Thế giới
Quân sự
Những tên lửa phòng không vác vai nguy hiểm nhất
- Thứ năm, 9/10/2014 06:55 (GMT+7)
- 06:55 9/10/2014
Tên lửa phòng không vác vai có khả năng linh hoạt cao, tấn công bất ngờ, uy lực mạnh là vũ khí cực kỳ nguy hiểm với máy bay tầm thấp.
|
Được ví von là AK-47 trên không, 9K32 Strela-2 (SA-7 Grail) là một trong những tên lửa phòng không vác vai sử dụng rộng rãi nhất trong các cuộc xung đột quân sự. SA-7 sử dụng đầu dò hồng ngoại thụ động có kẻ ô khá đơn giản. Sau khi được phóng, tên lửa bám theo nguồn phát nhiệt và tiêu diệt mục tiêu. Liên Xô đã viện trợ Strela-2 cho Việt Nam vào những năm 1970 và được gọi là A-72. SA-7 đã gây bất ngờ lớn cho lực lượng máy bay chiến thuật của Mỹ. Chỉ trong năm 1970, 40-50 máy bay đã bị A-72 bắn hạ. Từ 1972-1975 khoảng 204 máy bay đã bị bắn hạ bởi A-72. Nhược điểm của SA-7 là đầu dò hồng ngoại thế hệ đầu dễ bị đánh lừa bởi nhiễu hồng ngoại. Biến thể Strela-2M có đầu dò hiện đại hơn cho phép đối phó hiệu quả với các biện pháp gây nhiễu. Strela-2/2M có tầm bắn từ 3.700-4.200 m, tầm cao 1.500-2.300 m. Ảnh: Militaryfactory |
|
Mistral do tập đoàn MBDA châu Âu sản xuất và đưa vào sử dụng từ năm 1988. Nó có thể gắn trên nhiều phương tiện mang phóng khác nhau như bệ phóng cầm tay, giá phóng trên tàu chiến hay trên các xe trinh sát bọc thép. Bệ phóng cầm tay có ống phóng tên lửa lắp trên giá đỡ 3 chân kèm theo kính ngắm quang học. Tên lửa Mistral sử dụng hệ thống dẫn hướng bằng hồng ngoại hai màu sắc giúp đối phó hiệu quả với các biện pháp gây nhiễu. Nó có tầm bắn tối đa 6 km mang theo đầu đạn nặng 2,95 kg. Ảnh: Army-technology |
|
Type-91 do công ty Toshiba sản xuất và trang bị cho lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản từ năm 1994. Nó chế tạo dựa trên tên lửa Stinger của Mỹ. Ống phóng tích hợp một kính ngắm quang học kèm theo hệ thống nhận dạng bạn-thù IFF. Type-91 có hệ thống dẫn đường hồng ngoại thế hệ 3 tiên tiến cho phép đối phó hiệu quả với các loại mồi bẫy pháo sáng. Nó có chiều dài 1,43 m, đường kính 80 mm, trọng lượng 11,5 kg, tầm bắn tối đa khoảng 5 km. Ảnh: Wikipedia |
|
9K34 Strela-3 (NATO định danh SA-14 Gremlin) do Phòng thiết kế KBM sản xuất và đưa vào sử dụng trong quân đội Liên Xô từ năm 1974. Nó bổ sung và thay thế dần cho Strela-2 đã bị giảm hiệu suất chiến đấu do dễ bị gây nhiễu hồng ngoại. SA-14 sử dụng đầu dò hồng ngoại tiên tiến được làm mát bằng nitor lỏng cho phép đối phó hiệu quả với các mồi bẫy pháo sáng. Strela-3 có tầm bắn tối đa 6.000 m, tầm cao 2.300 m. Ảnh: Armyrecognition |
|
FIM-92 Stinger là tên lửa phòng không vác vai chủ lực của quân đội Mỹ từ năm 1981 đến nay. Nó có chiều dài 1,52 m, đường kính trong 70 mm, trọng lượng phóng 15,2 kg. Ống phóng gắn kính ngắm quang học hoạt động ngày/đêm. Tên lửa Stinger sử dụng hệ thống dẫn hướng hồng ngoại thụ động 2 chế độ cho phép đối phó hiệu quả với các biện pháp gây nhiễu hồng ngoại. FIM-92 có tầm bắn hiệu quả khoảng 4,8 km. Ảnh: Defenseindustrydaily |
|
9K38 Igla là gia đình tên lửa phòng không vác vai hiện đại nhất của Nga, do Phòng thiết kế KBM sản xuất và đưa vào sử dụng từ năm 1981. Gia đình Igla có 3 biến thể, Igla-1 (NATO định danh SA-16 Gimlet), Igla (NATO định danh SA-18 Grouse) và biến thể hiện đại nhất Igla-S (SA-24 Grinch). Các biến thể sử dụng chung ống phóng và các phụ kiện kèm theo chỉ khác về đạn tên lửa. SA-16 sử dụng đạn tên lửa 9M313, có đầu dò hồng ngoại cải tiến kết hợp với ngòi nổ mới cho phép tấn công vào phần thân máy bay chứ không chỉ nhắm vào ống xả động cơ như trước. SA-18 sử dụng đạn tên lửa 9M39, có đầu dò hồng ngoại băng tần kép giúp nâng cao hiệu suất chiến đấu. SA-24 sử dụng đạn tên lửa 9M39M có đầu dò tiên tiến hơn, cải thiện khả năng kháng nhiễu cùng đầu đạn nặng hơn. Igla có tầm bắn 5,2 km, tầm cao 3,5 km. Ảnh: Wikipedia |
tên lửa phòng không vác vai
Stinger
Igla