Những sự thật công nghệ thú vị có thể bạn chưa biết
Những sản phẩm công nghệ đã trở nên quen thuộc và có mặt ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, tuy nhiên không phải ai cũng biết đến xuất xứ hay lịch sử ra đời của chúng. Cùng điểm lại một vài “sự thật công nghệ” thú vị mà có thể bạn chưa biết.
Thế giới công nghệ rộng lớn và ẩn chứa nhiều điều thú vị mà không hẳn ai cũng biết. Để có được một cuộc sống công nghệ đổi mới từng ngày như hôm nay đã phải trải qua một quá trình dài hình thành và phát triển.
Dưới đây là một vài thông tin thú vị về những sản phẩm công nghệ thân thuộc, từ cách thức chúng ra đời cũng như những thông tin liên quan đến tên gọi… mà có thể bạn chưa biết.
- Bill Gates cùng Paul Allen đã cho ra đời ý tưởng về Microsoft trong một garage vẻn vẹn có 46,5 mét vuông, cùng với nhiều ý tưởng về chiến lược kinh doanh. Ngày nay, Microsoft là hãng phần mềm lớn nhất thế giới, Windows là hệ điều hành được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn cầu.
Bill Gates và Paul Allen đã hình thành nên Microsoft ngày nay từ một nền tảng bé nhỏ. |
- Trung bình mỗi ngày có gần 150 tỷ email được gửi trên toàn thế giới. Trong đó có đến 65% email được gửi là các thư rác, tuy nhiên phần lớn chúng đều bị các bộ lọc có trong email ngăn chặn lại.
- Ngôn ngữ lập trình JavaScript được ra đời từ năm 1995 bởi nhà khoa học máy tính Brendan Eich tại hãng phần mềm Netscape, với tên mã Mocha trong quá trình phát triển. Sở dĩ Mocha được đổi tên thành JavaScript là để nhằm gây sự chú ý từ giới công nghê, bởi lúc đó ngôn ngữ lập trình Java (một loại ngôn ngữ lập trình khác) đang là một hiện tượng trên thế giới, do vậy JavaScript muốn được “ăn theo” tên gọi Java. Trên thực tế, JavaScript không được phát triển dựa trên Java và không liên quan đến ngôn ngữ Java, mà chỉ có sự liên hệ về tên gọi.
- HTML5 được xem là công nghệ cốt lỗi của Internet trong tương lai, hiện đang được sử dụng trong nhiều trang web và các ứng dụng trực tuyến ngày nay. Tuy nhiên, ít ai biết rằng chuẩn HTML5 được ra đời từ năm 2008 bởi Ian Hickson, một thành viên của WHATWG, một tập hợp những ngươi quan tâm đến phát triển HTML và các công nghệ web liên quan. Chính Apple, Mozilla và Opera Software là những nhà thành lập tổ chức này vào năm 2004. Còn Ian Hickson hiện đang là nhân viên của Google.
- Vệ tinh của hệ thống định vị toàn cầu (GPS) được phóng lên vũ trụ đầu tiên vào năm 1978 và các vệ tinh GPS bắt đầu hoạt động từ năm 1995, gồm 24 vệ tinh khác nhau.
Hệ thống GPS ngày nay có nguồn gốc từ một dự án quân sự của Mỹ. |
Hệ thống GPS đã phải tiêu tốn 10-12 tỷ USD để xây dựng và chi phí hoạt động mỗi năm khoảng 400 triệu USD. Mỗi vệ tinh có khối lượng hơn 900kg và hoạt động bằng năng lượng mặt trời, có thời gian hoạt động trong vòng tối thiểu 10 năm. Mỗi vệ tinh trong hệ thống GPS mất khoảng 11 giờ 58 phút để bay vòng quay trái đất, ở độ cao hơn 17.000km so với mặt biển.Ban đầu, hệ thống GPS dự định được sử dụng bởi quân đội Mỹ để triển khai hệ thống vũ khí.
Tuy nhiên đến năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã mở rộng hệ thống GPS trở thành một tiện ích toàn cầu. Ngoài GPS của Mỹ, Nga cũng đã phát triển hệ thống định vị toàn cầu của riêng mình với tên gọi GLONASS. Các nước trong liên minh châu Âu cũng đang xây dựng hệ thống định vị của riêng mình với tên gọi Galileo, dự kiến bắt đầu hoạt động từ năm 2014.
- Định dạng ảnh động GIF, một trong những định dạng ảnh phổ biến nhất hiện nay được Steve Wilhite, một nhân viên của CompuService, công ty thương mại trực tuyến đầu tiên tại Mỹ, giới thiệu lần đầu tiên vào 17/6/1987, cách đây hơn 25 năm.
