Đứng trên con đường hẻo lánh ở ngoại ô thành phố San Antonio (Texas) - nơi vài tiếng trước đã phát hiện một chiếc xe container “chôn vùi” 46 sinh mạng xấu số - Ruby Chavez, 53 tuổi, chỉ có thể cầu nguyện.
Cô và chồng đã đến hiện trường ngay khi nghe tin về vụ việc và nhìn thấy một chiếc trực thăng lao vun vút qua đầu, hướng về phía tây nam thành phố.
Cặp vợ chồng cho biết khu vực này thường được người dân địa phương gọi là “điểm hẹn” của những người di cư. “Họ quen thuộc với khu vực này. Họ nhảy khỏi tàu và được đón đi”, chồng của Chavez nói với New York Times.
“Có thể thấy họ chỉ vừa mới đến đây. Chúng tôi thấy họ đeo balô, hỏi xin thức ăn hoặc tiền bạc”, Chavez kể lại. "Thật đáng buồn, (trong xe) thậm chí còn có những đứa trẻ".
Hàng chục cảnh sát và nhân viên cứu hỏa đã tập trung xung quanh hiện trường, dọc theo đường Quintana, nằm giữa đường ray xe lửa và một bãi cứu hộ ôtô, vào ngày 27/6.
46 người đã thiệt mạng và 16 người khác được chuyển đến bệnh viện địa phương. Vụ việc được xem là thảm kịch chết chóc nhất đối với người di cư ở biên giới Mỹ - Mexico trong nhiều thập kỷ qua.
Trong bức ảnh từ góc nhìn trên cao, các thành viên lực lượng thực thi pháp luật đang điều tra chiếc xe container ngày 27/6. Ảnh: AFP. |
Một công nhân làm việc gần hiện trường đã nghe thấy tiếng kêu cứu vào khoảng trước 18h, Cảnh sát trưởng thành phố San Antonio, ông William McManus, cho biết.
Các sĩ quan cảnh sát tới hiện trường và tìm thấy một thi thể trên nền đất bên ngoài chiếc container. Và họ mở cánh cửa chiếc xe "tử thần".
Charles Hood, Giám đốc sở cứu hỏa thành phố San Antonio cho biết: "Khi chúng tôi phát hiện, các thi thể nạn nhân đều rất nóng, nóng tới mức khó chạm vào được. Họ bị mất nước. Không tìm thấy nước trong xe. Đó là xe container đông lạnh nhưng không thấy bộ phận làm lạnh hoạt động".
Ông Hood xác nhận các nạn nhân bị đột quỵ vì nóng và kiệt sức.
"Chúng tôi không thể tưởng tượng được việc mở một chiếc xe tải và nhìn thấy những thi thể chồng chất", Giám đốc sở cứu hỏa thành phố San Antonio nói thêm.
"Sớm hay muộn, ai đó sẽ bị thương"
Trong những ngày gần đây, các quan chức thực thi pháp luật ở khu vực dọc biên giới và các quận lân cận đã bày tỏ lo ngại về số lượng người di cư đến Texas - nơi được biết đến là một trong những hành lang buôn người "tấp nập" nhất.
Các quan chức liên bang đã ghi nhận số vụ vượt biên trái phép kỷ lục qua biên giới phía nam, với hơn 44.000 vụ xảy ra trong tháng 5, chỉ ở khu vực xung quanh Del Rio và Eagle Pass, thành phố biên giới gần San Antonio nhất.
Xe container chứa 46 thi thể tìm thấy ở San Antonia, Texas, vào ngày 27/6. Ảnh: AFP. |
Theo Conversation, từ năm 2021, xu hướng di cư dọc theo biên giới Mỹ - Mexico đã thay đổi. Phần lớn những người vượt biên không đến từ Mexico, thay vào đó là Guatemala, Honduras và El Salvador. Mỗi người đều có những hoàn cảnh bế tắc riêng, xuất phát từ cảnh bạo lực, nghèo đói và thiếu việc làm ở quê nhà.
Nền kinh tế của các quốc gia như Honduras và Guatemala đã bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19. Châu Mỹ Latinh, khu vực được coi là “sân sau” của Mỹ, đang phải chịu cảnh đói nghèo và bạo lực.
“Tình hình ở El Salvador hiện không tốt. Mọi thứ đắt đỏ và không có việc làm", bà Mayra Machado, điều phối viên nhập cư tại Adelante CIMITRA, một tổ chức dân sự ở San Salvador, cho biết.
Trong khi đó, ông Victor Castro, điều phối viên của nhóm di cư tại văn phòng Caritas ở San Salvador, nhấn mạnh động lực chính của những người di cư từ El Salvador là các vấn đề như bạo lực gia đình và băng đảng.
