Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những thanh niên Trung Quốc căm phẫn người giàu

Hàng triệu thanh niên Trung Quốc đang chối bỏ những định nghĩa truyền thống về sự thành công. Tâm lý phản kháng ấy được phản ánh qua các từ lạ tai như "neijuan" hoặc "tangping".

van hoa Trung Quoc anh 1

Khi Sun Ke tốt nghiệp đại học năm 2017, anh đến Thượng Hải để theo đuổi giấc mơ mà nhiều bạn đồng trang lứa cùng hướng tới - có sự nghiệp, xe hơi, và nhà lầu.

Người thanh niên 27 tuổi không nghĩ rằng mọi chuyện sẽ quá khó khăn. Bố mẹ anh cũng từng khởi nghiệp với hai bàn tay trắng và lúc này đã sở hữu vài bất động sản ở quê, một thị trấn nhỏ gần Thượng Hải.

Chỉ khi bắt đầu mở nhà hàng riêng vào năm 2018, Sun Ke mới nhận ra rằng thị trường đã bị những chuỗi thương hiệu lớn và các nền tảng giao đồ ăn thống trị từ lâu. Anh đặt chân vào cuộc đua này quá muộn.

van hoa Trung Quoc anh 2

Tài xế đưa đồ ăn ở Trung Quốc. Ảnh: Radii China.

“Để cạnh tranh với những cửa tiệm khác, tôi và đối tác phải bỏ tiền túi để miễn phí ship và đưa ra ưu đãi cho khách hàng. Bên kiếm ra tiền thực sự vẫn là những chuỗi thương hiệu lớn”, Sun nói.

Sau hai năm, Sun Ke mất hơn 1 triệu tệ (hơn 156.000 USD). Cuối năm 2020, anh phải đóng cửa tiệm.

Theo Sun Ke, trải nghiệm của anh chính là điển hình cho involution hay neijuan - khái niệm thịnh hành trong giới trẻ Trung Quốc lúc này.

Thế hệ “neijuan”

Ban đầu, involution là thuật ngữ nhân chủng học mô tả khái niệm “tăng trưởng dân số nhưng không dẫn đến tăng trưởng sản lượng hoặc mức độ cải tiến trong xã hội nông nghiệp”. Theo Sixth Tone, involution có thể được hiểu là trái nghĩa với tiến hóa.

Tới nay, involution được thị dân Trung Quốc dùng để mô tả cảm giác quá tải trong cuộc sống hiện đại: Bố mẹ gặp áp lực phải cung cấp cho con những điều tốt nhất, trẻ em phải theo kịp cuộc đua học tập không đi đến đâu, nhân viên văn phòng phải làm việc không ngừng nghỉ.

Từ đồng nghĩa với involution trong tiếng Trung là neijuan. Được cấu thành từ chữ “nội” (bên trong) và “quyển” (cuộn, xoắn ốc), neijuan có nghĩa đen là một thứ gì đó tự cuộn tròn lên trên chính bản thân nó.

Về nghĩa bóng, neijuan chỉ quá trình khiến người tham gia mắc kẹt bên trong một vòng lặp không ngừng. Cụm từ này diễn tả “việc bị mắc kẹt trong một cuộc cạnh tranh mà bản thân người tham gia biết rõ là vô nghĩa”.

Nguồn gốc của neijuan xuất phát từ một số ảnh chụp sinh viên chăm chỉ tới mức cực đoan được lan truyền rộng rãi trên Internet vào năm 2020. Trong một bức ảnh, sinh viên Đại học Thanh Hoa - trường danh giá ở Trung Quốc - vừa đạp xe vừa sử dụng laptop.

van hoa Trung Quoc anh 3

Một sinh viên Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc vừa đạp xe vừa dùng laptop. Ảnh: Weibo.

Ngay sau đó, sinh viên này được tuyên bố là “Ông vua neijuan của Thanh Hoa”. Cũng từ ấy, khái niệm neijuan bắt đầu trở nên thịnh hành trong giới trẻ Trung Quốc.

