 công ty trong hồ sơ này. Đây là địa chỉ mà mà hầu hết các cá nhân và tổ chức liên quan tới Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama mở tài khoản.

Các dự án của British Virgin Islands tại Việt Nam như dự án Công ty TNHH Worldon Việt Nam của nhà đầu tư Gain Lucky Limited, tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD. Dự án sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp tại thành phố Hồ Chí Minh, dự án Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam...

HongKong

HongKong đang bắt đầu công cuộc đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Ảnh: Hitravel

Hong Kong đóng góp 26.000 cá nhân và tổ chức, chiếm 10% trong hồ sơ Panama và cũng sở hữu khoảng 10% các công ty nước ngoài (offshore company), con số này chỉ đứng sau British Virgin Islands.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tính riêng 4 tháng đầu năm 2016 có 34 dự án cấp mới và 21 dự án tăng vốn, với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt gần 360 triệu USD, đứng thứ 6 trong tổng số các quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Nếu tính lũy kế đến tháng 4/2016, với 1018 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt hơn 15 tỷ USD.

Một số dự án lớn của nhà đầu tư Hong Kong tại Việt Nam như: Dự án Công ty liên doanh Nam Phương Textile có tổng vốn đầu tư 120 triệu USD tại khu công nghiệp Việt Hương 2, tỉnh Bình Dương, chuyên sản xuất gia công kéo sợi, dệt nhuộm, in ấn, thành phẩm may mặc, Công ty Luen Thai (Hong Kong) đầu tư vào một dự án dệt may ở Nam Định...

Cayman

Cayman thuộc top 10 đối tác đầu tư mạnh vào Việt với 70 dự án.

Ảnh: en.wikipedia

Cayman là một trung tâm tài chính nước ngoài (Offshore Financial Center – OFC) lớn trên thế giới. Cayman gồm ba hòn đảo là Grand Cayman, Cayman Brac và Little Cayman với tổng diện tích 264 km2; thủ đô là George Town.

Đây là một lãnh thổ bên ngoài thuộc Anh, nằm ở phía Tây vùng biển Caribe, phía Tan của Cuba và phía Tây Bắc Jamaica.

Ở Cayman, số doanh nghiệp đăng ký còn nhiều hơn người dân. Đây cũng được xem là một trong những trung tâm tài chính có tiếng trên thế giới, với độ bảo mật thông tin cao và mức thuế thấp.

Tính đến tháng 4/2016, Cayman thuộc top 10 đối tác đầu tư mạnh vào Việt với 70 dự án.

VinaCapital, IndochinaCapital, Mekong Capital, Saigon Asset Management Corporation đều là những công ty quản lý quỹ hoạt động mạnh tại Việt Nam đến từ Cayman.

“Thiên đường thuế” - nơi cho những mục đích đặt biệt

Không thể phủ nhận là “Thiên đường thuế” đã được nhiều cá nhân và tổ chức sử dụng để giảm số tiền thuế phải nộp (hoặc trốn thuế).

Đây là một trong những mặt trái của toàn cầu hóa xét từ lợi ích của một quốc gia cụ thể. Ngay cả nước Mỹ, là quốc gia có hệ thống quản lý thuế chặt chẽ nhất, có những tập đoàn hàng đầu như Facebook, Google hay Apple lại là những “thiên tài trốn thuế” dễ dàng lợi dụng sự sơ hở về luật của nước này để né thuế ở nước kia.

Chẳng hạn, Google đã trốn 2,4 tỷ USD tiền thuế trên toàn cầu trong năm 2014 bằng cách chuyển 12 tỷ USD doanh thu tại thị trường ngoài Mỹ tới một công ty ở Bermuda - một báo cáo của Hội đồng Thương mại Hà Lan công bố mới đây khẳng định.

Hay Apple hiện đang nắm giữ khoảng 181 tỷ USD tiền mặt ở nước ngoài, thống kê cho biết, hãng sản xuất smartphone này sẽ phải trả 59,2 tỷ USD nếu chuyển số tiền đó về. Microsoft cũng là tên tuổi lớn của làng công nghệ đang trốn thuế bằng cách tương tự, với lượng tiền mặt ở nước ngoài lên đến 108 tỷ USD.

Nhưng cần lưu ý rằng, những “thiên tài trốn thuế” nêu trên vẫn đang “bình an vô sự” trước các nỗ lực điều tra và cáo buộc của các chính phủ như Mỹ, Anh và nhiều nước khác.

Hầu hết các “Thiên đường thuế” được biết đến như là các những nơi mà việc đăng ký kinh doanh và yêu cầu báo cáo cho cơ quan quản lý hết sức đơn giản như:

(1) bất kỳ ai trên thế giới có hộ chiếu và bằng chứng về nơi cư trú (địa chỉ gửi hóa đơn điện thoại cố định, điện, nước hay giao dịch với ngân hàng) và không cần đặt chân đến lãnh thổ đó dù chỉ 1 lần duy nhất;

(2) trụ sở đăng ký không cần phải thuê và có nhân viên;

(3) không cần chứng minh năng lực tài chính và thời hạn góp vốn, mà chỉ cần đăng ký các mức vốn tối đa (authorised capital) để tính mức phí đăng ký hàng năm;

(4) báo cáo tài chính hàng năm không phải kiểm toán và thậm chí không phải nộp;

(5) báo cáo hoạt động hằng năm chỉ cần hai nội dung cơ bản là công ty đó hoạt động kinh doanh ngoài lãnh thổ đăng ký và tuân thủ luật pháp của lãnh thổ đó.

Hầu hết những nơi này coi việc đăng ký công ty trên lãnh thổ của họ là một nguồn thu nhập bằng việc thu phí đăng ký (lần đầu và hàng năm), tạo công ăn việc làm cho các luật sư và các công ty làm dịch vụ đăng ký công ty, dịch vụ công ty (corporate services), cho việc dùng trụ sở đăng ký, lưu giữ hồ sơ gốc của công ty (như ở Cayman Islands là bắt buộc), báo cáo hoạt động hàng năm và thậm chí “cho thuê” thành viên hội đồng quản trị (director).

Thái Nguyễn

Bạn có thể quan tâm