Dưới cái nắng của một ngày hè tháng 8, Vladimir Voskresensky đi bộ dọc một con phố ở thị trấn Kadykchan, thuộc tỉnh Magadan ở Viễn Đông nước Nga, xa xôi tới mức người ở đây gọi phần còn lại của Nga là “đại lục”.
Ông nhớ lại tiệm bánh, tiệm may, câu lạc bộ thể thao - những nơi ông thường tới lui ở thị trấn đã chứng kiến những năm tháng đẹp nhất cuộc đời mình.
Nhưng trước mắt ông giờ đây là các tòa nhà không còn cửa sổ, mái nhà đã sập và cỏ dại mọc cao, che kín lối vào. Không khí lặng im một cách đáng sợ. Thị trấn từng là miền đất hứa của thợ mỏ trong thời Liên Xô đã bị bỏ hoang.
Quá phụ thuộc 1 ngành
Theo BBC, chính phủ Nga có danh sách 319 thị trấn “đơn ngành” đang đứng trước kết cục như Kadykchan. Những thị trấn này được lập ra dưới thời Liên Xô để phục vụ một ngành công nghiệp duy nhất, thường là khai thác than hoặc khoáng sản. Nhưng khi ngành đó không còn việc làm cho người dân, các thị trấn này rơi vào cảnh hoang tàn.
Từ thời kì đầu của Liên Xô, các tù nhân đã bị lưu đày tới những vùng xa xôi như Kadykchan làm việc, phục vụ công nghiệp hóa. Một số nơi tuy giàu khoáng sản nhưng cằn cỗi và hẻo lánh, như Norilsk ở Viễn Bắc nơi mặt trời không mọc suốt 2 tháng trong một năm, theo Financial Times.
Cuộc sống ở những thị trấn đơn ngành này trở nên khó khăn trong thập niên 90 khi Liên Xô sụp đổ, các tập đoàn khai khoáng bị tư nhân hóa và các khoản trợ cấp của chính phủ không còn.
Có những nơi vẫn duy trì sản xuất, và có những nơi sản xuất đã giảm dần. Nhưng một số nơi tồi tệ hơn khi xí nghiệp duy nhất đã hoặc chuẩn bị đóng cửa, theo BBC.
Với khoảng 14 triệu người - gần 10% dân số Nga - sống ở các thị trấn đơn ngành, sự đi xuống của những nơi này làm đau đầu chính phủ Nga, giữa bối cảnh nước này đang phải chịu lệnh trừng phạt của quốc tế sau khi sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
Nhiều thị trấn đơn ngành ở Nga đã bị bỏ hoang từ khi Liên Xô sụp đổ và do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Ảnh: BBC. |
Các thị trấn này thường có tỉ lệ thất nghiệp gấp đôi mức trung bình, và 60% cư dân nói cuộc sống của họ là “không thể chịu đựng”, theo một cuộc điều tra của chính phủ.
“Đa số cư dân các thị trấn đơn ngành không thể chuyển đi nơi khác và bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo và vô vọng … Những nơi ô nhiễm nhất phải đối mặt với tuổi thọ thấp và tỉ lệ bệnh tật cao”, theo Septimus Knox, chuyên gia của công ty tư vấn kinh tế Alaco, trong một bài viết trên Financial Times.
Câu chuyện của Vladimir
Ở Kadykchan, câu chuyện mà Vladimir kể với BBC dường như đã làm sống lại lịch sử của “thị trấn ma” này cũng như của Liên Xô.
Vùng Kolyma bao quanh Kadykchan từng có nhiều trại tù lao động khổ sai. Trong một phần tư thế kỉ, khoảng 1 triệu tù nhân đã phải trải qua đây, và ít nhất 200.000 đã chết vì sự khắc nghiệt – thiếu thốn, đói khát, và cái rét -50 độ C.
Gia đình của Vladimir chuyển tới Kadykchan, một thị trấn khai thác than, năm 1974, khi trại tù ở đây đã không còn và cuộc sống đang khấm khá. Thợ mỏ từ khắp nơi chuyển đến đây dưới sự hứa hẹn của nhà nước: một căn hộ và thu nhập tốt, hàng hóa chất lượng, hỗ trợ tàu xe để về thăm người thân.
Vì vậy, các tiệm ở Kadykchan không thiếu hàng hóa. Trung tâm văn hóa tổ chức lễ hội ca nhạc, còn Rạp chiếu phim Thợ mỏ, chiếu phim vào những khung giờ sắp xếp thuận lợi cho ca làm việc của thợ mỏ, cũng giống như mọi hoạt động khác trong thị trấn. Vladimir làm việc ở rạp trong 7 năm.
