Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những rào cản cần vượt qua để phát triển sách nói

Chưa nhiều người hình thành thói quen nghe sách, ít có lựa chọn hình thức thanh toán, vi phạm bản quyền… là những vấn đề mà đơn vị kinh doanh sách nói phải đối mặt.

Hơn hai năm trở lại đây, một số doanh nghiệp sách nói xuất hiện, tốc độ tăng trưởng cao. Số liệu từ tháng 9/2021, Voiz FM có tốc độ tăng trưởng hai con số, mỗi tháng tăng 20-30% so với tháng trước. Sau gần hai năm thành lập, đơn vị này đã đạt điểm hòa vốn. Dù không tiết lộ con số, song Fonos cũng tăng trưởng mạnh mẽ cả về thị trường lẫn kho nội dung.

Tuy vậy, đây mới chỉ là khởi đầu tốt đẹp của sách nói tại Việt Nam. Để giữ nhịp tăng trưởng, hình thành thị trường bền vững, đơn vị sách nói cần vượt qua những rào cản.

Tro ngai can vuot cua sach noi anh 1

Sách nói đang có khởi đầu tốt đẹp. Ảnh: Đỗ Thu.

Thói quen người dùng sách

Trong một tọa đàm dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc vừa qua, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho rằng hiện tại, phát triển sách nói còn nhiều rào cản: Đội ngũ sản xuất chưa đủ mạnh mẽ; hành lang pháp lý, đặc biệt là vấn đề bảo vệ bản quyền. Cuối cùng là vấn đề đầu tư, nếu không có sự đầu tư công nghệ thì không thể đổi mới, nhân lực còn hạn chế.

Một trong những điểm mà sách nói cần chinh phục đó là tạo thói quen cho người sử dụng. Ông Vũ Trọng Đại - Giám đốc Omega Plus - nói ngành xuất bản hiện nay vẫn ngập tràn sách giấy. Sách số rất ít, chiếm 1-2%. Chúng ta đang nói nhiều về chuyển đổi số, thời đại số, nhưng sách số chỉ chiếm dung lượng nhỏ.

Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là nhiều người chưa có thói quen nghe sách. Theo một khảo sát mà Cục Xuất bản, In và Phát hành công bố, số người đọc sách hiện nay chỉ chiếm 21%. Lượng người đọc đã ít, người nghe sách nói còn ít hơn.

Theo quan sát của ông Đinh Quang Hoàng - Giám đốc điều hành công ty Waka (đơn vị làm sách kỹ thuật số) - người đọc sách ít, nhiều người không có thói quen đọc hết một cuốn sách.

Quá trình hoạt động trong lĩnh vực ebook, thư viện ebook, ông nhận ra lượng bạn đọc bỏ tiền ra mua, thuê sách rồi đọc từ đầu đến cuối sách không nhiều. Công việc bận rộn và nhịp sống nhanh khiến họ mãi không hoàn thành việc đọc cuốn sách.

Đối với sách giấy và ebook, độc giả có thể chỉ mở phần họ thích rồi đọc, hoặc đọc lướt qua. Với sách nói, tốc độ đọc phụ thuộc vào người đọc sách. Bên cạnh đó, người nghe sách nói cũng khó chủ động chọn nội dung sách để hưởng thụ.

Trong bối cảnh đó, ông Hoàng cho rằng sách nói dạng tóm tắt, nghe miễn phí sẽ phát triển. Các nội dung sách nói chia thành nhiều phần cũng dễ tiếp cận số đông hơn.

Hiện nay, tại nhiều quốc gia, việc đăng tải nội dung sách dưới dạng hình ảnh, âm thanh lên các nền tảng rất phát triển, coi đó là một hình thức công bố, xuất bản nội dung. Nhiều tác giả thực hiện audio, video công bố trên nền tảng mạng xã hội. Họ trực tiếp tương tác với độc giả, khán giả của mình, bật quảng cáo để kiếm tiền, doanh thu lớn hơn việc in vài nghìn bản sách.

Tro ngai can vuot cua sach noi anh 2

Hình ảnh trong phòng thu podcast. Ảnh: Zing Podcast Team.

Hình thức thanh toán

Người sử dụng sách chưa nhiều, cách thức thanh toán, mua sách nói cũng chưa thuận tiện. Người sử dụng sách nói hiện nay thường mua từng cuốn và hoặc sử dụng theo gói. Nếu theo gói, người nghe có thể bỏ một số tiền để nghe kho sách trong thời hạn nhất định. Trong khi đó, mua từng cuốn sách một sẽ có mức giá cao.

Với đơn vị sách nói, chi phí sản xuất sách tăng, trong khi đó họ phải chia số tiền bán sách, bán gói thuê bao cho bên thứ ba. Nếu người dùng mua sách nói qua hệ thống app của Google Play hay App Store thì đơn vị kinh doanh phải trích phần trăm cho những công ty công nghệ, phần trăm chiết khấu cao.

Ông Đinh Quang Hoàng tiết lộ mức phí mà công ty ông phải trả cho công ty quản lý app hoặc viễn thông dao động từ 30% đến 70%.

Lượng người đọc thanh toán qua kênh của app cũng chưa nhiều. Trước đây có hình thức cào thẻ thanh toán. Hiện nay, nhiều người chưa có thói quen trả phí qua ví khi sử dụng app sách nói.

Bản quyền là một vấn đề lớn mà các đơn vị sách nói lưu tâm. Tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số ảnh hưởng lớn đến doanh thu của người làm sách nói. Voiz FM cho biết đã làm việc để gỡ hàng chục nghìn nội dung vi phạm bản quyền.

Bên cạnh vấn đề khách quan là thói quen người nghe và hình thức thanh toán, bảo vệ bản quyền, thị trường sách nói cần thêm những yếu tố khác để phát triển.

Với đơn vị làm sách nói, cần tập trung trải nghiệm cho người sử dụng. Bộ máy của đơn vị làm sách nói xác định mục tiêu rõ ràng; xác định lợi thế cạnh tranh của mình (công nghệ, nội dung); tạo kho nội dung phong phú… Ngoài ra, các đơn vị làm sách giấy, sách điện tử cùng ủng hộ thì mới có thể hình thành và vận hành thị trường sách nói.

Văn hóa đọc thời đại 4.0

Những người làm công tác xuất bản khẳng định sự xuất hiện của sách nói hay sách điện tử sẽ không triệt tiêu sách giấy, mà chỉ mở ra cách tiếp cận đa dạng hơn cho độc giả.

Làm mới thói quen của người đọc trong thời đại công nghệ

Đơn vị xuất bản cần đa dạng hóa dòng sách như làm ebook, sách nói, sách tương tác để phục vụ nhu cầu của độc giả trẻ, từ đó phát triển văn hóa đọc thời công nghệ.

Minh Phương

Bạn có thể quan tâm