- Định dạng file nén ZIP được Phillip Katz phát minh lần đầu tiên vào năm 1986. Phần mềm để sử dụng nén file vào thời điểm bấy giờ là PKZip, do công ty phần mềm PKWare Inc, nơi Phillip Katz làm việc, phát triển và xây dựng.- Những biểu tượng cảm xúc (emoticons) lần đầu tiên được sử dụng vào ngày 19/9/1982 bởi Scott Fahlman, một nhà khoa học máy tính tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ). Fahlman đã tạo một khuôn mặt hạnh phúc và một khuôn mặt buồn với một dấu hai chấm, một dấu gạch ngang và một dấu ngoặc đơn.
Scott Fahlman và biểu tượng cảm xúc đầu tiên trên thế giới. |
- Bàn phím QWERTY phổ biến ngày nay được thiết kế bởi Christopher Sholes, người phát minh ra máy đánh chữ vào năm 1868. Ban đầu, Sholes đã phát minh bàn phím máy đánh chữa theo dạng alphabet, tuy nhiên sau đó ông nhận ra rằng điều này không tối ưu cho việc gõ ký tự, đặc biệt các ký tự gần nhau không hẳn đã luôn được thường xuyên sử dụng, sau đó ông phát minh ra bàn phím QWERTY được cho là tối ưu nhất cho việc gõ nội dung.
Ngoài bàn phím dạng QWERTY, hiện có rất nhiều loại bàn phím khác nhau là “biến thể” của loại bàn phím này hoặc nhiều loại bàn phím được thay thế vị trí các phím sao cho phù hợp với các mục đích sử dụng khác nhau.
- Chiếc điện thoại kèm màn hình cảm ứng đầu tiên trên thế giới được ra mắt vào năm 1992, với tên gọi IBM Simon. Đây cũng được xem là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới, mặc dù khái niệm smartphone vào thời điểm đó chưa xuất hiện.
IBM Simon được xem là “cụ tổ” của smartphone ngày nay. |
- Chuẩn kết nối Bluetooth được đặt theo tên một vị vua người Đan Mạch, người đã có công thống nhất nhiều vùng đất thành một. Vua Harald "Bluetooth" Gormsson sinh năm 935 và mất vào năm 985.
- Không ít người nghĩ rằng Wi-Fi là viết tắt của một từ nào đó. Tuy nhiên, trên thực tế, Wi-Fi không phải là một từ viết tắt và thực ra là một từ không có ý nghĩa. Tên gọi Wi-Fi được đưa ra bởi hãng tư vấn thương hiệu Interbrand.- Hơn 3 triệu USB được sản xuất và bán ra mỗi năm.
- Chuột máy tính đầu tiên trên thế giới được làm bằng gỗ, ra đời vào năm 1963 bởi Douglas Engelbart, một giáo sư viện nghiên cứu Stanford (Mỹ). Tuy nhiên, phải đến 27/4/1981, hãng Xeror mới bắt đầu bán ra hệ thống máy tính Xeror 810. Đây là hệ thống máy tính cá nhân đầu tiên được bán ra thị trường có kèm chuột máy tính, như một thiết bị ngoại vi.
Douglas Engelbart và chuột máy tính đầu tiên trên thế giới. |
- Định dạng ảnh JPEG, một trong những định dạng ảnh nổi tiếng nhất thế giới, là chữ viết tắt của Joint Photographic Experts Group, tổ chức đứng đằng sau và chịu trách nhiệm phát triển chuẩn ảnh JPEG. Trong Windows, định dạng ảnh JPEG thường chỉ được nhận dạng với đuổi JPG, do Windows (các phiên bản cũ) chỉ hạn chế phần mở rộng của file với 3 ký tự. Một file ảnh JPEG sẽ có kích cỡ tối đa 65535×65535 pixel.
- Tin nhắn văn bản hay SMS (Short Message Service) được phát triển vào năm 1984 bởi 2 tập đoàn viễn thông của Đức và Pháp là Deutsche Telekom và France Telecom, mà cụ thể là 2 nhà khoa khoa học Friedhelm Hillebrand (Đức) và Bernard Ghillebaert (Pháp).Tin nhắn SMS đầu tiên được gửi thông qua mạng viễn thông GSM Vodafrone của Anh vào ngày 3/12/1992, từ Neil Papworth của hãng công nghệ Sema Group (nay là hãng công nghệ Mavenir System), sử dụng một máy tính cá nhân, gửi đến đồng nghiệp của mình là Richard Jarvis, sử dụng máy điện thoại kiêm chức năng nhắn tin Orbitel 901. Nội dung của tin nhắn SMS đầu tiên này là “Merry Christmas” (Chúc mừng Giáng sinh)
- Năm 1910, chiếc tai phone đầu tiên trên thế giới được Nathaniel Baldwin , một nhà sáng chế người Mỹ, phát minh ra trong nhà bếp của mình ở bang Utah (Mỹ).
Theo Dân Trí