Theo dữ liệu của Financial Times, 14 công ty khai thác tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã chuyển hơn 2 triệu máy đào ra khỏi Trung Quốc kể từ khi các lệnh cấm được ban hành. Phần lớn trong số chúng đã nhanh chóng được chuyển đến Mỹ, Canada, Kazakhstan và Nga.
Hình ảnh bên trong một trung tâm đào Bitcoin ở Nga. Ảnh: Getty Images. |
Bit Digital, một trong những công ty khai thác tiền mã hóa lớn nhất của Mỹ, đã thuê một đơn vị hậu cần quốc tế nhằm đưa toàn bộ tài sản của họ từ Trung Quốc về nước. Tuy nhiên, vì số lượng quá lớn nên gần 1.000 máy vẫn đang chờ được xử lý tại các cảng của New York.
“Chúng tôi bắt đầu di chuyển số máy móc của mình từ tháng 3/2020, và đó là một động thái sáng suốt. Khi lệnh cấm được ban bố, chúng tôi có 20.000 máy đào ở Trung Quốc”, Sam Tabar, Giám đốc chiến lược của Bit Digital cho biết.
Tuy nhiên, công ty cũng tiết lộ rằng họ đã phải bỏ lại 372 máy ở Trung Quốc vì chúng đã “hết hạn sử dụng”.
Cơ hội mới cho các quốc gia khác
Sau lệnh cấm của Trung Quốc, nhiều thợ đào Bitcoin đã rời khỏi nước này để tìm trang trại mới, tập trung nhiều ở Mỹ. Số liệu của Financial Times cho thấy 8/10 trang trại đào coin lớn nhất có trụ sở tại Bắc Mỹ đã mở rộng quy mô khai thác của họ.
Theo CoinTelegraph, thị phần khai thác Bitcoin của Mỹ đã tăng gấp bốn lần, từ 4,1% lên 16,8%. Trong những năm qua, các trang trại khai thác Bitcoin ở Mỹ vẫn tiếp tục phát triển, bất chấp lĩnh vực này chủ yếu diễn ra tại Trung Quốc nhờ chi phí hoạt động thấp hơn nhiều.
Bên cạnh Mỹ, Nga cũng là quốc gia hưởng lợi từ việc các trung tâm khai thác Bitcoin tháo chạy khỏi Trung Quốc. Trong những tuần sau lệnh cấm, công ty lưu trữ cơ sở hạ tầng Bit Cluster có trụ sở tại Moscow đã nhận được hơn 5.000 máy đào từ Trung Quốc.
Trong khi đó, công ty khai thác tiền mã hóa BitRiver của Nga cho biết họ đang lưu trữ 200.000 máy từ những người khai thác từng hoạt động tại Trung Quốc, và hiện chúng đang được vận chuyển theo từng lô.
Dữ liệu cho thấy Nga đang là địa điểm nhận phần lớn máy đào từ Trung Quốc, sau đợt càn quét của chính phủ nước này. Ảnh: Financial Times. |
“Trọng tâm của thị trường đã chuyển từ thiếu thiết bị sang thiếu chỗ để đặt chúng. Một vài tuần trước lệnh cấm, công ty đã phải từ chối thỏa thuận với một khách hàng Trung Quốc đang tìm cách bán bớt một triệu máy khác”, Roman Zabuga, đại diện của BitRiver cho biết.
Theo Jaran Mellerud, nhà phân tích nghiên cứu tại Arcane Crypto, chỉ có dưới 700.000 máy đào tại Trung Quốc chưa được bật lại sau lệnh cấm và có khả năng đang lưu kho. Nhiều máy trong số này là thế hệ cũ nên việc vận chuyển chúng đến các địa điểm như Mỹ sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, Kazakhstan cũng bất ngờ trở thành một trong những trung tâm khai thác Bitcoin hàng đầu thế giới. Theo dữ liệu của Financial Times, phần lớn máy đào đến Kazakhstan được 2 công ty khai thác của Trung Quốc là Bitfufu và BIT Mining nhượng lại, với lần lượt 80.000 và 7.849 chiếc.
Nam Mỹ trở thành “thiên đường” của máy đào cũ
Như đã đề cập, các máy đào thế hệ cũ và ít mang lại hiệu quả sẽ không được vận chuyển đến Mỹ. Điều này dẫn đến việc chúng bị phân tán đến các địa điểm khai thác ít được biết đến hơn như Venezuela hay Paraguay. Những quốc gia Nam Mỹ này có giá điện rẻ và chưa xuất hiện các quy định nghiêm ngặt về khai thác Bitcoin.
Juan Jose Pinto, đồng sáng lập của Doctor Miner, một công ty khai thác ở Venezuela, cho biết lệnh cấm của Trung Quốc “là một cơ hội tuyệt vời”.
“Cho đến nay, chúng tôi đã được liên hệ với 3 công ty khai thác lớn khác nhau của Trung Quốc để nhận lại khoảng 7.000 máy. Nếu chúng tôi có đủ nguồn lực, công ty có thể lưu trữ nhiều hơn nữa”, Juan Jose Pinto cho biết.
Nam Mỹ đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các máy khai thác Bitcoin thế hệ cũ. Ảnh: World Today News. |
Pinto cũng tiết lộ thêm rằng hiện công ty của ông trả khoảng 0,01 USD cho mỗi kWh điện. Do đó, họ có thể sử dụng hiệu quả các máy móc đời cũ và tiêu thụ nhiều điện như Antminer S9s. Mặc dù những cỗ máy này ọp ẹp và dễ hỏng hóc nhưng nhóm của Pinto đã tìm ra nhiều cách sáng tạo để duy trì hoạt động của chúng.
“Chúng tôi có nơi gọi là 'nghĩa trang', nơi đặt những máy đào không hoạt động. Tuy nhiên, trong số chúng vẫn còn những bộ phận hữu ích. Nếu tôi có một chiếc máy với 4 bộ phận bị hỏng và một chiếc khác có 6 bộ phận gặp tình trạng tương tự, tôi sẽ kết hợp chúng lại và hy vọng tạo ra một cái máy đào tốt”, Pinto chia sẻ.
Do nền kinh tế đi xuống tại Venezuela, khai thác tiền mã hóa là một cách để người dân địa phương kiếm thêm thu nhập. Pinto cho rằng người dân tại đây chỉ cần kiếm thêm 100 USD mỗi tháng bằng việc khai thác Bitcoin đã có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn.
Ngoài ra, Digital Assets, một công ty có trụ sở tại thủ đô Asuncion của Paraguay, đang chuẩn bị tiếp nhận 15.500 máy đào Bitcoin trong những tháng tới. Tuy vậy, họ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ một số người dân địa phương Paraguay, những người đã bắt đầu mua máy và khai thác một cách độc lập.