Emily Dickinson (1830-1886): Tác giả người Anh sinh ra trong gia đình danh giá tại Amherst, Massachusetts. Bà sống cuộc đời ẩn dật, ít khi rời khỏi nhà và chưa bao giờ kết hôn. Trong lúc bút lực vẫn còn dồi dào, Emily Dickinson đã gửi nhiều bài thơ đăng trên các tờ báo địa phương nhưng chúng đều bị từ chối. Khi bà mất, người thân đã tìm thấy 40 tập thơ với 1.800 bài thơ viết tay. Sau khi xuất bản, di sản văn chương đồ sộ của Dickinson đã giúp bà trở thành tên tuổi nổi tiếng trong nền thơ ca thế giới. Ảnh: The Guardian. |
Edgar Allan Poe (1809-1849): Edgar Allan Poe là nhà văn, nhà thơ, và nhà phê bình văn học người Mỹ. Ông là người đi đầu trong việc kiếm sống bằng ngòi bút viết văn, song không thành công. Văn chương của Poe từng không được xem trọng, ông phải chấp nhận sống trong nghèo khó. Sau khi nhà văn qua đời, nhiều nhà nghiên cứu và giới phê bình đã bắt đầu công nhận tài năng của ông. Edgar Allan Poe có nhiều đóng góp quan trọng cho văn chương đương đại khi là một trong những tác giả Mỹ đầu tiên thử nghiệm viết truyện ngắn và tiếu thuyết trinh thám. Ảnh: Edwin H. Manchester. |
William Blake (1757-1827): William Blake là nhà thơ người Anh. Ông được nhớ đến qua hai tập thơ The Songs of Innocence và The Songs of Experience, trong đó có bài thơ nổi tiếng The Tyger. Những tác phẩm của ông được đánh giá là mang âm hưởng tôn giáo và thần bí sâu sắc, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, phải đến năm 1860, hơn 30 năm sau khi ông qua đời, cái tên Blake mới bắt đầu nổi bật trên "bầu trời thơ văn" thế giới. Ảnh: Thomas Phillips. |
Franz Kafka (1883-1924): Franz Kafka là tiểu thuyết gia người Czech, được xem là một trong những tác giả quan trọng của văn học thế kỷ 20. Sinh thời, nhà văn không nổi tiếng trong địa hạt văn chương. Chính lý do này mà Kafka muốn tất cả tác phẩm và thư từ của mình phải đốt sạch ngay khi ông qua đời. May mắn là người bạn thân Max Brod đã cố gắng tìm cách xuất bản tác phẩm của Kafka và mang di sản của ông đến với hậu thế. Ảnh: Telegraph. |
Sylvia Plath (1932-1963): Plath là nhà thơ, tiểu thuyết gia và nhà văn viết truyện ngắn người Mỹ. Sự nghiệp của bà để lại nhiều tác phẩm ấn tượng, trong đó nổi bật là The Colossus and Other Poems, Ariel và The Bell Jar. Kể từ khi trưởng thành, Sylvia Plath phải vật lộn với chứng trầm cảm, bà tự kết liễu cuộc đời năm 1963. Gần hai thập niên sau khi tác giả người Mỹ qua đời, tài năng của bà mới được công nhận và trao giải thưởng Pulitzer vào năm 1982. Ảnh: Telegraph. |
Jane Austen (1775-1817): Công chúng hiện đại hẳn đã quá quen thuộc với cái tên Jane Austen và những tác phẩm kinh điển của bà như Pride and Prejudice, Sense and Sensibility hay Mansfield Park. Nhưng khi còn sống, bà ít được biết đến. Đến năm 1869, khi người cháu trai cho xuất bản Hồi ký của Jane Austen, tên tuổi của bà mới vụt sáng và tiếp cận được nhiều độc giả hơn. Ảnh: NZ Herald. |
Herman Melville (1819-1891): Melville là tiểu thuyết gia, cây bút viết truyện ngắn và nhà thơ người Mỹ. Trong nhiều năm sáng tác, ông để lại di sản văn chương đồ sộ. Tác phẩm vĩ đại nhất của ông là Moby Dick (1851). Tuy nhiên, mãi đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn năm 1919, các tác phẩm của ông mới được nhìn nhận đúng giá trị. Giới phê bình văn chương gọi đây là “sự phục hưng của Melville”. Ảnh: Joseph Oriel Eaton. |
Stieg Larsson (1954-2004): Larsson là tác giả của loạt tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng “Bộ ba thiên niên kỷ”, bao gồm Cô gái có hình xăm rồng, Cô gái đùa với lửa và Cô gái chọc tổ ong bầu. Ba quyển sách của Larsson được xuất bản lần đầu vào năm 2005 và ngay lập tức trở thành tác phẩm ăn khách. Đến nay, “Bộ ba thiên niên kỷ” đã tiêu thụ hơn 80 triệu bản và được dịch ra 50 thứ tiếng. Song, Stieg Larsson đã không thể tận hưởng thành công khi ông qua đời vì cơn đau tim vào năm 2004. Ảnh: IMDb. |