Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Những sếp ngoại đưa doanh nghiệp vượt dịch tại Việt Nam

Đằng sau những doanh nghiệp lớn đang gồng mình vượt qua khó khăn chồng chất do đại dịch Covid-19 là các thuyền trưởng luôn vững vàng trước sóng gió.


Đằng sau những doanh nghiệp lớn đang gồng mình vượt qua khó khăn chồng chất do đại dịch Covid-19 là các thuyền trưởng luôn vững vàng trước sóng gió.

Giữa vòng xoáy của đại dịch Covid-19 và sức ảnh hưởng tàn khốc của nó, nhiều doanh nghiệp đã không trụ nổi và buộc phải rút khỏi thị trường. Cùng lúc đó, cũng có những doanh nghiệp vẫn đang đứng vững với sứ mệnh đưa nền kinh tế sớm phục hồi trở lại trong thời gian tới.

Với nhiệm vụ đảm bảo sự an toàn cho doanh nghiệp và người lao động cũng như duy trì trạng thái vững vàng nhất cho doanh nghiệp để sớm kinh doanh, sản xuất trở lại trong trạng thái bình thường mới, những người lãnh đạo là người dẫn đường, là điểm tựa và cũng là nguồn động lực cho cả bộ máy.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Zing đã có cơ hội được lắng nghe chia sẻ của những “sếp ngoại” tại Việt Nam về khó khăn trong điều hành, quản trị doanh nghiệp, trong từng quyết định cũng như trọng cuộc sống hàng ngày dưới tác động của nhân tố bất ngờ mang tên Covid-19.

Trước tác động của đại dịch, hầu hết doanh nghiệp và người lao động đều đã trải qua một quãng thời gian khó khăn. Tại SABECO, thách thức lớn nhất là đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người lao động. Thách thức lớn thứ hai là giữ được việc làm cho tất cả người lao động. Điều này sẽ giúp họ duy trì được thu nhập để duy trì cuộc sống. Do đó, chúng tôi cố gắng cắt giảm một số chi phí nội bộ, chỉ chi cho những hoạt động cần thiết và hoãn một số khoản đầu tư, từ đó có thêm ngân sách để hỗ trợ nhân viên.

Thực tế, do những hạn chế về đi lại và vận chuyển hàng hóa, SABECO cũng bị ảnh hưởng về doanh thu đại dịch. Hiện nay, SABECO có gần 30 cơ sở sản xuất và một số cơ sở phải tạm dừng hoạt động trong thời gian dịch bệnh.

Chúng tôi cố gắng để phân bổ sản lượng sản xuất cho tất cả các công ty con và công ty liên kết (SABECO giữ 10-20% cổ phần) để đảm bảo tất cả các doanh nghiệp này đều có doanh thu duy trì việc làm và thu nhập cho nhân viên thay vì chỉ dồn cho các công ty con của SABECO. Chúng tôi nỗ lực quan sát dòng tiền của từng doanh nghiệp, thậm chí gia hạn thêm các khoản thanh toán để họ có thể tồn tại qua giai đoạn khó khăn.

Vấn đề thứ ba là cần phải giúp đỡ những người dân xung quanh chúng ta để không để ai bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi đã và đang đóng góp cho nền kinh tế nhưng cũng được hưởng lợi từ nền kinh tế này. Vì vậy, tôi nghĩ mình có trách nhiệm phải giúp đỡ cộng đồng.

SABECO đã quyên góp cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tài trợ máy thở, trang thiết bị bảo hộ, các túi nhu yếu phẩm cho 5.000 hộ dân khó khăn cũng như 600 hộ kinh doanh F&B để san sẻ một phần khó khăn của họ, giúp họ có thể ổn định việc kinh doanh và sẵn sàng trở lại hoạt động ngay khi có thể.

Điều quan trọng là chúng tôi có thể đảm bảo giữ hoạt động kinh doanh, giữ an toàn cho nhân viên và giúp đỡ cộng đồng xung quanh cùng vượt qua khó khăn. Đó cũng là lý do các chiến dịch của chúng tôi đều nhấn mạnh tinh thần “Đi lên cùng nhau”.

doanh nhan nuoc ngoai vuot dich tai Viet Nam anh 1

Ở thời điểm khó khăn này sức mạnh đoàn kết của chúng tôi được phát huy mạnh mẽ hơn. Các nhân viên trở nên gắn kết hơn và có được sự quan tâm chu đáo từ công ty như đảm bảo an toàn sức khỏe, tinh thần, ổn định việc làm cho nhân viên. Khi nhân viên chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm thì họ càng thêm gắn kết như một đại gia đình SABECO.