“Mọi người rời đi vì họ cần ra đi để tồn tại. Họ đã suy nghĩ về điều đó trong một thời gian”, ông nói.
Trở lại San Antonio, nơi chiếc xe container tử thần được tìm thấy, Edward Reyna, một nhân viên bảo vệ làm việc tại một bãi gỗ cách đó chỉ vài mét, cho biết anh không ngạc nhiên khi nghe tin về vụ việc này.
Reyna không thể đếm nổi số lần nhìn thấy những người di cư nhảy khỏi đoàn tàu đang chạy, ngay cạnh nơi chiếc xe được tìm thấy, theo BBC.
"Tôi nghĩ sớm hay muộn, ai đó rồi sẽ bị thương", Reyna nói. "Những người đưa họ đến (đây) không hề quan tâm đến họ".
Thảm kịch chết chóc nhất
Theo các nhóm hỗ trợ người di cư, sự thay đổi trong Nhà Trắng kể từ năm 2021 đã khiến số người muốn đến Mỹ tăng vọt.
“Vấn đề di cư cũng giống như thị trường chứng khoán - nó phản ứng với bất kỳ dấu hiệu nào, dù tích cực hay tiêu cực”, Alejandro Solalinde, một người ủng hộ người di cư ở thành phố phía nam Oaxaca, nói với Washington Post.
"Khi Tổng thống Joe Biden là một ứng cử viên, ông ấy đã mang lại hy vọng cho những người di cư, mặc dù chưa bao giờ khẳng định Mỹ sẽ mở cửa cho họ", anh cho biết thêm.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ việc ở San Antonio. Ảnh: AP. |
Trong một buổi phỏng vấn với ABC vào tháng 3/2021, Tổng thống Biden và các quan chức hàng đầu đã kêu gọi người di cư không đổ xô đến biên giới. "Đừng đi qua (biên giới). Đừng rời khỏi thị trấn, thành phố hoặc cộng đồng của bạn”, ông nói.
Tuy nhiên, Washington Post nhận định nhiều người di cư không thể nghe thấy thông điệp. Và dù có nghe thấy, họ cũng buộc phải bỏ ngoài tai.
“Mọi người kỳ vọng nhiều hơn, dù chúng tôi không tin rằng điều đó có cơ sở trong thực tế, vì sự thay đổi chính phủ và tình trạng ngày càng tồi tệ ở quê hương”, Juan José Hurtado Paz y Paz, Giám đốc của Asociación Pop No'j, một tổ chức cộng đồng ở Huehuetenango, cho biết.
Trong khi đó, hành trình vượt biên giới Mexico - Mỹ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, bao gồm cả nạn tấn công tình dục và bắt cóc.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, thuộc Liên Hợp Quốc, ít nhất 650 người di cư đã chết khi vượt qua biên giới Mỹ - Mexico trong năm 2021. Con số này đánh dấu mức cao nhất kể từ khi chính phủ Mỹ bắt đầu báo cáo các trường hợp tử vong đầu tiên ở khu vực này vào năm 1998.
Song, điều tồi tệ hơn cả là những con số này chưa phản ánh đầy đủ tình trạng ở biên giới Mỹ - Mexico. Tổ chức Di cư Quốc tế lưu ý rằng “tất cả con số (tử vong được báo cáo) vẫn (thấp hơn thực tế)”.
Theo Conversation, khả năng tìm thấy xác của những người di cư ngày càng thấp do họ lựa chọn những con đường vượt biên hoang vắng hơn. Trong khi đó, nỗi sợ bị giam giữ và trục xuất đã ngăn cản những thành viên còn lại trong gia đình họ báo cáo với các quan chức có thẩm quyền về cái chết của người thân.
Giới chức San Antonio đã ghi nhận nhiều trường hợp người di cư bỏ mạng trong cuộc hành trình vượt biên, nhưng không có vụ việc nào chết chóc như thảm kịch hôm 27/6, theo BBC.
Đau xót trước thảm kịch này, ông Gustavo Garcia-Siller, Tổng giám mục Công giáo San Antonio, viết trên Twitter: "Xin Chúa hãy thương xót họ. Họ chỉ mong cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn. Một lần nữa, sự thiếu can đảm khi đối phó với cải cách nhập cư đang giết chết và hủy hoại nhiều sinh mạng”.
Thị trưởng San Antonio Ron Nirenberg chia sẻ: "Thật là bi thảm. Họ còn có gia đình... và có khả năng đang cố gắng tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây là một thảm kịch kinh hoàng của loài người".
Khu vực xảy ra vụ việc. Ảnh: Guardian. |