“Giới trẻ ngày càng thấy rằng nếu không nỗ lực hoặc cạnh tranh, họ sẽ bị xã hội gạt ra ngoài rìa. Nhưng bất chấp nhiều lần cố gắng, họ cũng không thấy được con đường đột phá cho mình”, giáo sư Biao Xiang, thuộc Đại học Oxford (Anh), nhận định.

“Thế hệ bố mẹ chúng tôi có thách thức nhưng cũng có cơ hội. Mọi thứ khi ấy đều mới mẻ. Chỉ cần bạn có ý tưởng và dám thử, cơ hội thành công là rất lớn”, Sun Ke nói.

Khái niệm tương đương neijuan không phải chỉ có ở Trung Quốc. Đa số quốc gia phát triển trên thế giới đều có thế hệ trải qua giai đoạn bùng nổ này, theo BBC. Nhưng điểm khác biệt mấu chốt ở Trung Quốc là “thời đại hoàng kim” ấy trôi qua quá nhanh.

“Bố mẹ họ hoặc một số người hàng xóm lớn hơn họ 10 tuổi chỉ cần bước chân vào kinh doanh trong một lĩnh vực nào đó là có thể gặt hái nhiều lợi nhuận. Nhưng ô cửa sổ này đã đóng lại, họ không còn cơ hội đó nữa”, tiến sĩ Fang Xu thuộc Đại học California, Berkeley (Mỹ) nhận định.

Phẫn nộ trước người giàu

Trung Quốc lúc này có số lượng tỷ phú nhiều thứ hai thế giới. Nhưng quốc gia này cũng có khoảng 600 triệu người với thu nhập hàng tháng chỉ ở mức 1.000 tệ (154 USD), theo BBC.

Chênh lệch lớn như vậy khiến giới trẻ ngày càng bức xúc trước các chủ lao động. Họ ngày càng có cảm giác rằng những người ở trên cao không thấu hiểu nỗi khổ của họ.

Su Mang, một nữ doanh nhân và cựu tổng biên tập tạp chí Harper’s Bazaar Trung Quốc, đã bị phản đối mãnh liệt sau khi nói neijuan là “hố sâu giữa ham muốn của một người và sự lười biếng của người đó”. Bà Su sau đó xin lỗi.

“Nếu các sếp đồng cảm với nhân viên dưới quyền, 996 sẽ không tồn tại, neijuan cũng vậy”, một người dùng bình luận. 996 là văn hóa làm việc từ 9h sáng tới 9h tối, 6 ngày một tuần tại Trung Quốc.

“Các nhà tư bản nên im hết đi”, một người khác viết.

van hoa Trung Quoc anh 4

Người lao động tại chợ việc làm Sanhe ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào năm 2017. Ảnh: Sixth Tone.

Tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc, cũng từng tỏ thái độ ủng hộ văn hóa 996 và gọi đây là một dạng “phúc báo do tu tập mà có”. Câu nói này, cùng với việc Alibaba bị điều tra, khiến Jack Ma bị một số người nhận định là “nhà tư bản chuyên hút máu”.

Trước neijuan, một từ khác cũng nổi lên như là tiếng nói của giới trẻ Trung Quốc: sang. Từ sang (Hán Việt là "táng") thường xuất hiện trong những từ ghép diễn tả sự thiếu dũng cảm, thiếu sinh khí, thậm chí là đau buồn do mất mát.

Năm 2017, từ sang được dùng để mô tả sự thiếu động lực trong đời, thiếu nhiệt huyết trong công việc, và thái độ vô cảm. Một số câu mà thanh niên theo văn hóa sang thường nói là “tôi chỉ là đồ bỏ đi”, “tôi không quan tâm tới cuộc đời”, và “tôi ủ rũ đến mức tuyệt vọng”.

Văn hóa sang được một bộ phận thanh niên trung lưu sống ở thành thị Trung Quốc chấp nhận, theo Sixth Tone. Những người theo văn hóa sang không phải vì họ không muốn thành công. Tương tự neijuan, họ chỉ cảm thấy thật vô nghĩa khi theo đuổi định nghĩa thành công truyền thống.