Điều này đã giúp chúng tôi thêm mạnh mẽ và vững vàng vượt qua khó khăn cùng nhau. Chúng tôi cũng tăng cường hoạt động truyền thông nội bộ, từ đó cập nhật cho nhân viên về tình tình thực tế cũng như duy trì động lực cho họ.

Tôi nhìn về công ty thấy cũng giống như trong một gia đình, có bố mẹ và con cái. Bố mẹ luôn biết hy sinh vì những điều tốt đẹp cho con cái của mình. Trong suốt một năm rưỡi hơn tôi chỉ có 2 tuần lễ để về thăm gia đình. Ai cũng có vấn đề riêng phải lo, nhưng khi là lãnh đạo một doanh nghiệp, chúng tôi luôn duy trì những suy nghĩ và hành động tích cực, bởi tất cả nhân viên lúc này đang nhìn vào lãnh đạo, nhìn vào tôi, khi tôi giữ được động lực và tinh thần làm việc tốt thì các nhân viên công ty cũng vậy.

Dịch bệnh ập đến như một cơn giông lớn nhưng một ngày nào đó, cơn giông sẽ qua đi và mặt trời lại ló rạng. Chúng tôi cần giữ động lực và việc làm cho nhân viên để khi trời quang mây tạnh, Sabeco có thể tiếp tục hành trình của mình.

Thời gian này cũng là một khoảng lặng để tôi và những thành viên trong đội ngũ quản trị của SABECO nhìn nhận lại nhiều điều. Khi tiếp nhận chuyển giao SABECO vào nửa cuối năm 2018, chúng tôi có rất nhiều kế hoạch thay đổi. Đội ngũ nhân viên SABECO đã phải làm việc không ngừng nghỉ từ thời điểm đó. Tuy nhiên, dịch bệnh ập đến đã buộc chúng tôi phải chậm lại một chút. Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt cho đội ngũ quản trị trong việc nhìn nhận, đánh giá lại và điều chỉnh chiến lược cho những năm tới.

Đối với Lazada Việt Nam, thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt là làm sao để vẫn có thể vận hành ổn định, thông suốt trong giai đoạn giãn cách xã hội để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân, đồng thời, hỗ trợ cho các đối tác doanh nghiệp và nhà bán hàng duy trì được hoạt động kinh doanh trong bối cảnh “ai ở đâu thì ở yên đó”.

Thách thức này đã đưa đến quyết định khó khăn nhất của tôi cũng như ban lãnh đạo Lazada Việt Nam, rằng liệu chúng tôi có nên tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hay không? Rất dễ để nhận thấy xu hướng đầu tư phổ biến trong giai đoạn vừa qua được nhiều doanh nghiệp áp dụng là đầu tư ở mức cầm chừng để chờ xem tình hình diễn biến ra sao.

Quyết định này càng trở nên khó khăn hơn nữa khi chúng tôi không thể biết chắc chắn tình hình giãn cách xã hội sẽ diễn ra trong bao lâu. Nếu Lazada tiếp tục đầu tư hỗ trợ những nhà bán hàng nhưng lại không thể giao hàng thì chắc chắn cả người mua và người bán đều sẽ mất kiên nhẫn và bị ảnh hưởng không nhỏ. Đó chắc chắn là điều chúng tôi không hề mong muốn.

Và cuối cùng, dựa trên niềm tin vào Chính phủ Việt Nam cũng như các đối tác, nhà bán hàng, người tiêu dùng và đội ngũ nhân sự của mình, chúng tôi đã quyết định tiếp tục đầu tư, nỗ lực hết mình để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Kết quả là ngay sau đợt giãn cách, những shipper của Lazada đã được tiêm vaccine đầy đủ và là những người đầu tiên ra đường hoạt động, giao đi những đơn hàng tồn đọng trong nhiều tuần trước đó.

doanh nhan nuoc ngoai vuot dich tai Viet Nam anh 2

Một quyết định khác cũng rất quan trọng là đầu tư một cách bài bản vào logistic. Nhờ đó, chúng tôi có thể chủ động vận chuyển hơn 80% lượng đơn hàng, rút ngắn thời gian giao hàng. Đó cũng là lý do mà giữa bối cảnh hàng hóa ùn ứ, giao vận khó khăn, chúng ta vẫn thấy các shipper của Lazada xuất hiện đầu tiên và giao hàng rất nhanh ngay sau mỗi tin nới lỏng giãn cách.

Nhiều người nói dịch bệnh là cơ hội lớn để ngành thương mại điện tử vượt mặt bán lẻ truyền thống, nhưng cá nhân tôi không cho rằng Covid-19 là một cơ hội. Đại dịch này thật sự đang gây ra những trở ngại rất lớn với nhân loại, với toàn xã hội và với nhiều ngành kinh doanh. Chúng ta chứng kiến sự gia tăng về nhu cầu mua sắm hàng hoá của người dân, nhưng đồng thời các doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều để có sự chuẩn bị về mọi mặt và nhận được sự tín nhiệm của người tiêu dùng.

Đại dịch ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả chúng ta và dĩ nhiên tôi cũng vậy. Là tổng giám đốc của cả Lazada Việt Nam và Thái Lan, cùng với việc phải tham dự nhiều cuộc họp quan trọng tại trụ sở chính của Tập đoàn Lazada ở Singapore, nên việc di chuyển giữa 3 quốc gia đã trở thành một thói quen trong cuộc sống của tôi. Trong giai đoạn trước dịch, tôi lần lượt dành 1 tuần ở Việt Nam, 1 tuần ở Thái Lan và 2 ngày ở Singapore. Đây là lịch trình di chuyển đều đặn của tôi mỗi 2 tuần.

Tuy nhiên đại dịch đã khiến tôi không thể gặp mặt trực tiếp nhiều đồng nghiệp trong năm qua. Tôi đã trải qua tổng cộng 7 lần cách ly và giờ tôi nghĩ mình đã học cách làm quen với điều đó. Bên cạnh đó, tôi và đội ngũ nhân viên cũng gặp khá nhiều khó khăn khi trao đổi công việc qua các nền tảng online, thay vì có thể gặp mặt trực tiếp, tương tác và thoải mái trao đổi, chia sẻ cùng nhau như trước đây.

Khi cả Việt Nam và Thái Lan đều đang dần nới lỏng các quy định về cách ly và giãn cách, tôi hy vọng đây sẽ là tín hiệu tích cực cho tất cả chúng ta. Mong rằng sẽ không còn đợt bùng phát dịch bệnh nào trong tương lai và cuộc sống của tất cả chúng ta sẽ sớm trở lại bình thường.

Sự lây lan rộng rãi của biến chủng Covid-19 và những bất ổn về kinh tế đã mang đến nhiều thách thức cho xã hội và Coteccons nói riêng. Là người chịu trách nhiệm của tổ chức gần 2.000 nhân viên, mỗi quyết định của tôi trong giai đoạn này đều mang tính bước ngoặt. Với diễn biến lây lan và bất ổn của Covid-19 thời gian qua, tôi có thể hiểu được trạng thái của Chính phủ Việt Nam khi đứng trước sự lựa chọn: Hạn chế lây lan để ưu tiên cho sức khỏe con người hay bảo đảm kinh doanh?

Bất ổn là có, đó là cảm giác chung của tất cả chúng ta. Coteccons vừa trải qua giai đoạn chuyển đổi và tái cơ cấu trong thời gian qua và đang sẵn sàng cho chu kỳ tăng trưởng mới. Tuy nhiên, giãn cách xã hội và ưu tiên đối phó việc bùng phát dịch bệnh đã khiến mục tiêu này ảnh hưởng mạnh và gây ra nhiều khó khăn về khả năng phục hồi, chậm tiến độ dự án, dừng công trình và các hoạt động thường ngày trong công ty.

Chúng tôi đã tập trung nguồn lực để bảo đảm vận hành tốt ở tình trạng 100% làm việc tại nhà, phòng ngừa dịch bệnh và ưu tiên việc duy trì tương tác liên tục và hiệu quả với các bên liên quan.

