"Chip, RAM là ưu tiên số một"
Lưu tâm đến tốc độ vi xử lý, dung lượng RAM là một thói quen thường thấy của nhiều người khi chọn mua smartphone Android. Tuy nhiên, cách nghĩ này chỉ đúng với những smartphone giá rẻ, khi cấu hình là một tiêu chí quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm.
Hãy chọn chiếc smartphone cho bạn cảm giác dùng thoải mái nhất, đừng quan tâm nhiều đến thông số cấu hình. Ảnh: BGR. |
Trong khi đó, với những smartphone tầm trung hoặc cao cấp, thông số cấu hình không còn là một điều quá quan trọng nếu bạn chỉ sử dụng điện thoại cho những nhu cầu thông thường. Hãy để ý những yếu tố mang tính trải nghiệm cá nhân như hình ảnh hiển thị, các góc cạnh, chi tiết trên thân máy,...Một số smartphone có cấu hình chỉ "tầm tầm" nhưng kiểu dáng thời trang, cầm gọn tay, các chi tiết gia công kỹ lưỡng vẫn đáng để dùng hơn một smartphone có chip, RAM "khủng" nhưng vỏ ngoài ọp ẹp, màn hình bám vân tay.
Để có được một cấu hình tốt trong tầm giá, không ít hãng điện thoại đã cắt giảm chất lượng vỏ máy, loa, thậm chí là màn hình,..Một chiếc smartphone Android đáng mua phải cân bằng được chất lượng phần cứng lẫn chất lượng thành phẩm. Hãy nhớ rằng bạn đang mua một chiếc điện thoại chứ không phải một chiếc máy tính, và cấu hình không phải là tất cả.
"Nhìn thông số mAh đoán tuổi thọ pin"
Nhiều người dùng hiện vẫn "phán" pin tốt hay không dựa vào thông số mAh. Tất nhiên, một chiếc smartphone sở hữu pin dung lượng lớn vẫn tốt hơn dung lượng thấp, nhưng hãy để ý đến những yếu tố khác như phần mềm, độ lớn màn hình,... Chẳng hạn, một smartphone 4,5 inch pin 2.000 mAh vẫn có thể dùng được lâu hơn một chiếc smartphone pin 2.100 mAh nhưng màn hình lên đến 5,5 inch. Và cũng tùy nhà sản xuất mà một chiếc điện thoại có được trang bị thêm phần mềm tiết kiệm pin hay không. Xét nhiều yếu tố, thông số mAh thực tế chỉ mang tính tham khảo.
Hãy trải nghiệm một chiếc smartphone đủ lâu để cảm nhận độ hao pin của nó trước khi chọn mua, hoặc tham khảo thời lượng pin sử dụng thực tế từ những người dùng trước đó thay vì đặt niềm tin tuyệt đối vào thông số mAh.
"Camera nhiều 'chấm' thì tốt hơn"
Cho đến hiện tại, thông số Megapixel vẫn là một chiêu quảng cáo chưa "lỗi thời" với những nhà sản xuất điện thoại. Phần đông người dùng vẫn tin rằng số "chấm" camera càng cao thì cho ảnh đẹp hơn. Nhưng trên thực tế, độ phân giải camera chỉ cho thấy khả năng rửa ảnh khổ lớn của một chiếc điện thoại và mang lại chút tiện lợi hơn khi cắt cúp ảnh. Một chiếc smartphone chụp ảnh đẹp cần hội đủ các điều kiện như ống kính tốt (ống G hoặc ống Carl Zeiss càng tốt), cảm biến lớn và một phần mềm chụp ảnh được lập trình tốt, tận dụng được toàn bộ sức mạnh của camera.
Phần mềm chụp ảnh, ống kính và cảm biến mới là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến chất lượng ảnh chụp. Trên các dòng máy tầm trung và giá rẻ, các hãng sản xuất thường chỉ dùng thông số Megapixel để quảng bá. |
Bên cạnh đó, một chiếc smartphone có camera chỉ 8 MP nhưng cho upload ảnh độ phân giải cao (2.048 pixel) lên Facebook vẫn tốt hơn một chiếc smartphone 13 MP nhưng chỉ upload được ảnh thường (960 pixel). Trong trường hợp này, thông số "chấm" trên camera khá vô nghĩa.
"Chiếc Android nào cũng như nhau"
Chỉ quan tâm đến cấu hình, nên không ít người dùng Android bỏ qua phần mềm, vốn là yếu tố rất quan trọng, và cho rằng "các máy Android đều như nhau" khi đều dùng hệ điều hành của Google.
Đây là một quan niệm sai lầm. Tuy đều dùng Android của Google, nhưng mỗi hãng điện thoại đều đã "chế biến" lại các bản Android khác nhau sao cho phù hợp với thiết bị của mình. Một dòng máy luôn được cập nhật các bản sửa lỗi, bản nâng cấp sẽ tốt hơn những dòng máy "bán xong để đó", bỏ rơi người tiêu dùng. Hãy chọn mua smartphone của những thương hiệu có danh tiếng để nhận được hỗ trợ phần mềm lâu dài.
Giao diện trên các máy Android thường bị người tiêu dùng "bỏ qua", dù ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm khi sử dụng. Hiện chỉ một vài hãng làm được giao diện tốt, đa phần đều tỏ ra "ôm đồm" nhiều chi tiết, thông tin, gây nặng máy. Ảnh: The Verge. |
Bên cạnh đó, tuy đều chạy Android, nhưng giao diện người dùng trên các máy Samsung, LG, HTC, Sony,... đều rất khác nhau. Trong số những thương hiệu lớn, độ tiện lợi trong giao diện của Samsung, LG được đánh giá rất cao. Nhưng bù lại, giao diện của Sony lại giành điểm cộng khi xét đến độ thẩm mỹ. Lựa chọn giữa "gỗ" hay "nước sơn" vẫn thuộc về người tiêu dùng.
Trên thực tế, giao diện "thuần Android" của các máy Nexus mới thực sự nhẹ nhàng và giống với phong cách Android của Google nhất. Không ít người dùng có xu hướng cài thêm các bộ giao diện mang phong cách "Android gốc" như Nova Launcher, Apex,... để thiết bị của mình hoạt động trơn tru hơn. Đây cũng là một giải pháp tốt, giúp người dùng có những trải nghiệm gần giống với Android nguyên bản và không quá phụ thuộc vào giao diện của hãng sản xuất trong tương lai.