Reuters nhận định sang là sự phản ứng của thanh niên trước việc phải cạnh tranh khốc liệt trong nền kinh tế không còn đà tăng trưởng như trước. Ước mơ có nhà riêng của những người này cũng ngày một khó trở thành hiện thực khi giá bất động sản ở các thành phố lớn tăng cao.

Trong bối cảnh ấy, thái độ sang là một phương thức tự bảo vệ bản thân. Bằng cách tự từ bỏ tham vọng, thanh niên Trung Quốc giảm được kỳ vọng và gánh nặng cho mình. Họ sẽ không bao giờ phải trải qua cảm giác thất bại nếu đặt ra mục tiêu ở mức thấp.

Nằm thẳng - lựa chọn không được chấp nhận

Sau neijuan, một khái niệm khác gần đây cũng xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc: Tangping, nghĩa đen là “nằm thẳng”.

Khái niệm này bắt nguồn từ một bài đăng trên diễn đàn trực tuyến Tieba. Trong bài, tác giả kể mình chẳng cảm thấy có vấn đề gì dù đã không làm việc trong 2 năm qua. Điều này đi ngược lại định nghĩa lâu nay về sự thành công tại Trung Quốc.

van hoa Trung Quoc anh 5

Dáng ngồi nằm của diễn viên Cát Ưu trong phim truyền hình Trung Quốc được cho là nguồn gốc của văn hóa sang. Ảnh: Legal Eveing News.

Người dùng trên lập luận không việc gì phải tuân theo lý tưởng của xã hội. “Chỉ khi nằm thẳng, một người mới có thể trở thành thước đo vạn vật”, anh viết.

Cũng từ câu nói này, khái niệm “nằm thẳng” ra đời để mô tả việc không lao động quá sức, bằng lòng với những thành tựu dễ đạt được để có thời gian xả hơi.

Giáo sư Xiang nhận định rằng những xu hướng này cho thấy thế hệ trẻ Trung Quốc mong “từ bỏ sự cạnh tranh vô nghĩa” và muốn suy nghĩ lại về mô hình truyền thống của thành công.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khái niệm “nằm thẳng” rất khó được phổ biến rộng rãi vì có thể đi ngược lại các giá trị xã hội ở Trung Quốc.

van hoa Trung Quoc anh 6

Sinh viên tại Changsha, Hunan vội vã chui qua khi cửa thư viện đang mở để có chỗ ngồi tốt nhất. Ảnh: People Visual.

Trong bài phát biểu năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói rằng kỷ nguyên mới “thuộc về những người lao động hăng say”, và “hạnh phúc chỉ có thể đạt được bằng những nỗ lực hết mình”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng không bằng lòng với khái niệm “nằm thẳng”. Trong một bài viết đăng trên Guang Minh Daily, tờ báo chuyên về văn hóa, tác giả chỉ trích rằng người theo chủ nghĩa “nằm thẳng” có thể gây tổn hại tới nền kinh tế và xã hội.

Trong một bài bình luận khác trên báo Nanfang Daily, tác giả gọi xu hướng “nằm thẳng” là “bất công và đáng hổ thẹn”.

Dù vậy, tiến sĩ Xu nhận định những trào lưu này sẽ không biến mất.

“5-10 năm nữa tình hình có thể sẽ vẫn như vậy, vì khi không có cuộc cách mạng lớn về công nghệ, họ (thanh niên) sẽ không có những lĩnh vực mới để khám phá và phát triển. Kết quả là neijuan sẽ vẫn tiếp tục”.

Lễ hội cúng tế và câu cá khổng lồ trên băng ở Trung Quốc

Lễ hội câu cá trên băng có tuổi đời hàng thế kỷ vừa được tổ chức trên mặt hồ đóng băng Trung Quốc. Du khách được xem cảnh câu cá trên băng và trải nghiệm nhiều nét văn hóa độc đáo.

‘Tôi không làm thêm giờ, chấm hết’ - người Nhật cai nghiện việc

Ý tưởng rằng công việc đòi hỏi sự hy sinh cá nhân đã bén rễ sâu trong văn hóa Nhật Bản, khiến mơ ước làm việc chừng mực và rời văn phòng khi hết giờ trở nên xa vời với họ.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm