Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những quán ăn tí hon ở phố cổ Hà Nội

Nằm sâu trong ngõ nhỏ, rộng vừa đủ một chiếc bàn nhựa và một người ngồi nhưng cũng đủ thu hút các đấng mày râu hay chị em phụ nữ tới ăn uống.

Tại phố cổ Hà Nội, hầu hết các ngõ nhỏ đều trở thành hàng quán khiến lối đi trở nên chật hẹp. Trong ảnh là một hàng ăn tại ngõ Trung Yên, quận Hoàn Kiếm, chiều ngang chỉ hơn 2m nhưng chật kín hàng quán kinh doanh và xe cộ.
Toàn khu phố cổ Hà Nội có gần 200 di tích đình, đền, chùa đang bị xâm hại. Đình Trung Yên, (phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) ngày thường cũng như ngày lễ chật kín xe cộ, các hộ dân kinh doanh.
Cách đó không xa có một con ngõ nhỏ diện tích chưa tới 5 m2, là nơi chế biến của một cửa hàng bún. Người dân đi qua con hẻm này luôn phải nín thở bước đi vội vã.
Một hàng ăn trong ngõ Lò Sũ mọc lên trên lối đi chật hẹp đủ kê vừa chiếc bàn, phía trên đầu khách là những hộp công tơ phủ kín mạng nhện dây điện.
Bên trong là khoảng sân nhỏ đủ để kê đồ chế biến món ăn cho khách.
Gần đó, một khu nhà bên trong có không gian chưa đầy 10m2, người bán hàng chỉ cần kê chiếc bàn và chiếc bếp ga vậy là đủ phương tiện kinh doanh quán ăn.
Dù lối đi nhỏ hẹp chật chội nhưng nhiều quán ăn trong ngõ vẫn thu hút được rất đông khách.
15h chiều nhưng quán nhỏ trong ngõ phố Lò Sũ vẫn nhiều khách hàng ngồi ăn uống. Không có ánh sáng trời, tất cả đều phải nhờ vào đèn điện.
Bậc thang lên xuống giữa các hộ trở thành cái nơi xếp bát đĩa.
Nhà số 47 Hàng Bạc xây dựng từ cuối thế kỷ 19 được xếp vào hàng cổ nhất Hà Nội, mang nhiều đặc trưng và vẻ đẹp của đô thị cổ Hà Nội. Bên trong dột nát xập xệ nhưng vẫn được nhà chủ tận dụng để kinh doanh.
Lỉnh kỉnh đồ đạc, không gian đặc quánh mùi ẩm ướt, tanh nồng của cống rãnh.
Một ông chủ quán đang quét dọn sau một buổi bán hàng ăn sáng và ăn trưa.
Tới năm 2020, sẽ có hơn 6.500 hộ dân được di dời khỏi phố cổ Hà Nội. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ triển khai từ quý IV/2013 đến năm 2016 với 1.530 hộ dân di dời sang Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) rộng hơn 11 hecta. Ngay sau khi giai đoạn 1 kết thúc, hơn 5.000 hộ dân còn lại sẽ tiếp tục di dời sang các khu đô thị khác do TP Hà Nội bố trí. Tổng mức đầu tư dự kiến lên tới gần 6.500 tỷ đồng, Đề án này được kỳ vọng giảm tải mật độ dân phố cổ xuống còn khoảng 500 người/hecta.

Hoàng Thành

Bạn có thể quan tâm