Ở Cao Phong (Hòa Bình), nông dân đi xế hộp phần lớn là những người trồng cam lâu năm, sống chết với cây cam. Tuy nhiên, cũng không thiếu những thanh niên trẻ dám nghĩ, dám làm và thành công, dù họ không được học qua bất kỳ trường lớp nào.
Khi hỏi về những trường hợp như vậy, mọi người chỉ ngay vào nông trường Thu Phong. Ở nông trường ấy có anh chàng Bùi Văn Dũng (SN 1983), chủ của 7 ha cam. Dũng đang nổi lên như một điểm sáng làm kinh tế ở mảnh đất tỷ phú này.
Tiếp chúng tôi tại nông trường là một người đàn ông ăn mặc khá bụi bặm. Giống như đại gia trẻ Bùi Văn Bách, Dũng cũng kêu năm nay mất mùa, tiền bán cam ước tính chỉ được cỡ... 4 tỷ.
Chân dung Bùi Văn Dũng, tỷ phú trẻ tuổi đất Cao Phong. |
“Do em mới bắt đầu làm nên cũng chưa nắm bắt được nhiều vấn đề, chứ nếu làm tốt, thì 1 ha có thể cho từ 50 đến 70 tấn. Mỗi người có 1 bí quyết riêng để trồng cam, em mới vào miền Nam học tập thêm một số phương pháp, nếu như năm tới thử nghiệm mà cho kết quả tốt, sản lượng sẽ cao hơn nhiều”, anh Dũng tâm sự.
Anh Dũng bắt đầu trồng cam từ năm 2007. Trước đó, Dũng đang học dở lớp 10 thì bỏ ngang. Nghỉ ở nhà rong chơi mấy năm liền cũng chán, đi học lái xe tải, rồi vào tận TP.HCM làm thuê cho mấy doanh nghiệp vận tải trong đó.
Làm việc trong Nam một thời gian ngắn, không quen khí hậu, thổ nhưỡng, anh bỏ ra Bắc, rồi gom góp tiền mua một chiếc ô tô nhỏ chở khách thuê. Nhưng Dũng chạy được thời gian lại chán.
Thấy những vườn cam vàng ươm chín mọng trĩu trịt quả, xe tải bốc hàng chạy ra chạy vào nườm nượp, lại thấy anh em bạn bè làm cam, thu nhập hơn hẳn những giống cây ngắn ngày khác như mía, chanh đào... Dũng liền bán ô tô lấy vốn trồng cam.
Dồn hết vốn liếng, anh đấu thầu được 3 ha đất nông trường Thu Phong, rồi lao vào chăm bón, vun trồng. Thời gian đầu, trước khi cây cam cho quả ổn định, anh làm thuê, buôn bán lặt vặt kiếm sống. Do chưa có nhiều kinh nghiệm, gặp thời tiết khắc nghiệt, dịch hại, sản lượng rất thấp, lỗ cả trăm triệu. Thế nhưng, Dũng không nản lòng, mà kiếm được đồng nào, anh tiếp tục đổ vào mua thêm đất.
Dũng bên vườn cam thu bạc tỷ của mình. |
Cuối năm 2010, Dũng đã sở hữu hơn 10 ha cam. Tuy nhiên, do một số vùng đường sá xa xôi, đi lại chăm sóc khó khăn nên Dũng bán vợi đi 3 ha. Lúc anh mua đất chỉ có giá 30 triệu/ha, nhưng lúc bán có giá tới 600 triệu/ha. Chỉ vào những dải đồi miên man trước mắt, ông chủ của 7 ha cam chia sẻ, anh đang cùng bạn bè góp vốn mua thêm đất tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam.
Hiện trang trại của anh có nhiều loại như cam canh, cam Malaysia, cam lòng vàng... Anh quản lý tới 40 lao động làm những công việc như hái cam, tưới nước, vun đất... Họ là nông dân ở những huyện lân cận Cao Phong qua làm thuê, được Dũng trả công 200.000/ngày, nuôi ăn bữa trưa.
Thời điểm này đã vào vào mùa thu hoạch cam. Cam lòng vàng bán sớm nhất, xấp xỉ 40.000 đồng/kg. Dịp Tết bán cam canh, qua tết lại đến lượt cam Malaysia cho quả ngọt. Những ngày này, Dũng chỉ việc lái ô tô lên đồi, quản lý công nhân công thu hái cam đóng vào thùng xốp. Từng đoàn xe tải đến lấy cam và chồng tiền mặt tại vườn.
“Thực tế, em phải thừa nhận, không nơi nào làm nông dân dễ như ở đất Cao Phong này. Mọi người cứ túc tắc vừa làm vừa học, người này mày mò học hỏi người kia, cũng thu tiền tỷ cả. Cái tạo nên sự khác biệt chính là do thổ nhưỡng và khí hậu ở đây hoàn toàn khác với những vùng đất khác. Ngay cả trồng cam ở huyện Tân Lạc cách đây có vài chục cây số cũng cho chất lượng, sản lượng khác hẳn”, Dũng chia sẻ.
Theo Dũng, cách phân biệt cam Cao Phong với cam vùng khác khá đơn giản. Cam Cao Phong có mẫu mã xấu hơn, lại không bảo quản được lâu. Sau khi hái, chỉ 2 ngày là rụng cuống. Trong khi cam Trung Quốc để hàng tuần vẫn rất tươi, vỏ lại bóng, mịn.
Thời gian trước, một số sạp dọc Quốc lộ 6 nhập lẫn cả cam Trung Quốc về bán, nhưng người dân Cao Phong muốn bảo vệ phát triển thương hiệu giống cam đặc sản quê hương mình, nên chỉ cần thấy có cam khác lẫn vào, họ báo chính quyền tịch thu. Bây giờ, tình trạng đó đã chấm dứt hẳn. Rồi Dũng khuyên tôi, nếu có vốn, thì hãy về Cao Phong tìm mua đất trồng cam, vì đó là một hướng phát triển bền vững, lâu dài.
Theo anh, đã có khá nhiều người ở Hà Nội cũng như những vùng khác lên làm trang trại, ít thì mua vài ngàn mét đất, nhiều thì tậu vài ha. Ngay ở những khu đất giáp ranh trang trại của anh, đã có tới 4, 5 hộ bỏ thủ đô về vùng cao này làm nông dân. Có một câu chuyện về người bạn mà Dũng kể đi kể lại. Người bạn ấy tên Thọ, ở ngay trung tâm thị trấn Cao Phong.
Hồi năm 2009, Thọ mở tiệm buôn bán, sửa chữa điện thoại khá lớn ngay mặt đường Quốc lộ 6. Nhờ phấn đấu làm ăn nên cũng tạo được cơ ngơi kha khá. Tuy nhiên, sau này, thấy Dũng lúc nào cũng xông xênh tiền bạc, anh ta tò mò vào tận vườn cam xem cả tuần lễ.
Tận mắt thấy nguồn thu khủng từ việc bán cam, thế là anh ta dẹp tiệm, bỏ hẳn việc sửa chữa điện thoại, mang tiền đi mua đất làm vườn. Giờ Thọ chỉ chuyên tâm trồng cam, và cũng đã là một tỷ phú.
Ở Cao Phong, có một lớp trẻ kế cận, đã tìm ra con đường trở thành tỷ phú trên chính quê hương mình. Chất lượng, thương hiệu, điều kiện thổ nhưỡng lý tưởng cho quả cam là nguồn động lực to lớn để họ tiếp tục làm giàu.