5. Xe mô tô Harley-Davidson
Hệ số lợi nhuận hoạt động: 17%.
Doanh thu sản phẩm: 5,3 tỷ USD.
Thị phần: 54,9%.
Thị trường: Xe mô tô.
Hãng mô tô Harley-Davidson hơn 100 năm tuổi đã lập ra cộng đồng người mê xe gắn máy với hơn 1 triệu thành viên từ năm 1938. Hội này giúp Harley-Davidson thúc đẩy doanh số bán hàng và tần suất các sự kiện. Không ngạc nhiên khi Harley-Davidson là một trong 100 thương hiệu đáng giá nhất thế giới, theo xếp hạng của Interbrand 2013.
Sự nổi tiếng của Harley-Davidson vượt khỏi phạm vi nước Mỹ, vươn lên tầm thế giới. Năm 2013 là lần thứ năm Trung Quốc tổ chức ngày hội Harley-Davidson thường niên toàn quốc, thu hút hàng nghìn tay lái. Harley-Davidson cho biết khoảng 168.000 xe, tương ứng 55% tổng số đăng ký xe mô tô mới tại Mỹ mang thương hiệu này. Doanh thu các dòng xe máy cũng như phụ tùng của công ty này tăng 6,4% trong năm ngoái, từ 4,9 lên 5,3 tỷ USD. Ngoài việc kinh doanh xe mô tô, Harley-Davidson còn cung cấp các dịch vụ về phương tiện và hỗ trợ tài chính, nhờ đó mà hệ số biên lợi nhuận đạt gần 20%.
4. Sữa Enfamil
Hệ số lợi nhuận hoạt động: 24%.
Doanh thu sản phẩm: 2 tỷ USD.
Thị phần: 40%.
Thị trường: Thực phẩm.
Enfamil là một trong số những thương hiệu sữa bột cho trẻ sơ sinh bán chạy nhất thế giới. Mặc dù đứng sau Similac của Abbott về thị phần, nhưng Enfamil được khẳng định là thương hiệu sữa số một mà các bác sỹ nhi khoa khuyên dùng. Nhãn hiệu sữa này rõ ràng đã giúp cho công ty Mead Johnson giữ vững mức lợi nhuận trong suốt 10 năm qua.
Năm 2013, doanh thu thuần của công ty đạt 4,2 tỷ USD, trong đó phần lớn từ nhãn hiệu sữa Enfamil. Mặc dù việc giảm tỷ lệ sinh ở Mỹ làm dấy lên mối lo ngại về tương lai của dòng sữa trẻ em này, nhưng công ty vẫn tiếp tục mở rộng thị trường, đặc biệt là ở những nền kinh tế mới nổi. Một nửa trong số doanh thu của dòng sữa này đến từ các nước châu Á.
3. Nước giải khát Coca-Cola
Hệ số lợi nhuận hoạt động: 24%.
Doanh thu sản phẩm: 13,7 tỷ USD.
Thị phần: 42,4%.
Thị trường: Nước giải khát.
Năm 2013, tổng doanh thu của Coca-Cola giảm 2,4% do khách hàng dần chuyển sang những đồ uống lành mạnh và ít đường hơn. Tuy vậy thương hiệu trên vẫn thống lĩnh thị trường nước giải khát thế giới. Công ty với tên tuổi 128 năm này chiếm 36% thị trường Mỹ năm 1977 và tăng lên 42% trong năm 2013.
Coca-Cola phân phối hơn 500 loại đồ uống khác nhau trên toàn thế giới. Trong năm 2013, công ty này bán được tổng cộng 28,2 tỷ lon Coke và đồ uống các loại, tăng 2% so với năm trước đó. Theo đó, Coca-Cola chỉ xếp sau Google và Apple trong danh sách 100 thương hiệu đáng giá nhất toàn cầu của Interbrand.
2. Nước giải khát Monster
Hệ số lợi nhuận hoạt động: 26%.
Doanh thu sản phẩm: 2,1 tỷ USD.
Thị phần: 34,6%.
Thị trường: Nước giải khát.
Cũng giống như các thương hiệu nước tăng lực khác, Monster đến với người tiêu dùng nhờ những quảng cáo hào nhoáng và nhãn mác sặc sỡ. Những chiến thuật kiểu này thường thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ. Lượng cafein trong một lon nước Monster thường cao gấp 5 lần so với một lon Coke, nên đối tượng tiêu dùng Monster hướng đến không phải là trẻ em và phụ nữ có thai. Mặc dù vướng phải nhiều điều tiếng trên báo chí, doanh thu của tập đoàn nước giải khát Monster vẫn tăng đều đặn trong những năm gần đây, với mức tăng hơn 9% trong năm 2013.
1. Điện thoại iPhone
Hệ số lợi nhuận hoạt động: 41%.
Doanh thu sản phẩm: 91,3 tỷ USD.
Thị phần: 45%.
Thị trường: Công nghệ.
Theo trung tâm nghiên cứu Pew, đại bộ phận dân Mỹ dùng điện thoại thông minh. Năm 2013, 45% trong tổng số điện thoại thông minh được bán ra thị trường là iPhone. iPhone là một trong những sản phẩm mang lại lợi nhuận cao nhất thế giới và cũng là nguồn thu chính của Apple. Năm 2013, doanh thu của hãng này tăng 14,4 tỷ USD (khoảng 9%) so với năm trước đó, phần lớn là nhờ doanh số bán điện thoại iPhone 5,5S và 5C. Doanh thu ròng của iPhone đạt 91,3 tỷ USD trong năm 2013, tăng 16% so với năm 2012. Theo xếp hạng của Interbrand, Apple là thương hiệu đắt giá nhất thế giới năm 2013.