Để giữ gìn nội quy chung, tăng hiệu quả làm việc cũng như nâng cao giá trị của công ty, các lãnh đạo doanh nghiệp thường đưa ra những quy định và yêu cầu nhân viên phải tuân thủ. Bên cạnh những nội quy hài hước và hợp lý, không ít nhân viên công ty lại phải chịu cảnh méo mặt, ức chế vì những quy định khó nhằn và vô lý của doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Anh, một cựu nhân viên công ty truyền thông tại quận Tân Bình, TP.HCM vẫn còn cảm thấy khó hiểu với quy định cấm uống nước có màu của công ty cũ. Theo nội quy, nhân viên chỉ được phép uống nước trắng, không được ăn bất cứ thứ gì trong giờ làm việc. Mọi loại nước có màu từ sữa, cà phê hay nước hoa quả đều bị cấm. Riêng với những nhân viên mang theo đồ ăn sáng, cơm trưa cũng không được ăn trong văn phòng, dù vào giờ nghỉ.
"Công ty có đặt camera trong văn phòng, vì vậy, không ai dám vi phạm. Từng có trường hợp một nữ nhân viên bị tụt huyết áp đột ngột, đồng nghiệp cùng phòng đã phải làm mọi biện pháp để che camera trong khi cấp cứu cho người này bằng cách uống tạm chút sữa. Lần đó, không ai bị phạt vì vi phạm nội quy, nhưng mọi người đều thấy bức xúc, muốn gỡ quy định mà không được", chị Anh chia sẻ.
Cơm tự mang, đồ ăn nhẹ văn phòng là giải pháp tiết kiệm của dân công sở, nhưng cũng thường xuyên nằm trong các quy định cấm của công ty. Ảnh: M.H. |
Cũng là các quy định về việc ăn uống trong văn phòng, nhưng một công ty chuyên về thiết bị điện trên đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội lại yêu cầu nhân viên không được phép dùng đồ ăn trưa trong khu vực làm việc. Tuy nhiên, công ty không sắp xếp chỗ ăn khác cho nhân viên, mà gợi ý dùng bữa tại một nhà hàng gần trụ sở, thay vì mang cơm từ nhà đi.
"Nhà hàng này do vợ của giám đốc mở, đồ ăn rất đắt, lại không hợp khẩu vị của mọi người nên thời gian đầu vắng vẻ. Đến khi công ty yêu cầu nhân viên nếu tự mang cơm trưa thì sẽ phải ngồi ngoài hành lang, hoặc xuống sân tòa nhà ăn, thì hầu hết nhân viên tại đây đành làm theo gợi ý của sếp, vì xung quanh trụ sở không có quán ăn khác thay thế. Sau này, nhân viên còn phải thi hành một loạt luật mới, như không được dùng nước để rửa bát, mỗi tuần chỉ được dùng hết 2 cuộn giấy vệ sinh... Tất nhiên, cách làm ấy không chỉ làm nản lòng nhân viên, mà còn khiến nhiều người âm thầm tìm bến đỗ khác, và doanh nghiệp thì chỉ thiệt chứ không có lợi gì", anh Thanh Tùng, cựu nhân viên công ty này tiết lộ.
"Vào dễ, ra khó" là một biện pháp để nhiều công ty giữ được nhân viên giỏi, cũng như làm nản lòng những ai muốn bỏ cuộc sớm. Thế nhưng, sự cứng nhắc của ông chủ doanh nghiệp khiến không ít người lao động cũng như các lãnh đạo cấp trung tẩy chay. Câu chuyện của Hoàng Thanh - cựu nhân viên của một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính của doanh nghiệp ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là một ví dụ như thế.
Từng được trả lương theo doanh số với công việc chủ yếu là tiếp cận khách, ký hợp đồng và chăm sóc dịch vụ, nhưng sau 2 năm, Thanh vẫn chưa được ký hợp đồng chính thức, mà vẫn hoạt động trên danh nghĩa cộng tác viên. Cô chủ động xin nghỉ để tìm một cơ hội khác, và được sếp trực tiếp hứa sẽ giải quyết nhanh các vấn đề liên quan đến thủ tục, giấy tờ.
"Ngay hôm sau, giám đốc đã yêu cầu mình duy trì việc có mặt ở văn phòng đến cuối tháng, nếu không sẽ bị giữ tháng lương cuối. Mỗi ngày đi làm, mình phải ngồi yên một chỗ, không được sử dụng máy tính, không được ra ngoài gặp khách, muốn đứng lên đi lấy nước hay vệ sinh cũng phải xin phép 2 người giám sát. Việc này kéo dài đến hơn 10 ngày, trước khi mình cam kết không đòi quyết toán tháng lương cuối cùng thì quy định mới được gỡ bỏ. Sau này mình được biết, nhiều đồng nghiệp còn bị giữ bằng gốc, trừ lương đi làm muộn dù chỉ là vài giây... khi sếp biết họ có ý định rời công ty", cô kể.
Theo luật sư Nguyễn Thành Luân, công ty luật Vietlaw, những quy định theo kiểu truyền miệng, thông báo nội bộ này là một cách để doanh nghiệp lách luật Lao động, hay thậm chí là vi phạm quyền công dân.
"Nhiều trường hợp, nhân viên nữ buộc phải nghỉ việc chỉ vì có thai khi chưa làm đủ 1 năm, dù theo luật Lao động, doanh nghiệp không được phép sa thải lao động nữ trong trường hợp này. Công ty chỉ cần thực hiện một vài động thái được gọi là 'quản lý mềm', như giám sát đặc biệt, liên tục điều đi công tác xa... khiến nhân viên buộc phải tự nghỉ. Người lao động trong những trường hợp này cần phải nắm rõ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cũng như quy định công khai của doanh nghiệp, để có cách xử lý và bảo vệ chính mình", luật sư Luân cho biết.