Ông nhớ lại những lần kỉ niệm sinh nhật và các dịp lễ với những người cùng làm trong rạp. Kadykchan từng có nhiều thanh niên, và việc ở xa nhà cũng như cái rét khiến họ gần nhau hơn. “Tôi luôn thích những đêm mà nhiệt độ tăng lên -30 độ C, và mọi người thấy đủ ấm để ra ngoài đi dạo trên phố chính”, ông nói với BBC.
Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, lương không còn được trả đúng hạn và không đủ để mua thức ăn, cư dân Kadykchan bắt đầu bỏ đi nơi khác.
Trên mặt báo là những câu chuyện phản ánh sự tuyệt vọng của nhiều người dân Kadykchan trước cảnh đói nghèo, bấp bênh và nỗi lo sợ hệ thống sưởi của thị trấn sẽ ngưng hoạt động.
Vụ nổ hầm mỏ năm 1996 làm chết 27 người đặt dấu chấm hết cho mỏ than, và Kadykchan cũng không còn lí do tồn tại. Sau khi người dân rời đi hết, các tòa nhà chính bị chính quyền đốt cháy.
Từ đằng xa, Vladimir chứng kiến khói bốc lên từ Rạp Thợ mỏ, và mái nhà sập xuống. “Cho đến giờ, thâm tâm tôi vẫn không dám tin là sự thật”, ông nói với BBC.
Vladimir kể gia đình và bạn bè của ông đã sống cả cuộc đời ở tỉnh Magadan, vận hành mỏ than và nhà máy điện, để rồi chứng kiến mọi thứ dần sụp đổ xung quanh họ. Ảnh: BBC. |
Tương lai không khả quan
Mối lo về tương lai hiện hữu ở khắp nơi. Thị trấn Beryozovsky, thuộc tỉnh Kemerovo nằm ở tây nam Siberia, là nơi có 82% nền kinh tế và 2/3 lao động phụ thuộc ngành than.
“Nếu có vấn đề gì với ngành công nghiệp than, thị trấn này coi như chết”, Dmitry Titov, thị trưởng của Beryozovsky nói với Financial Times. Ông đã thấy trước viễn cảnh u ám này ở một trong 4 huyện của thị trấn, bị bỏ hoang vì một mỏ than đóng cửa vài năm trước.
Trên những con phố không động tĩnh, cỏ dại phủ kín, những hình trang trí bằng vữa trên các tòa nhà đã bị tróc. Những con bò lang thang giữa xích đu và bập bênh trong một sân chơi cho trẻ con mô phỏng cảnh khai thác than.
Cuộc cách mạng tự động hóa đã gây ra mất việc hàng loạt trên thế giới có thể sẽ tác động to lớn tới toàn bộ tỉnh Kemerovo, nơi không thay đổi nhiều từ khi Liên Xô sụp đổ. Một số nơi bắt đầu áp dụng tự động hóa vào khai thác than.
Máy khai thác than tự động đang được thử nghiệm không đòi hỏi một công nhân nào ở dưới hầm mỏ, khiến người dân bi quan. “Tôi hi vọng con trai tôi sẽ đi nơi khác. Không có gì cho nó ở đây đâu”, Yana Lill, 20 tuổi, giáo viên mầm non, nói với Financial Times.
Tự động hóa trong khai thác than khiến các thị trấn đơn ngành ở Nga lo ngại mất việc. Hiện tại, Nga chỉ có 3 robot trên 10.000 công nhân, so với mức trung bình thế giới là 69. Ảnh: Financial Times. |
Chính phủ Nga đang nỗ lực cứu các thị trấn đơn ngành, với một quỹ 450 triệu USD để tập huấn các quan chức địa phương cách thu hút đầu tư, đa dạng hóa ngành nghề và tạo việc làm. Tuy nhiên một ước tính của chính phủ nói cần tới 33.8 tỉ USD để đảo ngược vận mệnh của 100 thị trấn khó khăn nhất.
Đã có những câu chuyện lạc quan như các thị trấn Kogalym và Kirovsk, những nơi đặt kì vọng vào ngành du lịch đang chập chững, tận dụng cảnh quan kì vĩ và các môn thể thao mùa đông.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng đó là những ngoại lệ nhờ vào tiền đầu tư khổng lồ từ các tập đoàn như Lukoil hay PhosAgro. Nhiều nơi không có các tiềm năng kinh tế đa dạng sẽ không sống sót.