Những thành phố 'ma' lớn nhất châu Á
Dù được đầu tư rất nhiều tiền nhưng một số dự án tại Trung Quốc vẫn bị bỏ hoang và không trở thành trung tâm sầm uất như các nhà đầu tư mong muốn.
Thành phố mới Trình Cống, Vân Nam
Trình Cống được cho là một trong những thành phố "ma" lớn nhất tại châu Á.
"Tại Trình Cống, có hơn 100.000 căn hộ mới không có người ở", Holly Krambeck, nhân viên của Ngân hàng Thế giới viết trên trang cá nhân của mình gần đây.
Được thiết kế như một thành phố vệ tinh gần Côn Minh, một thành phố với nửa triệu dân, Trình Cống bắt đầu được hình thành vào năm 2003.
Những tòa chung cư chọc trời mọc lên như nấm nhưng ngày nay thành phố này vẫn là một nơi hoang vu sau khi các nhà chức trách thất bại trong việc thu hút công dân mới.
Matteo Damiani, một phóng viên người Italy làm việc 7 năm tại Côn Minh, tới thăm Trình Cống vài lần và chụp ảnh các tòa nhà bị bỏ không. Anh không nhìn thấy ai khác ngoài một nhóm sinh viên, công nhân và bảo vệ.
"Các vùng ngoại ô và kể cả trung tâm thành phố đều vắng vẻ. Bạn có thể tìm thấy một sân vận động lớn, trung tâm thương mại và hàng trăm tòa nhà hoàn thành nhưng bị bỏ hoang", anh nói.
Ở đây thậm chí còn có khu vực dành cho các biệt thự sang trọng nhưng tất cả đều không có một bóng người, anh cho biết thêm.
Trung tâm thương mại ở ngoại ô Dongguang, Quảng Đông.
Danh hiệu trung tâm thương mại "ma" lớn nhất thế giới hay trung tâm mua sắm vắng vẻ nhất thế giới có lẽ thuộc về khu phức hợp rộng lớn nằm ở ngoại ô Dongguan, một thành phố với 10 triệu dân.
Bạn có lẽ sẽ nghĩ rằng với dân số như vậy, trung tâm này sẽ cực kỳ phát triển nhưng hầu như 1.500 cửa hàng ở bên trong đều không có ai tới thuê từ khi nó được hoàn thành vào năm 2005.
Cơ sở hạ tầng, giao thông yếu kém là một trong những lý do khiến nơi này bị bỏ hoang. "Thật không may, nó được xây dựng ở giữa hư không", blog của Documentary Stream viết.
Các nhà đầu tư cố gắng để biến nơi này thành một trung tâm sầm uất khi xây dựng cả kênh đào, cối xay gió và những bản sao của tháp chuông Campanile từ Quảng trường St Mark's tại Venice và Khải Hoàn Môn ở Paris.
Đối với Mathilde Teuben, một blogger tới từ Hà Lan, người từng tới thăm trung tâm thương mại New South China cách đây 2 năm, đây là một trải nghiệm kỳ dị.
Tuy nhiên, trang web của trung tâm này lại tin tưởng rằng, họ sẽ thành công trong một ngày không xa.
Công viên vui chơi Wonderland, thị xã Nam Khẩu, Chương Bình
Đối với công viên giải trí ở phía Bắc thủ đô Bắc Kinh, tương lai không phải là những gì đã hứa hẹn khi hình thành cách đây gần 20 năm. Những lâu đài và thành lũy thu nhỏ đều bị bỏ hoang. Nông dân địa phương thậm chí còn canh tác giữa những tòa nhà không người.
Giữa những năm 1990, các nhà đầu tư cam đoan xây dựng một công viên vui chơi lớn nhất châu Á nhưng dự án bị bỏ xó vì tranh cãi về quyền sử dụng đất.
Người dân địa phương cho biết công viên giải trí này dần dần trở thành điểm hấp dẫn khác đối với người dân Bắc Kinh.
Sinh viên, nhiếp ảnh gia và các họa sĩ tới đây để tìm kiếm nét đẹp trong những công trình đổ nát.
Thị trấn Thames, Thượng Hải
Các nhiếp ảnh gia và uyên ướng sắp cưới thường tới vùng ngoại ô mô phỏng một thị trấn ở Anh để chụp ảnh.
Tại đây có một quảng trường, lâu đài, nhà thờ, đường trải sỏi, quán rượu, những ngôi nhà mang phong cách Georgia và tượng những nhân vật như Winston Churchill, James Bond và Harry Potter.
Như một tấm phông nền đẹp, thị trấn Thames cũng được biết tới cùng với sự phát triển của công nghiệp đám cưới. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ là một nơi để tới chụp ảnh hơn là để sống từ khi được khai trương vào năm 2006.
"Thành phố thực sự là một thị trấn ma, với những cửa hiệu vắng tanh và con đường không có người qua lại", một bài báo trên Business Insider nhận xét.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư không hoàn toàn trắng tay bởi các căn hộ được bán cho những khách hàng muốn mua chúng như một sự đầu tư và ngôi nhà thứ 2 của mình.
Bằng chứng là các nhà đầu tư đang lên kế hoạch xây dựng một thị trấn kiểu Anh khác ở gần Bắc Kinh.
Quận buôn bán mới ở Yujiapu, Thiên Tân.
Nếu như thị trấn Thames tại Thượng Hải là một bản sao của làng quê Anh thì Yujiapu ở Thiên Tân lại là một siêu phẩm hàng nhái của trung tâm tài chính Manhattan, Mỹ.
Dự kiến, Yujiapu cũng sẽ có các trung tâm mô phỏng trung tâm Rockefeller và Lincoln ở Manhattan.
Tuy nhiên, để hoàn thành được dự án này, Thiên Tân có lẽ phải trông chờ vào sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc vì thành phố này đang rơi vào cảnh nợ công chồng chất, tạp chí Forbes đưa tin.
Theo VietnamNet