Từ năm 2002, Hà Lan là mái nhà của mạng lưới hàng nghìn câu lạc bộ chuyên nghiệp và nghiệp dư. Họ có 36 đội bóng chuyên nghiệp, chia đều ở hai giải Eredivisie và Eerste Divisie, cùng 3.000 đội bóng nghiệp dư. Nơi nào nước biển chưa cao hơn đất liền, ở đó có sự tồn tại của bóng đá.
Một thống kê của trang Sabotagetimes chỉ ra rằng Hà Lan có hơn 1,2 triệu cầu thủ, tương đương 7% dân số nước này. Đó chưa kể số cầu thủ trẻ lên tới gần nửa triệu người. Lực lượng hùng hậu này giúp đội tuyển quốc gia không bao giờ lo thiếu nguồn cung.
Nhiều ngôi sao của thế giới trưởng thành từ Ajax. |
Nét riêng của bóng đá Hà Lan
Hiệp hội Bóng đá Hà Lan (KNVB) chịu trách nhiệm chính quản lý sự phát triển của nền bóng đá nước nhà. Mô hình phát triển của họ rất khác biệt, khi những CLB nghiệp dư cũng được đầu tư kỹ lưỡng. Mỗi năm, những đội bóng không chuyên nhận được 1 tỷ euro tiền tài trợ, trong đó 90% đến từ chính quyền các địa phương, và 10% còn lại của trung ương.
Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) hồi năm 2011 từng tấm tắc khen ngợi mô hình đào tạo bóng đá của Hà Lan, cho rằng người Anh nên học theo cách phát triển này. Nước Anh, chiếc nôi sản sinh ra môn bóng đá, bây giờ lại được yêu cầu phải sao chép công thức của xứ sở hoa tulip.
Người Hà Lan cũng tạo mọi điều kiện cho những cầu thủ trẻ thi đấu. Tại đây có nhiều cấp độ giải đấu và tùy thuộc vào năng lực khác nhau của từng người. Những ai vượt trội về đẳng cấp có thể chọn thi đấu ở cấp độ khó, và ngược lại. Cách làm này giúp mọi cầu thủ Hà Lan có thể tự chọn lựa cho mình trình độ phù hợp, và thỏa sức đam mê với môn thể thao vua.
Không giống cách làm bóng đá tại Anh, nơi chỉ những CLB chuyên nghiệp mới được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, các đội bóng nghiệp dư tại Hà Lan cũng nhận được sự quan tâm của các nhà chức trách. Họ có những mặt sân với thảm cỏ xanh mượt, phòng thay đồ ấm áp, khu vực nhà tắm được trang bị toàn "đồ chơi" xịn, trong khi khu vực sinh hoạt chung của các cầu thủ, rồi bãi đậu xe luôn rộng rãi.
Hà Lan rất chú trọng vào công tác đào tạo trẻ. |
Nắm quyền điều hành những CLB nghiệp dư là chính các hội viên đội bóng. Họ có ê-kíp Ban giám đốc điều hành CLB. Nguồn thu của đội bóng đến từ các nhà tài trợ, phí hội viên (180 euro/năm) và tiền bán nước, đồ ăn. Cách làm này mang đến sự gần gũi giữa người hâm mộ và đội bóng. Trách nhiệm cũng được chia đều cho tất cả thành viên.
Tại Hà Lan, những đội trẻ chuyên nghiệp và nghiệp dư hoàn toàn có thể thi đấu với nhau. Điều này tạo ra sự gắn kết và xóa dần khoảng cách giữa hai nền bóng đá. Các tuyển trạch viên nhờ đó cũng có cơ hội tìm kiếm những "viên ngọc thô" mới.
Với những nền bóng đá ở Anh hay các quốc gia khác, người ta không được thấy cách làm như vậy. “Làm sao chúng ta có thể thấy các đội trẻ của MU, Liverpool hay Chelsea đá giao hữu với những CLB vô danh?”, trang Sabotagetimes viết.
Cầu thủ nhí được dạy đá tấn công từ nhỏ
Những cầu thủ ở xứ sở của cối xay gió có thể khởi đầu sự nghiệp từ khi mới 5 tuổi. Lúc này, lũ trẻ được thi đấu theo thể thức "4 vs 4". Rồi khi lên 7 và 9 tuổi, thể thức thi đấu được thay đổi thành "7 vs 7". Lúc ở độ tuổi U11, các cầu thủ nhí được làm quen với thể thức đá 11 người.
Tại các CLB chuyên nghiệp và nghiệp dư của Hà Lan, cầu thủ được dạy chơi tấn công từ ban đầu. |
Các lò đào tạo của Hà Lan đều áp sơ đồ chiến thuật 4-3-3 khi huấn luyện cho các cầu thủ mọi lứa tuổi, và triết lý bóng đá tấn công được hướng dẫn từ đầu. Ngay cả ở những đội bóng nghiệp dư, các huấn luyện viên cũng tuân theo giáo án phát triển như vậy.
Các cầu thủ nhí từ những CLB chuyên nghiệp đến nghiệp dư đều được chú trọng khả năng giữ bóng và kiến tạo ra cơ hội. Điều này giải thích bóng đá Hà Lan trong một thập niên qua sản sinh ra thế hệ những tiền vệ kiến thiết xuất sắc như Wesley Sneijder, Rafael van der Vaart, Frenkie de Jong...
Trao đổi với Zing.vn, ông Robert Alberts, một thành viên đã gắn bó gần 10 năm với đội trẻ Ajax, cho biết: "Ở các học viện, người ta dạy cầu thủ chơi bóng bằng khả năng tư duy, đồng thời lấy triết lý tấn công luôn là kim chỉ nam phát triển. Bóng đá không phải chỉ là trò chơi của cơ bắp".
Những cầu thủ nhí cũng được dạy không hề biết sợ hãi, dù đụng độ đối thủ mạnh ra sao. Trước Real Madrid và Juventus ở vòng knock-out của Champions League mùa này, người hâm mộ bị chinh phục bởi thứ bóng đá tấn công phóng khoáng và lãng mạn của những cầu thủ trẻ Ajax.
Họ không hề tỏ ra e ngại các ngôi sao lớn của thế giới. "Gặp bất cứ đội nào, Ajax, đều chơi với đúng những gì được dạy. Đội bóng của Hà Lan luôn đá tấn công, bất kể thời điểm và đối thủ thế nào", ông Robert Alberts, từng là thầy của HLV Park Hang-seo ở một khóa học tại Hàn Quốc, chia sẻ.
Từ các đội chuyên nghiệp đến nghiệp dư, tất cả đều áp dụng công thức chung để phát triển. Điều này tạo ra nét riêng khác biệt của bóng đá Hà Lan. Dù có thể không phải lúc nào quốc gia này cũng cho ra lò cầu thủ xuất sắc nhưng họ chưa khi nào bị lạc hậu so với xu hướng phát triển của thế giới.
Với những nền bóng đá khác, thành công được tạo ra bằng sức mạnh đồng tiền. Người Hà Lan không làm theo cách như vậy. Họ tập trung vào khâu đào tạo tài năng trẻ tại các CLB trong nước và tận dụng tối đa nguồn nhân lực này ở giải đấu quốc nội.
Năm 2015, Ajax tốn chỉ 1 euro, cộng thêm cho mượn vài cầu thủ, để mua Frankie de Jong từ Willem II. Hè này, tiền vệ người Hà Lan sang Barca với giá 75 triệu euro. Tại Hà Lan vẫn còn rất nhiều "viên ngọc thô" có giá chỉ 1 euro.