Khó khăn là vậy nhưng hoàn cảnh khiến chúng ta thay đổi. Triết gia Hy Lạp Heraclitus từng nói cuộc sống là dòng chảy. Mọi thứ liên tục chuyển động và trở nên khác đi so với nó trước đó. Đại dịch đã khiến tôi thay đổi nhiều thói quen, cân bằng thời gian dùng thiết bị điện tử và du lịch tại gia thông qua những trang sách.

Trong 3 tháng qua, tôi đã đọc hơn 18 đầu sách và viết nhiều hơn. Ban đầu là ghi chép những điều chắt lọc được từ sách, sau đó viết những cảm nhận sau mỗi buổi họp, viết lại nhật ký làm việc và mục tiêu cá nhân cho mỗi tuần. Cuối cùng là viết ra những suy nghĩ trăn trở nhất trong lòng để thấu hiểu bản thân và từ đó cách đưa ra những quyết định phù hợp.

doanh nhan nuoc ngoai vuot dich tai Viet Nam anh 3

Sau đó, tôi quyết định đi ra ngoài vào cuối tuần sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tôi nghĩ mình cần phải san sẻ một phần để thể hiện sự biết ơn cuộc sống, làm vơi đi khó khăn của những người yếu thế, hỗ trợ tinh thần trực tiếp đến các nhân viên y tế ở các bệnh viện đang căng mình vì Covid-19. Do vậy, tôi đã trở thành lái xe và người giao hàng vào cuối tuần cùng một vài người bạn và nhân viên để tiếp tế lương thực và nhu yếu phẩm cho những người gặp khó khăn.

Chứng kiến sự kiên cường của những người xung quanh, tôi như được chữa lành trước nghịch cảnh khó khăn. Điều này rồi cũng qua đi: Thay đổi, khủng hoảng và sau đó là khởi đầu với những hy vọng mới. Covid-19 mang đến nỗi đau cho xã hội và nền kinh tế, nhưng cũng là tác nhân tạo ra thay đổi. Nó buộc chúng ta phải thức tỉnh và nhìn thế giới một cách khác, thực tế hơn.

Với Coteccons, dịch bệnh là “phép thử” để chúng tôi mạnh mẽ hơn. Nghịch cảnh đã buộc chúng tôi phải giải nhanh, giải hiệu quả bài toán sáng tạo. Chúng tôi đã ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa các mảng xây dựng và kinh doanh đầu tư trong các lĩnh vực như EPC, hạ tầng, trung tâm dữ liệu, trường học, nhà ở xã hội… Điều này tạo nên một hệ sinh thái hài hòa và bền vững cho Coteccons khi không còn phụ thuộc vào một định hướng duy nhất là thị trường bất động sản.

Mặt khác, nghịch cảnh này cũng giúp con người kết nối chặt chẽ với nhau hơn. Chúng tôi đã viết cho các khách hàng, đối tác những email nội dung sâu sắc và thấu cảm hơn trong giai đoạn này, ưu tiên vào việc thể hiện cảm xúc, chia sẻ, tìm ra những suy nghĩ đồng chí hướng thay vì phong cách chuyên nghiệp của những email công việc thông thường.

Ngoài ra, tôi cũng có dịp trò chuyện cùng bạn bè, đối tác đến từ nhiều nền kinh tế đã phục hồi để học hỏi từ các quyết định lớn của họ, từ đó có niềm tin mạnh mẽ hơn vào sự phục hồi của doanh nghiệp.

Những câu chuyện thực tế về quá trình ứng phó và hồi phục của họ chính là một ví dụ để Coteccons học hỏi. Thay vì loay hoay với những khó khăn, chúng ta có thể thử nhìn thế giới từ một góc nhìn khác, chuẩn bị thật tốt và vững tâm cho mọi tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới.

'Siêu thị 0 đồng' và tình cảm của doanh nhân Việt trong lúc dịch

Siêu thị 0 đồng hay ATM oxy là những mô hình đầy ý nghĩa với cộng đồng trong lúc dịch. Đó là nỗ lực, tình cảm của cộng đồng doanh nhân đồng hành cùng đất nước vượt qua khó khăn.

Hà Bùi - Ngô Minh

Đồ họa: Hà My

Bạn có thể quan tâm