Thế giới
Quân sự
Những rồng lửa đáng sợ nhất thế giới
- Chủ nhật, 21/9/2014 19:00 (GMT+7)
- 19:00 21/9/2014
Pháo phản lực bắn loạt BM-30 Smerch với tầm bắn 90 km mang theo đầu đạn chống tăng tự dẫn được đánh giá là rồng lửa uy lực nhất hiện nay.
|
BM-21 Grad là hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MRLS) được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Hệ thống được phát triển vào đầu những năm 1960, đưa vào sử dụng trong quân đội Liên Xô từ năm 1963. BM-21 sử dụng đạn rocket không điều khiển cỡ nòng 122 mm, hệ thống được đặt trên khung gầm xe tải Ural-375 6x6 bánh. Từ năm 1976, xe mang giá phóng được thay thế bằng loại Ural-4320 6x6 bánh hiện đại hơn. Mỗi xe phóng mang theo 40 đạn rocket trên giá phóng có thể điều chỉnh kèm theo kính ngắm quang học PG-1M. Điểm đáng sợ của rồng lửa BM-21 là nó có thể phóng đi 40 đạn rocket chỉ trong vòng 20 giây. Một tiểu đoàn gồm 18 xe phóng có thể dội xuống khu vực mục tiêu tới 720 đạn rocket chỉ trong một thời gian rất ngắn. BM-21 có tầm bắn từ 20-40 km tùy thuộc loại đạn rocket. Ảnh: Military-today |
|
RM-70 là một biến thể của BM-21 do Tiệp Khắc cũ sản xuất với một số cải tiến. Xe mang phóng Ural-375 được thay thế bằng xe mang phóng Tatra T813 8x8 bánh. RM-70 vẫn sử dụng bệ phóng, cỡ nòng và cơ số đạn rocket tương tự như BM-21, điểm khác là trên xe có một hệ thống nạp đạn tự động chứa 40 đạn rocket bố trí phía sau buồng lái. Hệ thống nạp đạn tự động này có thể tái nạp đạn cho bệ phóng chỉ trong vòng 2 phút. Mỗi xe phóng RM-70 với 80 đạn tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu mặt đất trên khu vực rộng 3 hecta. Xe mang phóng được bọc giáp khá tốt, phía trên cabin có một súng máy 7,62 mm. RM-70 có tầm bắn từ 20-36 km. Ảnh: Military-today |
|
MRLS Jobaria của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất gây sốc bởi số lượng đạn rocket mà nó mang theo. Mỗi xe mang phóng chứa đến 4 cụm phóng với 60 đạn/cụm, tổng số đạn rocket mang theo tới 240 quả. Jabaria là loại MRLS mang nhiều đạn rocket nhất thế giới. Thực ra Jabaria không phải là một thiết kế mới hoàn toàn, nó là sự kết hợp nhiều giá phóng của BM-21 lên cùng một xe mang phóng. Jobaria được đánh giá cao về sức mạnh hỏa lực song lại đặt ra nhiều vấn đề về khả năng cơ động. MRLS này có tầm bắn tối đa 37 km. Ảnh: Media.moddb |
|
Astros-II là một MRLS được sản xuất bởi công ty Avibrás, Brazil. Hệ thống thiết kế theo dang module có thể sử dụng nhiều loại đạn rocket khác nhau cỡ nòng từ 127-300 mm. Bệ phóng đặt trên khung gầm xe tải Tectran VBT-2028 6x6. Mỗi khẩu đội Astros-II có 6 xe mang phóng, 6 xe tiếp đạn, 1 xe radar điều khiển hỏa lực. Astros-II có thể bắn các loại đạn rocket SS-30 127 mm, cơ số 32 đạn tầm bắn 30 km, SS-40 180 mm cơ số 16 đạn tầm bắn 35 km, SS-60 300 mm cơ số 4 đạn tầm bắn 60 km, SS-80 300 mm cơ số 4 đạn tầm bắn 90 km. Ảnh: Wikipedia |
|
LAR-160 là một loại MRLS độc đáo của Israel. Bệ phóng được thiết kế với 2 cụm phóng dạng container đóng gói sẵn chứa 13 đạn rocket cỡ nòng 160 mm. LAR-160 có thể bắn đi 26 đạn rocket chỉ trong vòng 60 giây, quá trình tái nạp đạn chỉ mất khoảng 5 phút. Cabin xe mang phóng được bọc giáp khá tốt giúp bảo vệ ê kíp vận hành trước các loại vũ khí cá nhân hay mảnh đạn pháo. LAR-160 có tầm bắn tối đa khoảng 45 km, hệ thống này đã được sử dụng trong cuộc xung đột Nga-Gruzia năm 2008. Ảnh: Photobucket |
|
Rồng lửa TOS-1 gây ra nỗi khiếp đảm cho đối phương bởi loại đạn nhiệt áp mà nó phóng đi. TOS-1 sử dụng đạn rocket không điều khiển cỡ nòng 222 mm, bệ phóng đặt trên khung gầm xe bánh xích BM-1 sửa đổi từ xe tăng chiến đấu chủ lực T-72. Mỗi bệ phóng chứa 24 đạn rocket không điều khiển. Hệ thống có thể phóng đi 24 quả đạn chỉ trong vòng 6-12 giây, nó sử dụng đầu đạn nhiệt áp với khả năng hủy diệt mục tiêu rất ghê gớm. TOS-1 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực với máy tính đường đạn, hệ thống định tầm laser 1D14, kính ngắm toàn cảnh TKN-3A cùng hệ thống định vị GPK-59. TOS-1 có tầm bắn hiệu quả từ 6-9km. Ảnh: Defencetalk |
|
M270 là loại MRLS chủ lực của quân đội Mỹ, hơn 1.300 hệ thống với hơn 700.000 đạn rocket đã được sản xuất. Rồng lửa M270 sử dụng đạn rocket không điều khiển cỡ nòng 227 mm cơ số 12 đạn/xe mang phóng. Đạn tên lửa được đóng gói dạng container chứa 6 đạn/container. Bệ phóng tích hợp sẵn một cần cẩu sử dụng để tái nạp đạn cho bệ phóng. M270 có thể phóng đi 12 đạn chỉ trong vòng 40 giây, tầm bắn tối đa 64 km. Ảnh: Military-today |
|
BM-30 Smerch là một loại MRLS hạng nặng được đưa vào sử dụng trong quân đội Nga từ năm 1989. MRLS này sử dụng đạn tên lửa cỡ nòng 300 mm, mỗi bệ phóng mang theo 12 đạn tên lửa. BM-30 có thể bắn đi 12 đạn tên lửa chỉ trong 38 giây, bệ phóng đặt trên khung gầm xe tải MAZ-79111 8x8 bánh. Một trong những điểm vượt trội của BM-30 so với các loại MRLS khác là nó được trang bị loại đầu đạn chống tăng tự dẫn độc đáo. Hệ thống điều khiển hỏa lực sẽ tính toán phần tử bắn và phóng tên lửa đến khu vực mục tiêu, khi đến cự ly đã được lập trình trước, các đầu đạn sẽ bung ra và rơi xuống với sự trợ giúp của một chiếc dù nhỏ. Đầu tự dẫn sẽ quét khu vực để tìm diệt các loại xe tăng-thiết giáp của đối phương. Một loại đầu đạn khác rất lợi hại là đạn chùm, mỗi đạn mẹ mang theo rất nhiều đầu đạn con có thể tấn công mục tiêu trên một khu vực rất rộng. BM-30 có tầm bắn từ 70-90 km. Ảnh: Military-today |
|
9A52-2 Tornado là loại MRLS mới nhất của Nga hiện nay. Hệ thống giới thiệu lần đầu vào năm 2007. 9A52-2 là bản thu nhỏ của BM-30 Smerch, mỗi xe phóng chỉ mang theo 6 đạn tên lửa nhằm nâng cao khả năng cơ động chiến thuật. Tornado có thể bắn nhiều loại đạn tên lửa khác nhau như: đạn liều nổ mạnh HE, đạn nhiệt áp, đạn chống tăng tự dẫn, đạn chùm. 9A52-2 có tầm bắn từ 70-90 km. Ảnh: Wikipedia |
MRLS
BM-21
BM-30
M270